Hội nghị khó thành công

25/03/2014 03:00 GMT+7

An toàn hạt nhân nói chung và chống khủng bố hạt nhân nói riêng là những vấn đề thời sự của thế giới. Sự hợp tác và cam kết trách nhiệm của tất cả các nước, đặc biệt các cường quốc hạt nhân, đóng vai trò quyết định trong cả hai chuyện đó.

Vì thế, hội nghị cấp cao thế giới về an toàn hạt nhân được coi là diễn đàn thích hợp để đạt được những mục tiêu trên. Hội nghị được Tổng thống Mỹ Barack Obama khởi xướng và đã qua 2 kỳ ở Mỹ năm 2010 và Hàn Quốc năm 2012.

Hội nghị lần thứ ba được tổ chức ở Hà Lan trong hai ngày 24 - 25.3 nhưng triển vọng thành công lại rất mong manh vì phương Tây và Nga đang đối đầu về vấn đề Ukraine. Nga là một trong những cường quốc hạt nhân và nếu không có sự tham gia xây dựng, hợp tác hiệu quả của nước này thì hội nghị này không thể thành công. Bầu không khí chính trị chung hiện tại trong quan hệ giữa phương Tây và Nga vì thế hoàn toàn không thuận lợi chút nào và Tổng thống Nga Vladimir Putin lại không tham dự hội nghị. Nhóm G7 vốn gần như không còn tồn tại trên danh nghĩa kể từ khi kết nạp thêm Nga năm 1998 để trở thành G8, giờ lại được Mỹ cùng các thành viên khác phục hồi để phối hợp chính sách và hành động đối phó Nga lại vừa tạo hình ảnh loại nước này ra khỏi nhóm. Vì thế, những cuộc gặp song phương bên lề hội nghị cấp cao được để tâm coi trọng hơn.

Bối cảnh tình hình như thế khiến hội nghị lần này dẫu có bàn thảo nhiều thì cũng sẽ chỉ nhất trí được ít và ngay cả những gì có thể nhất trí ấy cũng không quá nổi bật và khả thi.

La Phù 

>> Nhật, Hàn, Trung bàn về an toàn hạt nhân
>> IAEA yêu cầu họp cấp cao về an toàn hạt nhân
>> Châu Á tăng cường an toàn hạt nhân
>> Nhật Bản: Lo ngại về an toàn hạt nhân sau động đất

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.