Trong nhà không có đàn ông: Tảo tần nuôi con tâm thần

26/03/2014 10:16 GMT+7

Bà Võ Thị Lòng (còn gọi là Loòng), 65 tuổi, ở làng Xuân Thiên hạ, xã Vinh Xuân, H.Phú Vang, Thừa Thiên-Huế là người có hoàn cảnh quá nghiệt ngã khi phải chăm đến 7 người con bệnh tâm thần.

Tảo tần nuôi con tâm thần
 Bé Huệ là niềm hi vọng duy nhất trong gia đình có 7 anh chị em bệnh tâm thần - Ảnh: Đình Toàn

Cây cầu Trường Hà bắt qua Phá Tam Giang (H.Phú Vang) vốn dĩ thơ mộng nhưng mùa mưa lũ buồn hiu hắt. Từ bên này cầu qua bên kia cầu tôi thấy bóng dáng của một nam thanh niên mảnh khảnh, tóc tai bù xù, bước liêu xiêu trong gió. Hỏi đường về nhà dì Võ Thị Lòng, người thanh niên nhoẽn miệng cười ngây dại. Hóa ra đó chính là Phạm Văn Thanh, một trong những người con mắc bệnh tâm thần của dì Lòng. Nhiều năm nay, sáng sáng Thanh rời khỏi nhà ở Vinh Xuân đi lang thang lên chợ Vinh Thanh (xã Vinh Thanh), rồi về chợ Bến Phà (gần cầu Trường Hà) để “làm việc”. Thanh đi từ sáng đến tối đỏ đèn mới về nhà. “Nghe nói người ta cho thằng Thanh tiền cũng nhiều, có ngày được vài chục ngàn. Nhưng trên đường đi thì hắn cho lại người khác hết. Hắn không biết có mấy tờ 500 đồng thì mua được một ổ mì, nhưng sáng sớm mở mắt ra là hắn lại xin tiền. Đưa hắn tờ 5.000 đồng, hắn đòi cho được tờ 500 đồng.”, dì Lòng ngồi phịch xuống ghế, thở dài.

Hỏi về Thanh là đứa con thứ mấy, dì suy nghĩ một lúc rồi nói “thứ tư”, lát lại nói “à, thứ năm thì phải?”. Để cho chắc, dì đi lấy cái sổ hộ khẩu ra lật từng trang. Nhìn những cái tên trong sổ, cái tên nào cũng đẹp. Đầu là Phạm Thị Thuyền (45 tuổi), đến Phạm Thị Thu (43 tuổi), Phạm Thị Tuyết (38 tuổi). Bốn người con trai sau lần lượt là Phạm Châu (36 tuổi), Phạm Thành (34 tuổi), Phạm Á (đã mất), cuối cùng là Phạm Văn Thanh (28 tuổi). Toàn bộ cả bảy người con của dì Lòng người nào cũng mắc bệnh tâm thần. Chín năm trước, trong một lần đi lang thang, Á - người con kế út của dì Lòng, sỉa chân xuống một cái hồ rồi tử nạn. Hàng xóm có người thương tiếc nhưng cũng có người nói âu đó cũng bớt được gánh nặng cho vợ chồng dì Lòng.

Cuộc sống kham khổ, muộn phiền, chồng của dì Lòng lâm bệnh rồi qua đời cách đây 5 năm. Một mình dì Lòng ở lại trần ai giữa 6 người con không bình thường. Gần đây một người dân ở xã Vinh An (H.Phú Vang) thương hoàn cảnh dì Lòng nên nhận chị Thuyền (con đầu) đến giúp việc, nhưng cái chính cũng là để san sẻ gánh nặng cho dì Lòng bởi chị Thuyền tâm trí cũng không được bình thường. “Mấy mươi năm nay đêm năm canh thì tui chỉ ngủ được một canh. Nhiều đêm cứ thức dậy rồi khóc một mình, nghĩ lỡ mình ngủ thẳng e mấy đứa cũng không biết. Dẫu hái nắm rau rồi nấu miếng cơm mấy mẹ con cùng ăn nhưng tui mà về với ôn mệ thì tụi hắn chơ vơ”, dì Lòng thở than.

Cám cảnh mẹ con dì Lòng một người dân trong xã cho mẹ con dì giữ hai con bò, tỉ lệ ăn chia là 3/1. Tức, nếu hai con bò mẹ sinh được một con bê thì mẹ con dì Lòng hưởng được một chân (một phần), sinh được 4 con thì sở hữu được bốn chân, tức là một con. Sau 6 năm nhận nuôi giờ đàn bò đã lên được 6 con, tức mẹ con đã sở hữu được một con bê bằng sức lực của mình. Thành quả lao động đó được đánh đổi vô vàng mồ hôi và nước mắt, kể cả những lần dì Lòng phải đến nhà hàng xóm lạy lộc van xin “tha thứ” do những người con dì Lòng để bò ăn phải lúa, giẫm phá hoa màu hàng xóm. Trong 7 người con của dì Lòng chỉ duy nhất anh Châu là bệnh nhẹ nhất, từng lập gia thất riêng, có con cái và phân biệt được mệnh giá một số tờ tiền. Người đàn ông tâm tính không được bình thường này đã từng hai lần có vợ. Người vợ đầu sinh cho anh một đứa con trai, xong rồi bỏ. Anh đi bước nữa và có thêm một đứa con gái đặt tên là Phạm Thị Huệ. Tưởng người vợ sau sẽ chia sớt với anh về nỗi khổ bệnh tật, nhưng chị cũng rời xa anh. Không còn cách nào khác, anh Châu đưa con về nhà nội rồi cáng đáng nuôi hai đứa con, đứa nào cũng thông minh, học giỏi. Đặc biệt bé Huệ năm nay chín tuổi, đã vào lớp 4 với 3 năm liền là học sinh giỏi. Nhìn đôi mắt sáng quắt trên gương mặt bầu bĩnh của bé, người ta cảm nhận được những tia hi vọng bắt đầu lóe lên trong ngôi nhà có vẻ ảm đạm, mịt mùng tương lai ấy.

Quét rác nuôi con vào đại học

Rời TP.Tam Kỳ (Quảng Nam) để theo chồng về sinh sống ở xã nghèo Lộc Thủy, chị Trần Thị Kim không mơ gì hơn là có một mái ấm hạnh phúc bên người chồng luôn thương yêu. Chị kể, năm nay chị 54 tuổi, quen chồng lúc 24 tuổi khi anh ở Huế vào Quảng Nam đào đãi vàng. Sau 5 năm yêu nhau hai người cưới rồi chị theo chồng về Lộc Thủy sinh sống. Hai vợ chồng có 3 đứa con, hai gái một trai. Chồng làm thuê, vợ buôn bán vặt nhưng cũng đủ ngày 2 bữa cho cả nhà. Anh chị đặt tên cho đứa đầu là Thu, thứ hai Thoa và út trai là Tư. Chật vật, nhưng ba đứa con chị đứa nào cũng học giỏi. Trong căn nhà của bố chồng chị Kim, nhìn đâu cũng thấy giấy khen học sinh giỏi, khá của ba đứa con chị. Chị Kim nói từ khi theo chồng về sinh sống nơi đây chị chưa rời xa chợ Nước Ngọt. Đầu thì bán mì Quảng, sau ế thì chị chuyển sang bán thạch xoa, nước đậu ván, đậu nành... Được vài năm, khi chị mang thai thằng cu Tư thì nghỉ bán. Sinh cu Tư xong chị xin chính quyền địa phương làm vệ sinh, quét rác ở chợ để tiện bề chăm sóc chồng thường xuyên ốm đau bệnh tật, rồi mất sau đó không lâu. Gần 18 năm nay, việc vệ sinh dọn dẹp rác rưởi của chợ Nước Ngọt đều do chị Kim phụ trách. Đổi lại, chị được mỗi tiểu thương của chợ “trả lương” 500 đồng, 40 hộ kinh doanh vị chi mỗi tháng có 600 ngàn đồng lận lưng để trang trải phần nào gánh nặng nuôi con học hành, chăm sóc bố chồng.

Đình Toàn

  >> Tìm ra gien bệnh tâm thần phân liệt
>> Bệnh tâm thần đe dọa giới trí thức
>> Dầu cá giúp giảm bệnh tâm thần
>> Chữa bệnh tâm thần: Chớ cầu thần thánh!
>> Chăm sóc bệnh tâm thần kinh ở người cao tuổi 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.