Hôn nhân - dấu chấm hết của lãng mạn?

22/10/2005 09:37 GMT+7

Trong những bộ phim tình cảm, các cặp vợ chồng mỗi khi ra khỏi nhà đều chào nhau: Em yêu, anh đi nhé!, Anh yêu, thức ăn em đã chuẩn bị sẵn, bao giờ về hãy gọi điện cho em... và kèm theo là những nụ hôn thật kêu khiến các cặp uyên ương đã kết hôn, đặc biệt là người vợ, cảm thấy tiêng tiếc cái thời tình yêu đầy lãng mạn. Phải chăng, sự lãng mạn trong tình yêu đã dần mất đi trong cuộc sống gia đình hiện đại?

Chuyện thường ngày ở... nhà

Hầu hết các bà vợ đều hay than phiền. Cứ như chỉ có mình mới thấy mất mát vì sự ra đi của những lời âu yếm, cử chỉ chăm sóc khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Hồng cũng vậy, trong gần 20 năm chung sống với chồng, cứ có dịp gặp bạn bè là cô lại vui miệng mát mẻ đức lang quân: Mình bây giờ hết thời rồi, làm sao được người ta quan tâm như hồi xưa nữa. Trong khi đó, Thái chồng cô, chỉ biết ú ớ giống như người ngậm hột thị. Ai cũng nghĩ gia đình Hồng có vấn đề nhưng thật ra họ vẫn sống yên ấm, vẫn sinh con đẻ cái đều đều. Bình thường, khi bạn bè hỏi chuyện thì Thái cho biết: Chẳng hiểu vì sao bà ấy lại nói như vậy. Nhưng anh cũng thú thật không biết từ lúc nào, lối xưng hô bà - tôi, ông - tôi đã thay cho tiếng gọi anh - em gần gũi giữa hai vợ chồng. Kể cũng lạ! mà nếu cách gọi lạ có xuất hiện trong nhà thì cũng do cả hai bên chứ đâu thể từ một phía. Vậy mà Hồng đổ hết trách nhiệm lên đầu chồng. Rõ ràng, Hồng cũng là chủ thể trong việc xác lập một lối xưng hô hoặc cách cư xử giữa họ nhưng cô đã vô tình đặt mình ở thể bị động khi cho rằng điều đó do chồng gây ra.

Cường là chủ đại lý gạo ở một tỉnh miền Trung, công việc làm ăn khiến anh có khá nhiều mối quan hệ. Cứ dăm bữa nửa tháng, dù muốn hay không anh cũng phải tham gia dăm ba cuộc hiếu hỉ, giỗ kỵ, cưới xin, đầy tháng, thôi nôi... mỗi lần như vậy, anh đều đề nghị vợ đi cùng nhưng chẳng bao giờ được hưởng ứng. Nào "Em mới đi làm về mệt quá. Thật, anh đi đi! Hoặc "Thôi, anh cứ đại diện đi, em còn phải cho mấy đứa nhỏ ăn". Lâu dần, việc quan hệ, lễ nghĩa thành chuyện của Cường để rồi mỗi lần trong nhà lục đục, việc nhường nhịn ấy lại được vợ anh mang ra tính sổ: Anh suốt ngày cứ lo ba cái việc ăn uống, đâu biết vợ anh khổ thế nào. Chẳng may đúng lúc bạn bè đến, sự việc lại được nâng quan điểm đến mức: Kệ, cứ để ổng kiếm em nào trẻ chở đi cho đẹp mặt với người ta chứ mình già rồi, theo làm gì!...

Thời lãng mạn có còn?

Điều hết sức đáng buồn là khi nhìn nhận những vấn đề về gia đình ở ta, nhiều chị em lại có xu hướng vọng ngoại. Họ cho rằng những vẫn đề đó do mặt bằng dân trí thấp. Cái dân trí mà họ muốn nói ở đây chính là đàn ông trí, có nghĩa là họ cho mọi vấn đề xảy ra đều tại đàn ông và vô tình tự hạ thấp vai trò của mình. Vậy thì tốt nhất, thay vì hong hóng cái bề nổi bên ngoài để rồi quay về ca thân quân ta, chị em nên tự nhận ra vai trò, quyền hạn của mình để tham gia mọi công việc gia đình nhằm thúc đẩy dân trí của chồng và gia đình lên cao.

Trở lại câu chuyện của hai nhân vật Cường và Thái. Họ đều có học vấn, đều là những người chồng, người cha biết chăm lo cho gia đình, chưa từng hành xử với vợ con theo lối bạo hành. Họ cũng có những ước mơ nho nhỏ sau chuyện cơm áo gạo tiền là đưa bà xã và mấy đứa nhỏ đi chơi Hà Nội, Sài Gòn cho biết đây biết đó. Nhưng cái rào cản khiến mọi dự định không thể xuôi chèo mát mái được lại chính là các bà vợ thích sống kiểu Tây nhưng: Đi thì ngại lắm, tốn kém tiền bạc lại chẳng may ốm đau thì sao...Thời lãng mạn còn không? Mỗi lần đi xa lấy hàng, Cường luôn cẩn thận dặn vợ phải hết sức chú ý lúc lên xuống xe, chưa tối đã gọi điện về chỉ để nói: Ba mẹ con nhớ đi ngủ sớm để giữ gìn sức khỏe. Còn Thái, một người có vẻ mặt cứng rắn, ít biểu lộ cảm xúc mà khi biết tin vợ bị khối u ác tính đã khóc như một đứa trẻ trước mặt bạn bè, dù bên vợ anh phải kìm nén để không lộ thông tin này theo yêu cầu của bác sĩ.

Thời lãng mạn còn hay không phụ thuộc vào chính những chủ thể đang hàng ngày hàng giờ hoài niệm và kêu gọi những điều lãng mạn xưa kia. Và những việc làm nhằm thỏa mãn ước mơ ấy của bản thân hay của người bạn đời cũng phải được thực hiện với một sự nỗ lực thường xuyên.

(Theo VNN)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.