Cơ hội từ khủng hoảng

27/12/2008 00:03 GMT+7

Khủng hoảng không phải toàn đem lại những điều xấu. Đối với nhiều doanh nghiệp, đây có thể là cơ hội để “đo lại mình” như tái cơ cấu bộ máy, quản trị, điều hành, mua được nguyên liệu, dây chuyền máy móc thiết bị rẻ, tuyển được nhân công chất lượng cao với giá hợp lý...

Sau khủng hoảng bao giờ cũng là một thời kỳ phát triển, tăng trưởng mới và lúc này có thể là thời điểm chuẩn bị để đón đầu cho thời kỳ phát triển đó.

Theo Giáo sư - Tiến sĩ Võ Đại Lược - một chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam, khủng khoảng cũng chứa trong nó những cơ hội. Trong cuộc khủng hoảng này, giá một số mặt hàng như sắt thép, xi măng, nguyên liệu đầu vào trên toàn cầu của nhiều ngành hạ tầng đã giảm rất mạnh.

Do vậy, cần đầu tư mạnh vào những ngành sử dụng nhiều các mặt hàng đó để tận dụng cơ hội về giá. Các ngân hàng, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới gặp khó khăn, đang sa thải hàng loạt chuyên gia kinh tế, kỹ thuật - một nguồn lực hết sức quý hiếm.

Nếu chúng ta có chính sách thu hút được nguồn lao động tài năng này thì đó cũng là một cơ hội không dễ gì có được. Thêm vào đó, lãi suất trong nước hạ dần về mức hợp lý, lãi suất thế giới đang hạ đến mức thấp nhất; đây chính là cơ hội để Việt Nam tận dụng nhằm vay vốn nước ngoài cho các dự án lớn...

Không hẹn mà gặp cả ba “ông lớn” như dầu khí, dệt may, hàng hải trong cuộc gặp với Thủ tướng mới đây đều kiến nghị được hỗ trợ để mua lại các thiết bị hạ tầng cơ sở trên thế giới trong ngành họ với giá “rẻ như cho”. Theo ông Lê Quốc n - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam: kinh tế thế giới suy giảm kéo theo rất nhiều DN dệt may toàn cầu phá sản. Nhiều dây chuyền công nghệ, thiết bị máy móc trong ngành dệt may trên thế giới được rao bán với giá chỉ còn từ 15 - 20% so với giá bán thông thường.

Ông n nhận định: hiện các doanh nghiệp dệt may tại Đài Loan và châu Á phá sản rao bán các thiết bị nhà xưởng với giá mà trước đây “mơ cũng không mua được”. Ông Dương Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đề xuất, Chính phủ cho tổng công ty vay vốn để mua tàu. Theo ông Dũng, những con tàu 50.000 tấn trước giá 60 triệu USD, thì nay chỉ còn 15 - 20 triệu USD.

Ông Dũng nói đây là “cơ hội ngàn năm có một” để Vinalines củng cố đội tàu của mình trong khu vực. Ông Đinh La Thăng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam còn mạnh dạn đưa ra đề xuất, thu xếp tài chính để Tập đoàn Dầu khí đầu tư mua các mỏ dầu đang khai thác hoặc đã xác định được trữ lượng... được bán với giá "bèo" do giá dầu đã xuống thấp nhiều công ty sở hữu các mỏ dầu đang phá sản. Ngoài ra đây cũng là một cơ hội để tập đoàn thu hút lực lượng lao động chuyên môn, trình độ cao trong ngành dầu khí trên thế giới.

Bỏ qua yếu tố luôn đòi "bao cấp" (đề nghị Chính phủ hỗ trợ) thường thấy ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các đơn vị này đã thực sự nhìn thấy những cơ hội trong khủng hoảng. Tuy nhiên, việc tận dụng cơ hội đó như thế nào và các doanh nghiệp Việt Nam có biến khủng hoảng thành cơ hội thực sự hay không vẫn là một bài toán lớn.

Xuân Danh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.