“Mách có chứng” mới tin

28/11/2008 10:20 GMT+7

Gần đây, nhiều bạn đọc gửi thư chia sẻ hoặc yêu cầu giải đáp những kinh nghiệm đời thường trong chữa bệnh. Nào là cây dứa tàu chữa bệnh đái tháo đường, rồi cây bách xanh làm thuốc chống tê thấp…

Mới đây, bạn đọc Mỹ Linh cho biết gia đình có đọc được một bài về tác dụng của cây móc mèo. Không biết tính xác thực của bài báo đến đâu nên bạn đọc này nhờ giải đáp giùm một số thắc mắc sau: móc mèo có công dụng gì, có thể chữa ung thư như bài báo nêu không?...

Tra cứu các tài liệu tham khảo về cây thuốc, dược liệu có ở nước ta, có thể ghi nhận về cây móc mèo mà bạn hỏi như sau:

Không rõ tên khoa học

Móc mèo còn được gọi bằng nhiều tên khác như vuốt hùm, móc diều, điệp mắt mèo, móc mèo núi. Theo cuốn Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (của GS.TS Đỗ Tất Lợi, Nhà xuất bản Y Học, in năm 2000), móc mèo có tên khoa học là Caesalpinia minax, thuộc họ vang Caesalpiniaceae; cho tới nay chưa có tài liệu nghiên cứu, rễ và hạt của cây này được dùng theo kinh nghiệm dân gian: rễ dùng dạng thuốc sắc hay ngâm rượu chữa đau nhức, mất ngủ, còn hạt ngâm rượu ngậm chữa đau răng.

Theo cuốn Từ điển cây thuốc Việt Nam (của TS Võ Văn Chi, Nhà xuất bản Y Học, in năm 1999), móc mèo có tên khoa học là Caesalpinia bondue, thuộc họ đậu Fabacea, hạt được dùng theo kinh nghiệm dân gian để chữa bệnh sốt cơn và làm thuốc bổ. Theo cuốn Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (gồm nhiều tác giả, Nhà xuất bản Khoa Học và Kỹ Thuật Hà Nội, năm 2004), không gọi móc mèo mà gọi tên là móc mèo núi, tên khoa học là Caesalpinia bonducella, họ vang Caesalpiniaceae.

Như vậy, móc mèo mà bạn hỏi không biết thuộc loại cây nào, tức có tên khoa học loại nào trong các tên đã kể trên. Nên lưu ý trước khi bàn đến tác dụng một loại cây thuốc, cây thuốc cần được định danh về mặt khoa học một cách rõ ràng. Từ trước đến nay đã xảy ra nhiều trường hợp dùng nhầm lẫn cây thuốc do không định danh khoa học đưa đến ngộ độc chết người rất đáng tiếc. Theo các tài liệu tham khảo nêu trên cho thấy hạt móc mèo có dùng làm thuốc theo kinh nghiệm dân gian chữa một số rối loạn, nhưng không có kinh nghiệm dân gian nào dùng chữa được ung thư.

Không dựa vào truyền miệng

Cũng xin nói thêm một tác dụng của vị thuốc, bài thuốc gọi là chữa trị theo kinh nghiệm dân gian hay dùng theo lối truyền miệng, nếu không trải qua một nghiên cứu khoa học đúng quy cách chứng thực thì tác dụng ấy không thể gọi là chắc chắn. Nền y học được thế giới công nhận hiện nay được gọi là y học thực chứng (evidence-based medicine), tức là tác dụng hiệu quả của một thuốc hay một phương thức trị liệu nào đó phải dựa vào chứng cứ là kết quả thử nghiệm lâm sàng khoa học đúng quy cách, chứ không dựa vào sự đồn đại, truyền miệng.

Nền y học cổ truyền của ta cũng đang thừa kế, phát triển trong chiều hướng thực hiện các công trình khoa học bài bản chứng thực tác dụng của các vị thuốc, bài thuốc dùng theo kinh nghiệm dân gian lâu đời ở nước ta.

Vì các lý do nêu trên, nếu không trải qua nghiên cứu khoa học, thử nghiệm lâm sàng đúng quy cách, không thể khẳng định hạt móc mèo mà bạn hỏi (chưa biết loại gì) chữa được ung thư hay không (cũng như trả lời được các câu hỏi về trị đau nhức khớp, về tác dụng phụ nếu dùng lâu dài, có kỵ một số dược chất khác hay không). Về bài thuốc ngâm rượu chữa đau nhức mà bạn hỏi cũng thế. Không thể xác định tính hiệu quả của nó nếu không được chứng thực bằng nghiên cứu khoa học.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đức/Tuổi Trẻ
(Đại học Y dược TP.HCM)

Uống “thuốc gia truyền” hai ngày, cấp cứu!

Trong một lần đi công tác tại miền Bắc, ông Đ.T.V., 46 tuổi, nhà ở quận Tân Bình, TP.HCM, được người quen giới thiệu một loại “thuốc gia truyền” của một ông thầy giỏi, có thể chữa căn bệnh trào ngược dạ dày thực quản gây khó chịu nhiều năm nay cho ông trong chừng 30 ngày. Ông V. rất tin tưởng liền nhờ người quen mua 30 gói thuốc. Thuốc gồm nhiều vị được trộn lại gói sẵn trong miếng giấy màu vàng, không nhãn mác, không địa chỉ, không số điện thoại nơi bán.

Ông uống được hai ngày thì nhập viện, cảm giác rất mệt mỏi, nhức đầu hoa mắt, tim đập thình thịch có vẻ như không đều, người vã mồ hôi như tắm. Thấy vậy vợ ông phải kêu taxi đưa đi cấp cứu ngay. Khi vào viện nhìn vẻ mặt xanh xao, người vã mồ hôi, chúng tôi chưa khám mà đoán ban đầu bệnh nhồi máu cơ tim ở ông. Nhưng thật bất ngờ sau khi hỏi kỹ bệnh sử và xem điện tâm đồ, ông V. không bị nhồi máu cơ tim mà ngộ độc thuốc gia truyền biến chứng loạn nhịp tim, loạn nhịp tim dạng Block A-V độ 3. Đây là loại loạn nhịp rất nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu bệnh nhân đến trễ. Ông V. được chữa trị tích cực và thoát khỏi cơn nguy hiểm.

Ông V. không biết là bệnh trào ngược dạ dày thực quản cần điều trị duy trì suốt thời gian dài nếu dùng phương pháp nội khoa. Ngoài việc uống thuốc cần có sự điều chỉnh hợp lý chế độ ăn, dùng thuốc, sinh hoạt. Không có thuốc nào làm khỏi hẳn bệnh. Do tâm lý muốn mau khỏi bệnh và nghe tin đồn thuốc này, thuốc nọ có thể chữa hết, ông V. đã không tham khảo bác sĩ, tự uống, cuối cùng ngộ độc thuốc.

Bà con nhớ cẩn thận với các loại “thuốc gia truyền” không rõ nguồn gốc xuất xứ, không tự tiện mua hay uống. Nếu cần xin tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị cho mình.

BS Trần Mạnh Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.