Bắc Hà - Cao nguyên trắng

09/12/2004 16:17 GMT+7

Giữa bốn bề bao la núi non, ẩn hiện trong mây, trên cao ngàn mét, Bắc Hà được biết đến như một vùng đất có cảnh sắc, hương hoa của miền ôn đới. Trái mận Tam hoa ăn giòn tan, ngọt lịm đã trở thành một sản vật được phân biệt với cái tên mận Bắc Hà. Dường như đất và người nơi đây đã tạo nên hương vị riêng của hoa trái giữa miền nhiệt đới...

Từ những năm 70, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới 15 năm trở lại đây, Bắc Hà đã phát triển diện tích trồng cây ăn quả ôn đới nhất là mận Tam hoa và trở thành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Hiện tại, diện tích mận Tam hoa của huyện khoảng 1.300 ha. Không chỉ phủ xanh đất trống - đồi núi trọc, cây mận còn giúp nhiều gia đình xoá đói, giảm nghèo và trở nên giàu có. Vào thời điểm mận được giá, số gia đình có thu nhập 50 triệu đồng trở lên từ bán mận mỗi năm không phải là hiếm, nhà ít cũng thu từ 5 - 10 triệu đồng. Nhưng giờ đây, cây mận đã không còn là độc quyền của Bắc Hà, giá mận xuống thấp khiến người dân phải thay đổi phát triển những cây ăn quả khác.

Với nhiệt độ ôn hoà ở mức 19 độ C, không lạnh bằng ở Sa Pa, Bắc Hà luôn có được nét đặc trưng trong từng ngọn núi, mái nhà và những thảm hoa mận nở trắng rừng khi mỗi độ xuân về. Quy tụ nơi vùng núi cao này có tới 14 dân tộc anh em, trong đó, người Mông chiếm tới 47%, tiếp đó là người Dao, người Tày và người Nùng... Cưỡi ngựa du xuân là niềm mơ ước của nhiều người ở thành phố còn vùng cao đi ngựa là chuyện thường ngày. Bây giờ giá xe máy hạ nên có nhiều người sắm xe đi lại cho nhanh, nhưng ở miền núi cao, con ngựa vẫn có ích nhiều hơn xe máy. Người miền núi rất quý ngựa và coi con ngựa trong nhà không chỉ là tài sản lớn, là phương tiện vận tải hàng hoá mà còn là người bạn tri kỷ. Bên cạnh ngựa, trâu cũng là con vật được người dân nơi đây rất coi trọng bởi đó là sức kéo chính mà gia đình nào cũng cần.

Ai đã một lần đến Bắc Hà đều nghe câu thơ:

Khi vào nhớ dốc Trung Đô
Khi ra thì nhớ rượu ngô Bắc Hà

Rượu ở đây nấu thuần một loại ngô địa phương. Ngô được gieo trồng trên núi đá. Tuy năng suất không cao, nhưng bù lại, hạt mềm, bùi, giàu dinh dưỡng. Khi bung ủ kỹ với men được chế từ hạt cây Hồng my, một loại biệt dược không phổ biến của người H'Mông, rồi chưng cất lên, sẽ thành rượu lừng danh riêng có. Điều quan trọng hơn nữa là rượu Bắc Hà chỉ ngon khi được nấu bằng nguồn nước của Bản Phố. Chính vì vậy, người Bản Phố không bao giờ sợ bị nơi khác làm giả rượu. Đến chợ Bắc Hà, du khách có thể gặp ngay những người dân Bản Phố mang rượu ra bán. Không thể lẫn với một loại rượu nào, chỉ cần mở nút chai, nút can là biết ngay rượu Bắc Hà, nếu rây vào quần áo, hương rượu còn thơm mãi.

Bắc Hà nay đã thay đổi nhiều, 29/34 xã có đường ôtô, xe máy đến được trung tâm xã, đường liên thông liên xã đi lại thuận lợi. Nhờ vậy, người dân ngày càng có điều kiện gặp gỡ lẫn nhau hay giao lưu buôn bán, mang những sản vật của vườn nhà xuống chợ. Khi đến chợ Bắc Hà, du khách có thể chọn mua những tấm thổ cẩm bày bán ở cửa hàng, trong chợ hoặc đồng bào địa phương mời chào trên đường, giữa phố. Bên cạnh ngày càng nhiều các sản phẩm làm bằng máy vẫn là các sản phẩm làm bằng tay. Một tấm thổ cẩm bằng bàn tay dài hơn gang tay, đó là sản phẩm của các cô gái phải thêu mất nửa tháng. Làm ra một tấm áo, từ khi xe lạnh đến lúc hoàn chỉnh bộ trang phục, phải mất vài tháng. Còn bộ váy áo của người phụ nữ, phải trải qua rất nhiều công đoạn. Chỉ cần nhìn bộ trang phục, cũng đủ biết sự cần mẫn, nhẫn nại của họ. Đến chợ, du khách có thể thấy ngay cảnh những người phụ nữ dân tộc dù đi bán các mặt hàng khác vẫn chăm chỉ ngồi thêu, tạo nên những sản phẩm đủ màu sắc.

Trong xu hướng bị thương mại hóa các chợ vùng cao hiện nay thì Bắc Hà là một trong những nơi hiếm hoi còn giữ được bản sắc dân tộc, nét riêng độc đáo. Nhiều phiên chợ đã thành nơi thu hút khách du lịch trong và ngoài nước như: chợ Bắc Hà, chợ Cốc Ly... Ở chợ không có cảnh mời chào chèo kéo mua hàng mà chỉ thấy những gương mặt thuần phác trong bộ quần áo dân tộc sặc sỡ, họ đến chợ để vui với chợ, vui với khách đi chợ. Đặc biệt hơn cả là ở Bắc Hà còn có chợ ngựa, có lẽ là duy nhất ở nước ta hiện nay. Chợ ngựa họp ngay ở trung tâm thị trấn. Mỗi phiên chợ có từ 100 - 200 con ngựa các loại ở trong huyện mang về bán hoặc trao đổi.

Các chàng trai, cô gái H'Mông Hoa, H'Mông Xanh, H'Mông Đen, Dao, Tày... khoác cho mình những bộ quần, áo tươm tất nhất đến chợ để vui, để quên hết vất vả nhọc nhằn. Và đến khi trời tối, họ lại ra về với lời hẹn phiên chợ sau trong niềm vui giản dị được giao lưu, gặp gỡ bạn bè.

Một mùa mận mới đang về trên khắp Bắc Hà, khoảng 10 ha mận Tam hoa đã được cải tạo thí điểm kết hợp với phục tráng gen giống mận Tam hoa quý chắc chắn cho kết quả tốt và sẽ được nhân rộng. Người Bắc Hà hy vọng, mận sẽ được giá để đời sống ngày càng khấm khá hơn. Đi đến đâu người ta cũng thấy được sự đổi mới của Bắc Hà với cuộc sống ngày càng thịnh vượng hơn của các dân tộc anh em. Nhưng có lẽ có những điều không bao giờ đổi thay, đó chính là bản sắc văn hoá, bầu không khí trong lành và vẻ đẹp của vùng đất được mọi người biết đến với cái tên: Cao nguyên trắng.

(Theo Tạp chí Quê hương)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.