Đấu giá cổ phiếu Vietcombank

19/11/2007 23:05 GMT+7

Ngày 19.11, Ban lãnh đạo Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) đã có cuộc gặp gỡ báo chí để đưa ra một số thông tin chính thức, chấm dứt các tin đồn về tiến trình IPO của ngân hàng này.

Giá khởi điểm xác định ra sao?

Bà Nguyễn Thu Hà, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết, thông tin đăng tải trên các báo về 3 đối tác nước ngoài vào vòng cuối cùng để lựa chọn nhà đầu tư chiến lược gồm Nomura, Goldman Sachs và General Electric thì có 2 đối tác là sai. Nguồn tin từ Vietcombank cho biết, chỉ có thông tin về General Electrics là đúng. Nomura thì có tên nhưng không phải đứng tên một mình mà là cùng với các tổ chức khác, nên thông tin về Tập đoàn Nomura (Nhật Bản) lọt vào vòng cuối cùng là không chính xác. Tuy nhiên, nguồn tin này không cho biết thêm về danh sách chính thức các tổ chức tài chính đã lọt vào vòng cuối cùng.

Về mức giá mà các nhà đầu tư nước ngoài vào vòng cuối đã đưa, ông Nguyễn Phước Thanh - tân Tổng giám đốc Vietcombank (từ 1.11.2007) - nói: "Chúng tôi không được tiết lộ về mức giá này". Tuy nhiên ông Thanh cũng cho biết: "Mức giá này cao hơn nhiều so với mức giá đã từng được các đối tác nước ngoài chào mua tại các ngân hàng cổ phần khác (tính so với giá trên sổ sách của ngân hàng)".

Theo công bố chính thức của Vietcombank, số lượng cổ phần được đưa ra IPO lần đầu khoảng 1.000 tỉ đồng (mệnh giá). Ông Thanh cũng tiết lộ, mức giá mà các nhà đầu tư nước ngoài đưa ra dù là tốt nhất từ trước đến nay đối với một ngân hàng nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng về giá của Vietcombank cũng như của Chính phủ, nên Vietcombank đã đề xuất được phép IPO trước khi bán cho các nhà đầu tư chiến lược. Đề xuất này đã được đồng ý và Vietcombank sẽ IPO trong năm 2007.

Nhà đầu tư nước ngoài có được đấu giá?

Với việc được phép IPO trước khi chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, quá trình IPO của Vietcombank có sự thay đổi rất quan trọng. Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được tham gia vào quá trình đấu giá lần đầu của Vietcombank (theo đúng Nghị định 109 về việc chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần). Bà Nguyễn Thu Hà cho biết, cơ quan sẽ công bố giá trị doanh nghiệp của Vietcombank sẽ là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, việc xác định giá khởi điểm để IPO sẽ phải chờ quyết định của Bộ Tài chính.

 Về một thông tin cũng đang có nhiều lời đồn thổi là phương pháp định giá doanh nghiệp dùng để đánh giá Vietcombank, bà Hà cho biết, Credit Suisse đánh giá dựa vào 3 phương pháp: phương pháp chiết khấu cổ tức nhằm xác định giá trị nội tại của Vietcombank; phương pháp phân tích so sánh các giá trị mua bán, sáp nhập tương đồng (tức là căn cứ vào giá giao dịch mua bán của các ngân hàng được các đối tác chiến lược nước ngoài mua gần đây); phương pháp phân tích so sánh giá cổ phiếu với các doanh nghiệp tương đồng (căn cứ vào giá giao dịch mua bán trên thị trường đối với các ngân hàng tương đồng trong khu vực, cụ thể là với các ngân hàng hàng đầu tại Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia).

Về căn cứ để xác định mức giá khởi điểm, bà Hà nói, các cơ sở này bao gồm: tình hình thị trường chứng khoán; tình hình đấu giá của các doanh nghiệp tài chính, ngân hàng gần đây; đánh giá giá cổ phiếu của các ngân hàng đang niêm yết hiện nay; trên cở sở định giá của tư vấn. Vietcombank sẽ đưa ra đề xuất về giá khởi điểm để trình các bộ phê duyệt.

Trả lời câu hỏi: "Liệu việc IPO Vietcombank có kịp diễn ra trong năm 2007 hay không khi bây giờ đã là gần cuối tháng 11?", ông Nguyễn Phước Thanh cho biết: "Chúng tôi đã hoàn tất tất cả các thủ tục có liên quan đến Vietcombank, chỉ chờ các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là việc IPO sẽ được tiến hành. Hy vọng việc IPO trong năm 2007 sẽ diễn ra đúng dự kiến".

Hoàng Ly

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.