Nga sẽ cải cách các tập đoàn nhà nước

15/11/2009 13:23 GMT+7

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho rằng các tập đoàn nhà nước “không có tương lai” và cần phải được cải cách.

Theo Channel News Asia, hôm 13-11 ông Medvedev đã yêu cầu Thủ tướng Vladimir Putin đến trước ngày 1-3-2010 phải trình kế hoạch tái tổ chức các tập đoàn này, vốn được thành lập dưới thời ông Putin làm tổng thống.

Cần thấy rằng một ngày trước, khi có bài phát biểu thường niên, Tổng thống Medvedev đã nói các tập đoàn nhà nước nên được đóng cửa hoặc chuyển đổi thành công ty cổ phần. Thông cáo báo chí đăng trên trang web của điện Kremlin hôm 13-11 lý giải do sự thiếu kiểm soát hoạt động của các tập đoàn nhà nước, trong nhiều trường hợp đã dẫn đến việc sử dụng không hợp lý tài nguyên quốc gia.

Tổng thống Medvedev yêu cầu Thủ tướng Putin phải soạn kế hoạch về việc thay đổi luật lệ giám sát các tập đoàn nhằm đảm bảo “tính minh bạch” trong hoạt động.

Buông lỏng giám sát

Theo kết quả điều tra do ông Yury Chaika, viện trưởng Viện Công tố Nga, trình tổng thống hôm 11-11, Viện Công tố Nga đã lập hồ sơ 22 vụ án hình sự liên quan đến hoạt động của các tập đoàn nhà nước. Tập đoàn Rusnano, hiện đang đầu tư vào 38 dự án công nghệ nano, cũng bị chỉ trích trong báo cáo này.

Trong số 130 tỉ rup (4,5 tỉ USD) mà Rusnano nhận từ ngân sách nhà nước cách đây hai năm, chỉ có 10 tỉ rup được đưa vào sử dụng, trong đó 5 tỉ rup dành cho các hoạt động hằng ngày. Lý do của sự buông tuồng? Tại Rusnano, 8/15 thành viên của hội đồng giám sát đã vắng mặt tại 2/3 cuộc họp hội đồng trong hai năm qua và né tránh trách nhiệm giám sát hoạt động của tập đoàn này.

Song song với tuyên bố cứng rắn, ông Medvedev cũng đã có những động thái đầu tiên. Báo Moscow Times cho biết ngay sau bài phát biểu của tổng thống, trợ lý kinh tế cấp cao của ông Medvedev là ông Arkady Dvorkovich đã nêu đích danh ba tập đoàn sẽ được tư nhân hóa một phần, sớm nhất là vào năm sau: Tập đoàn Công nghệ Nga, Tập đoàn Rusnano và Ngân hàng Phát triển Vneshekonom.

Trong hai nhiệm kỳ tổng thống của ông Putin, từ 2000-2008, một loạt tập đoàn quốc gia khổng lồ đã ra đời nhằm kích thích tăng trưởng trong những lĩnh vực then chốt như sản xuất, hàng không, công nghệ nano, năng lượng hạt nhân và xây dựng vũ trang.

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cho rằng việc duy trì hoạt động của nhiều tập đoàn gây tốn kém cho nhà nước, và cơ cấu mơ hồ của các tập đoàn đã đem lại “nhiều quyền hạn nhưng ít trách nhiệm” cho những đồng minh của ông Putin như Sergei Chemezov, người đứng đầu Tập đoàn Công nghệ Nga. Theo Moscow Times, các tập đoàn nhà nước không bị ràng buộc phải công bố thông tin tài chính và không chịu sự điều tiết của luật phá sản.

Theo Thanh Trúc / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.