Dù chỉ để rút kinh nghiệm

27/09/2006 00:05 GMT+7

Xây dựng cơ sở hạ tầng ở TP.HCM ngày càng lộ rõ những bất cập. Nhiều cuộc tranh luận, cả tranh luận nghị trường, vẫn chưa đạt sự thống nhất cao trong dư luận xã hội, trên báo chí. Quy hoạch một số khu vực đã trở thành điểm nóng, xét về giá trị sử dụng. Không ít trường hợp, quy hoạch trên giấy không đi vào thực địa nổi.

Ở đây, tôi chỉ nói vài ba trường hợp khá nổi bật mang ý nghĩa chiến lược mà nếu không vấp sai sót thì có lẽ tiến độ xây dựng chung của thành phố đã khác trước rất nhiều, kéo theo sự phát triển về kinh tế và xã hội rất đương nhiên.

Cảng Ba Son là một ví dụ. Hàng chục năm trước, nhiều ý kiến đánh giá sự bất hợp lý của một xưởng sửa chữa và đóng tàu lớn nằm ngay trung tâm thành phố, tức tự thân vị thế đó đã hạn chế xưởng mở rộng và nâng cao đóng góp. Là một cơ sở được xây dựng gần 150 năm của công nghiệp thực dân Pháp vào đầu thế kỷ XIX, rõ ràng không thể đáp ứng các yêu cầu của sự phát triển thành phố về phương diện sửa chữa và đóng tàu có tầm vóc lớn. Thế nhưng, vấn đề giản đơn lại bị che chắn bởi những lập luận liên quan đến truyền thống của xưởng - nơi cho ra đời rất sớm những người thợ công nghiệp đầu tiên của Việt Nam - và có một quá trình chiến đấu kiên cường hàng trăm năm, liên quan đến một tên tuổi lớn, nhà cách mạng, người sáng lập Công hội đỏ Tôn Đức Thắng. Lý do giữ Ba Son ở tại nguyên vị trí cũ là do sự phát triển và thực tế khả năng kinh tế của thành phố thì ít, và cần hàng chục năm để bàn cãi mới đi đến nghị quyết dời xưởng sang nơi khác thích hợp hơn.

Chuyện xưởng Ba Son lại dính đến những chiếc cầu vượt sông Sài Gòn qua Thủ Thiêm, mà người lên kế hoạch không thể không tính đến xưởng này đối với việc tàu ra vô cảng, dù trọng tải nhỏ thôi. Mất ngần ấy thời gian cho việc xây dựng cầu vượt sông, mà về nguyên tắc, ai cũng thấy Sài Gòn cần ít ra thêm 3 cây cầu vượt sông Sài Gòn nữa, mỗi cây cầu chỉ cần bằng cầu Sài Gòn bây giờ. Đây là một chậm trễ đáng trách, bởi Thủ Thiêm rất khó biến đổi nhanh thành đô thị vệ tinh hỗ trợ cho nội thành Sài Gòn vì chưa giải quyết được giao thông.

Vấn đề không dừng ở chỗ đó mà đẻ số thêm đường hầm vượt sông. Khi tôi viết bài này thì đã không thể trao đổi có nên hay không xây dựng đường hầm vượt sông, bởi nó đang trong quá trình thi công. “Bàn lùi” quả là không nên, nhưng “bàn tới” thì còn bao vướng mắc. Đường hầm Hải Vân đó đặt ra bao nhiêu thử thách khá thực tế: phương tiện vận tải của chúng ta hiện nay đang ở trình độ nào, máy móc cơ giới ra sao, kỷ luật giao thông chặt chẽ đến đâu - mà riêng chuyện khói do xe cũ thải ra đã thành chuyện lớn. Đường hầm Thủ Thiêm ngắn hơn đường hầm Hải Vân nhiều, song là đường hầm như mọi đường hầm chúng ta biết, lưu lượng xe cộ qua đường hầm Thủ Thiêm dứt khoát cao hơn lưu lượng qua đường hầm Hải Vân, liệu xe máy có được phép sử dụng đường hầm một cách an toàn hay không?... Không đơn giản chút nào.

Bây giờ, Chính phủ đã quyết dời Tân Cảng xuống hạ lưu sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, dời toàn bộ khu vực cảng ra xa trung tâm thành phố. Sự phát triển đòi hỏi tất yếu phải như vậy. Các đồng chí lãnh đạo hiện nay của thành phố day dứt vì thành phố chưa bắt tay xây dựng cầu Bình Khánh rất huyết mạch gắn trung tâm thành phố với Cần Giờ, còn phải có thời gian để xây cầu Cát Lái nối với Nhơn Trạch, thông đến Long Thành và ra Vũng Tàu. Đó là hậu quả của một tính toán chậm trễ.

Dù chỉ để rút kinh nghiệm, nhưng cái giá phải trả khá đắt. Còn bao nhiêu công trình khác nữa đòi hỏi được xem xét từ giác độ thực tế trong quy luật phát triển của một đô thị lớn. Công bằng mà nói, nếu dư luận rộng rãi được dò hỏi và nếu cơ quan lãnh đạo chịu nghe dư luận, cái cũ như tôi vừa nhắc chắc được hạn chế không nhỏ và - đây là vấn đề chủ yếu - kế hoạch phát triển tương lai mới tránh được những vấp váp đáng tiếc...

9/2006
Trần Bạch Đằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.