Nghề bảo mẫu - Kỳ 3: Vú em chuyên nghiệp

21/10/2009 10:24 GMT+7

Khi con được bốn tháng, hết hạn nghỉ sinh trong hợp đồng lao động nên các bà mẹ phải gửi con khi con còn chưa quen hơi mẹ. Khắt khe hơn so với việc tuyển bảo mẫu của lứa tuổi từ một tuổi trở lên, để trở thành vú em của trẻ sơ sinh tại các trường mầm non tư thục, tôi được yêu cầu phải có bằng sơ cấp mầm non (nghiệp vụ nuôi trẻ sáu tháng) và thẻ xanh khi khám sức khỏe (khám tổng quát tại các trung tâm y tế).

Chỉ cần trải qua khóa nghiệp vụ bảo mẫu sáu tháng hay đơn giản nhất là có kinh nghiệm chăm bé sơ sinh, tôi nhập vai một vú em và thấu hiểu nỗi vất vả của những “bà mẹ” có lúc phải xoay xở với sáu đứa con từ bốn đến tám tháng tuổi.

Sáu “con”, một “mẹ”

“Cẩn thận không con bị đau!”, đồng nghiệp tên H. liên tục “nhắc bài” cho tôi như vậy. H. giải thích trước khuôn mặt ngơ ngác của tôi: “Bé ở tuổi này không biết nói nên “mẹ” phải cảm nhận thôi. Thấy con khóc hoài là phải kiểm tra xem con có nóng sốt hay vướng, kẹt vào vật cứng nào làm đau con không”.

Trường mầm non CCN nằm trong một con hẻm rộng ở phường 2, quận Tân Bình (TP.HCM). Đây là một trong những trường mầm non tư thục hiếm hoi nhận giữ trẻ sơ sinh ở quận Tân Bình. Thông thường các trường chỉ nhận bé từ một tuổi trở lên nên CCN là một trong những trường mầm non thuộc dạng hàng hiếm ở Tân Bình vì nhận giữ các bé từ bốn tháng tuổi trở lên.

Tôi vào làm bảo mẫu tại lớp sơ sinh của trường. Lớp của chúng tôi có sáu bé sơ sinh từ 4-12 tháng tuổi. Do một cô bảo mẫu xin nghỉ một ngày nên hôm nay chỉ mình H., bảo mẫu của lớp sơ sinh, phải chăm tới sáu “con”, buổi chiều thì mới có thêm cô chủ trường tới cùng làm.

Mới biết bò nhưng dù với tốc độ bò như ốc sên thì tôi cũng tá hỏa vì loáng một cái bé “su mô gái” đã bò theo H. đang đi rửa cho bé “ốc tiêu” ở ngoài sân. Cô chủ trường tên N. cũng phải phụ H. và tôi giữ các bé mới ngăn được những cú nhoài người, trườn, bò mọi hướng có thể va đập làm bé đau. Vậy mà cũng không xuể!

Bé Q. vừa sểnh cô N. ra một phút đã va đầu ngay vào cạnh cửa làm trán đỏ lựng và khóc òa lên. Như phản xạ, mấy bé khác cũng khóc theo làm cả phòng giữ trẻ ầm ĩ ngay lập tức. Cô N. vội vã xốc ngay bé Q. lên ôm, xoa và vờ mắng cái tường đã làm bé đau rồi nhanh tay lấy miếng vòng nhựa cho Q. cầm, dỗ cho bé nín thì mấy đứa còn lại cũng nín theo. Ở góc phòng, H. đang bắt đầu vỗ tay hát “dụ” mấy bé khác tròn xoe mắt, cười tít nhìn theo cô.

Giữa trưa, cái nóng hầm hập bên ngoài bắt đầu lan tỏa trong phòng. Chúng tôi cuống lên vì các con thi nhau gắt ngủ. Dỗ được “ốc tiêu” nằm ngoan trong nôi thì “su mô gái” bỗng dưng khóc ré lên làm “ốc tiêu” giật mình tỉnh dậy khóc tiếp... Nhìn H., đồng nghiệp của tôi, rịn mồ hôi, bơ phờ dỗ hết bé này tới bé khác thật tội. H. chuyển bé N. đã bắt đầu thiu thiu ngủ cho tôi và bắt đầu tiếng ầu ơ nho nhỏ với “ốc tiêu”.

Tôi được cô H. “luyện” thêm các thói quen của cả sáu bé trong lớp để chuẩn bị cho việc chăm “con”. Dù mới hơn 4 tháng tuổi nhưng bé nào cũng thể hiện những chứng nết khác nhau mà đã là “mẹ” thì buộc phải biết rõ.

Nào là “su mô gái” thì háu ăn nên phải cho ăn trước để bé không giành ăn rồi khóc làm các bé khác khóc “dây chuyền”. Rồi “ốc tiêu” thì lúc nào cũng chỉ thích ngồi dựa trên một chiếc ghế bé xíu (“ốc tiêu” đã hơn 12 tháng mà bé hơn cả “su mô gái”) nhìn các bạn chơi; bé N. thì hễ khóc là mẹ phải ẵm nựng nịu ngay mới chịu nín; “su mô trai” có thói quen khi ngủ phải ngậm bình sữa một lúc lâu...

Cuống nhất là lúc các bé thi nhau tè hay giành đồ chơi. Các “con” của tôi hầu hết đều đang mọc răng. Đứa nào cũng có 2-4 răng cửa nên rất háu, gặm bất kỳ thứ gì nhặt được, kể cả vai, tay, áo của “mẹ” hay các bé khác. Đó cũng là lý do mà H. luôn miệng dặn tôi phải canh chừng để các bé không bị đau khi chơi.

Bị theo dõi từ xa

Buổi trưa trong căn phòng rộng chợt tĩnh lặng và rộng thênh khi tất cả các bé đều ngủ. Trong một góc lớp học, tôi chợt để ý thấy chiếc máy camera ghi hình nhấp nháy đỏ. Hóa ra chủ trường có gắn máy quay kết nối Internet để các bà mẹ có thể yên tâm nhìn thấy con ngay cả khi đang ở nơi làm việc.

Một cảm giác sường sượng sau lưng khi tôi xoay người về phía bé “su mô gái” đang ngủ vì biết rằng chiếc máy quay phim liên tục hoạt động phía sau mình. Vậy mà ngày nào đồng nghiệp tên H. của tôi cũng phải chăm các “con” với áp lực không chỉ vì bữa ăn, giấc ngủ mà còn với sự quan tâm sát sao của chiếc máy quay luôn kết nối Internet để các phụ huynh theo dõi từ xa.

Hầu hết đồng nghiệp của tôi ở Trường CCN và AM (đường Lương Hữu Khánh, Q.1) đều độc thân, chưa có con nhưng rất mát tay khi chăm các bé sơ sinh. Buổi sáng mới hơn 6g T. đã tất tả chạy lên chạy xuống từ lầu 3 xuống tầng trệt để đón cháu. T. sinh năm 1987, nhà ở quận 9 nên ngày nào cũng phải dậy lúc 5g sáng để chạy lên quận 1 cho kịp giờ làm. Khuôn mặt bơ phờ của một người thường xuyên dậy sớm khiến T. già hơn nhiều so với tuổi 22.

Bảy giờ sáng đã có bốn cháu tới, T. và B. tranh thủ cho các cháu ăn trước vì tới 8g cả mười bé của lớp nhỏ ở Trường AM sẽ được bố mẹ đưa đến lớp. T. tâm sự: “Ở trường chỉ học lý thuyết, đi làm phải mất cả tháng mới quen được nhịp độ làm việc với các bé. Mỗi đứa mỗi chứng mà!”.

Một đứa con với một bà mẹ đã trở tay không kịp, vậy mà những đồng nghiệp của tôi hằng ngày phải chăm chút cho ba, bốn đứa con cùng lúc. B., một vú em trong lớp, bộc bạch: “Thấy bé khóc thì thương nhưng không được ôm bất kỳ bé nào lâu, nếu không bé “bén hơi” thì không lo cho bé khác được! Đã vậy đôi khi sơ suất làm bé trầy xước một chút là cô nọ đẩy cô kia, không dám ra gặp mẹ các bé. Biết là không gì bằng mẹ xót con nhưng gặp mấy bà mẹ khó tính cũng sợ lắm. Có khi các bà mẹ bóng gió nặng nhẹ chỉ biết tủi thân mà khóc. Cái nghề này là vậy!”.

Ấm ức nói chuyện với nhau là vậy nhưng tôi lại thấy T. hạnh phúc như một bà mẹ thật sự khi khoe bé K. đã 18 tháng tuổi múp míp đang ăn gần hết chén cháo xay. K. đã ở Trường AM từ khi mới 4 tháng tuổi. Lẽ ra bé được chuyển sang lớp lớn nhưng vì đã quen với các “mẹ” trong lớp sơ sinh nên mẹ của bé vẫn nhờ các cô ở lớp giữ giùm. Còn cô B. khi đón bé D. từ tay mẹ luôn miệng xuýt xoa thương con vì hôm chủ nhật bé ở nhà với mẹ bò lên cầu thang bị té làm trán sưng một cục còn vết thâm xanh lè.

Gần 5g chiều, lác đác có vài phụ huynh Trường mầm non CCN tới đón con. Các bảo mẫu lại tất tả lấy đồ chuẩn bị cho các bé về với mẹ. Cả ngày chỉ quanh quẩn với các bé trong một căn phòng kín gió, hạn chế tiếng ồn mà lúc ra về đầu tôi còn ong lên những tiếng khóc, tiếng cười của “các con” như đang ở lớp.

Theo Lê Vân / Tuổi Trẻ

-------------------------------------------

Những kiến thức mà tôi học được ở lớp đào tạo bảo mẫu cấp tốc đều khác xa với thực tế khi tôi phải một lúc chăm 20 đứa trẻ ở độ tuổi chưa biết nói. Bởi vậy, chỉ cần có kinh nghiệm chứ không cần bằng cấp. Kinh nghiệm là gì?

>> Kỳ 1: Cảnh đông con
>> Kỳ 2: Cuộc "hành xác"

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.