Máy tính tương lai sẽ nhỏ như hạt cát

15/09/2005 16:07 GMT+7

Vi máy tính eGrain do viện Fraunhofer của Đức phát triển có kích thước 1cm khối, nhưng kỹ sư tác giả Jurgen Wolf tin tưởng trong một vài năm tới, chúng sẽ nhỏ như đầu que diêm, thậm chí chỉ bằng hạt bụi.

Không cần sự can thiệp của con người, thiết bị xử lý mini nhưng thông minh sẽ kết nối không dây với nhau để tạo ra một mạng máy tính cảm ứng ẩn. Chúng sẽ chia sẻ dữ liệu, thông báo nhiệt độ cao, khi xảy ra chấn động... và những bộ phận hỏng hóc, quá tải sẽ được phát hiện chỉ trong vài giây.

"Mục tiêu của chúng tôi là thiết lập mạng cảm ứng từ những vi hệ thống thu nhỏ và có khả năng tự cung tự cấp", Wolf nói. "Mỗi mạng như thế bao gồm một thiết bị cảm biến, chip xử lý, nguồn điện cùng khả năng giao tiếp, kết nối". Khác với hệ thống phát tín hiệu không dây hiện nay phải đợi phản ứng từ các thiết bị đọc, chúng sẽ tự tổ chức thành một mạng và truyền dữ liệu trong đó.

Tham gia dự án này còn có Bộ nghiên cứu Đức, hỗ trợ xây dựng vi hệ thống tự phân phối và những công nghệ tích hợp cần thiết. Ngoài ra, Đại học công nghệ Berlin cũng góp phần phát triển phần mềm mạng, ăng-ten thu nhỏ và mạch vòng tần suất cao nhưng tiêu thụ điện năng thấp.

Thách thức lớn nhất ở đây là tìm ra cách kết nối tất cả những thành tố này lại với nhau mà vẫn tiết kiệm tối đa diện tích. Các chuyên gia của viện Fraunhofer đã xếp các bộ phận trên một lớp nền, sử dụng phương pháp flip-chip (quá trình đặt chip mạch vòng úp mặt xuống tiếp xúc với các mối hàn nhỏ trên lớp nền, thay vì kết nối chúng qua dây điện).

Việc đặt những mối hàn nhỏ ở cả hai mặt nền sẽ tạo ra sự kết nối chặt chẽ giữa các lớp. Tuy nhiên, hiện nay chưa sản xuất được pin polymer mỏng với kích thước và điện năng phù hợp cho eGrain. Các kỹ sư của viện vẫn đang trong quá trình nghiên cứu giải pháp mới.

Wolf cho biết họ sẽ tập trung vào phát triển thiết bị xử lý tích hợp có khả năng ứng dụng trong nhiều trường hợp khác nhau: "Chúng tôi không dự định tạo một eGrain độc nhất vô nhị mà muốn phát triển phương pháp và công nghệ cho những môi trường sản xuất quy mô lớn, chi phí thấp".

Nghiên cứu của Fraunhofer chủ yếu hướng vào những lĩnh vực như ngành hậu cần, sản xuất an toàn, ngăn ngừa thảm họa và thu nhận tín hiệu môi trường. Mạng cảm ứng có thể phát thông báo sơ tán trong trường hợp xảy ra thiên tai, hoặc khi rải eGrain trên đồng, nông dân sẽ xác định vị trí nào cần nhiều dinh dưỡng hơn, nhằm tránh lạm dụng và ảnh hưởng đến thiên nhiên.

Bộ quốc phòng Mỹ cũng đang đầu tư phát triển màng bụi thông minh, một ứng dụng quân đội sẽ được sử dụng để bảo vệ binh lính tránh hít phải khí gas độc trên chiến trường.

Theo Vnexpress

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.