Thu hút đầu tư nước ngoài đạt kỷ lục: Dấu ấn Mỹ, làn sóng Nhật

28/11/2006 23:38 GMT+7

Tổng thống Mỹ G.Bush, trong chuyến thăm TP.HCM cách đây 10 ngày đã nói: "Nếu tôi còn trẻ và muốn kiếm tiền, đây sẽ là nơi tôi đến!". Chắc ông Bush không có ý định dùng ngôn từ ngoại giao khi sự năng động và hấp dẫn thực sự của thị trường Việt Nam đã khiến Thủ tướng Nhật Bản cũng thốt lên là đã đến lúc xuất hiện làn sóng đầu tư thứ 2 từ Nhật vào Việt Nam.

Dấu ấn Mỹ

Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) lớn nhất hiện nay ở Việt Nam (VN) vẫn là các nước và vùng lãnh thổ châu Á như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Nhưng thực tế cho thấy, một khi các công ty Mỹ chịu đầu tư thì sẽ có rất nhiều những dự án lớn. Một ví dụ: với quyết định tăng vốn của Intel, vốn ĐTNN tại Khu công nghệ cao TP.HCM đã vọt lên 1,25 tỉ USD (19 dự án), trong đó chỉ riêng Intel là 1 tỉ USD. Trong số 8 thỏa thuận được ký kết tại Hội nghị cấp cao APEC (tháng 11 - Hà Nội), có đến 5 dự án hợp tác có mặt các tập đoàn lớn của Mỹ. Dự án Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 2 (hình thức BOT), vốn đầu tư 1,4 tỉ USD giữa Tập đoàn công nghiệp than - khoáng sản VN và Tập đoàn AES Transpower (Mỹ), trong đó AES góp 90% vốn, phía VN góp 10%. Hay SSA Marine thỏa thuận với Tổng công ty Hàng hải VN một khoản đầu tư mới 100 triệu USD vào cảng biển Cái Lân, trước đó không lâu là 160 triệu USD cho một dự án cảng biển ở phía Nam. Mới đây nhất là Tập đoàn Rockingham (Mỹ) xin đầu tư 1 tỉ USD xây dựng khu du lịch cao cấp trên diện tích 1.000 ha tại Phú Quốc... 

Trả lời phỏng vấn PV Thanh Niên gần đây, Brian Krzanich - Phó chủ tịch Tập đoàn Intel phụ trách lắp ráp và kiểm định sản phẩm thẳng thắn: "VN có vào hay không vào WTO, chúng tôi cũng quyết định tăng vốn đầu tư lên 1 tỉ USD". Bởi theo nghiên cứu của Intel, quyết định tăng vốn và thời điểm tăng vốn ở VN không chỉ phù hợp với nhu cầu của thị trường mà còn vì công ty thấy được tương lai sáng sủa ở thị trường này. Còn Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn tài chính AIG Martin Sullivan đúc kết một câu: "Thời điểm này, tôi nghĩ không khó cho các nhà ĐTNN quyết định bỏ vốn ra làm ăn tại VN". Phó chủ tịch Tập đoàn SSA Marine, ông Bob Watters cũng tỏ ra lạc quan: "Trong lĩnh vực hậu cần, cảng biển chúng tôi nhìn thấy rất nhiều cơ hội".

Làn sóng đầu tư Nhật

130 doanh nghiệp lớn của Nhật, tháp tùng Thủ tướng Shinzo Abe sang VN được đánh giá là sự kiện chưa từng có, thể hiện sự quan tâm thực sự của doanh nghiệp nước này đối với VN. Không bóng bẩy, Thủ tướng đất nước hoa anh đào tuyên bố ngay với báo giới rằng đã đến lúc làn sóng đầu tư thứ 2 của Nhật Bản vào VN xuất hiện. Sau hội thảo Hợp tác kinh tế VN - Nhật Bản, Bộ Kế hoạch - Đầu tư thống kê, khoảng 700 triệu USD đang được các nhà đầu tư Nhật Bản xem xét đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin, đồ gia dụng, điện tử... tại VN trong những năm tới. Các công ty Nhật Bản đang hoạt động thành công tại VN như Panasonic, Honda, Canon... đều công bố tăng vốn đầu tư lên hàng trăm triệu USD.

Ông Nguyễn Văn Lạng, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho Thanh Niên biết hôm 27/11, sau chuyến tháp tùng Thủ tướng Nhật, đã có một số công ty Nhật bay sang chuẩn bị cho những dự án cụ thể. Mặt khác, Ngân hàng JBIC (Nhật) cũng đang xem xét cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc vay vốn (ODA) đầu tư cơ sở hạ tầng. Công ty Sumitomo Wiring System đang xây dựng nhà máy sản xuất cáp ô tô ở Hải Dương, nhà máy thứ 3 của công ty tại VN, nâng tổng vốn đầu tư lên 70 triệu USD. Dự kiến, Sumitomo sẽ nâng vốn đầu tư lên 100 triệu USD vào năm 2008, đưa VN trở thành cơ sở sản xuất lớn nhất tại Đông Nam Á.

Vốn đầu tư đạt cao nhất từ trước đến nay

Theo Bộ KHĐT, 11 tháng qua vốn đầu tư mới (bao gồm cả vốn mở rộng) đã đạt khoảng 9 tỉ USD (trong đó vốn cấp mới là 6,8 tỉ USD và vốn mở rộng đạt 2,2 tỉ USD), tăng 38,5% so với kế hoạch ban đầu và tăng 31,7% so với năm 2005. Đây là mức vốn đầu tư đăng ký mới đạt cao nhất kể từ khi thực hiện Luật ĐTNN (1987) đến nay. Năm 1996 đạt cao nhất là 8,6 tỉ USD. Vốn thực hiện năm nay cũng đạt khá cao, khoảng 4,1 tỉ USD, tăng 10,8% so với kế hoạch ban đầu và tăng 24,2% so với năm 2005. Doanh thu của khu vực doanh nghiệp có vốn ĐTNN đạt khoảng 30 tỉ USD, tăng khoảng 20% so với kế hoạch ban đầu và tăng 36,4% so với năm 2005, trong đó, doanh thu xuất khẩu chưa kể dầu thô đạt khoảng 15 tỉ USD.

Năm 2007, dự kiến vốn đầu tư mới sẽ đạt khoảng 9,2 tỉ USD (trong đó vốn cấp mới là 7 tỉ USD và vốn mở rộng đạt 2,2 tỉ USD), tăng 2,2% so với năm 2006. Vốn thực hiện ước đạt 4,5 tỉ USD, tăng 10% so với năm 2006. Doanh thu đạt 35,25 tỉ USD, tăng 17,5% so với năm 2006, xuất khẩu đạt 18 tỉ USD (trừ dầu thô), tăng 20% so với năm 2006. Năm 2007 khu vực này sẽ tạo việc làm thêm cho 300.000 lao động.

Tr.Bình

Trung Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.