Chủ tịch nước bên giường bệnh của nhà văn Sơn Tùng

25/10/2010 10:09 GMT+7

Dù công việc bận rộn, 3 giờ chiều ngày 21-10-2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến thăm nhà văn Sơn Tùng lần thứ hai, kể từ ngày ông bị lâm trọng bệnh cách đây 4 tháng.

Ban giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền đã báo cáo Chủ tịch nước tình hình sức khỏe của nhà văn. Sau khi bị tai biến nặng, được điều trị ở khoa cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai chuyển sang Viện Y học cổ truyền Trung ương, nhà văn bị liệt tay và chân trái, sức khỏe suy kiệt nặng, phổi, tiết niệu bị viêm chưa hoàn toàn ổn định.

Sau gần hai tháng điều trị tích cực, hiện sức khỏe nhà văn có khá hơn. Nhà văn tỉnh táo, dù vẫn còn phải mở khí quản và chưa nói được. Tình trạng hô hấp, tiết niệu có cải thiện.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nghe các bác sỹ báo cáo, rồi nói:

- Anh Sơn Tùng gắn bó với tôi từ năm 1968 ở chiến trường Nam bộ. Hồi đó anh làm báo, làm tuyên huấn. Anh Sơn Tùng thuộc lớp trên của tôi. Khi anh Sơn Tùng bị thương, tôi cũng có mặt ở đó chăm sóc anh. Sau này, anh đã vượt lên thương tật, trở thành nhà văn nổi tiếng. Tác phẩm tiêu biểu của anh là tiểu thuyết Búp sen xanh viết về Bác Hồ được rất nhiều bạn đọc đón nhận và yêu mến.

Khi biết tin anh bị tai biến, tôi đã đến thăm anh ở bệnh viện Bạch Mai. Tôi mong các đồng chí hãy cố gắng, kết hợp các phương pháp chữa bệnh đông tây y, tìm kiếm các bài thuốc quý trong dân gian, nghiên cứu thêm để chữa cho các bệnh nhân. Các đồng chí cố gắng giúp chữa bệnh cho nhà văn Sơn Tùng.

Chủ tịch nước bước vào phòng nhà văn nằm. Gia đình nhà văn đứng cạnh chiếc xe lăn, nhà văn Sơn Tùng ngồi tựa vào thành xe, đôi mắt mở to, rực sáng. Có lẽ từ ngày bị bệnh, chưa bao giờ đôi mắt ấy lại mở to, tinh anh như thế. Chủ tịch nước cầm tay nhà văn và nói:

- Sức khỏe của anh đã khá hơn rồi. Lần trước tôi đến, trông anh nguy kịch quá...

Chủ tịch nước biểu lộ xúc động mạnh. Bà Hồng Mai, vợ nhà văn Sơn Tùng cũng cúi xuống nói với nhà văn:

- Anh ơi, người bạn thân thiết của anh ở chiến trường, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết lại vào thăm anh đây.

Ánh mắt nhà văn biểu lộ niềm vui. Ông cười. Điệu cười không thành tiếng. Ông chưa nói được. Bàn tay còn cử động nâng lên.

Bà Hồng Mai nói tiếp với Chủ tịch nước:

- Anh nhà tôi đã khá lên nhiều. Đó là nhờ các thầy thuốc đã hết lòng cứu chữa…

Nhà báo Cao Ngọc Thắng đứng bên cạnh, tiếp lời bà Hồng Mai:

- Anh Sơn Tùng tỉnh lại, đã muốn trở về nhà…

Chủ tịch nước nói:

- Các bác sỹ chưa muốn để anh về.

Ông quay sang bà Hồng Mai:

- Anh về nhà, một mình chị vất vả lắm...

Chủ tịch nước chụp ảnh lưu niệm cùng với nhà văn và các thầy thuốc. Sau đó ông đi thăm các bệnh nhân.

Tại phòng truyền thống của bệnh viện Chủ tịch nước đã ghi vào sổ vàng:

Y học cổ truyền là tài sản vô cùng quý báu của dân tộc ta. Hoan nghênh các đồng chí đã nỗ lực học tập, kế thừa và phát triển, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Chúc các đồng chí thành công!

Nguyễn Minh Triết

Trong bốn tháng nhà văn Sơn Tùng lâm trọng bệnh, đây là lần thứ hai Chủ tịch nước đến thăm. Cũng thời gian này, đại diện gia đình và văn phòng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Di Niên, cựu Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Nghệ An, lãnh đạo huyện Diễn Châu, xã Diễn Kim quê hương nhà văn và nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhà văn, nhà báo, bạn bè thân hữu trong và ngoài nước đã đến thăm và động viên nhà văn Sơn Tùng.

Trong một lần, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã đề nghị nhà thơ Hữu Thỉnh rằng, Hội Nhà văn Việt Nam cần có ý kiến làm hồ sơ đề xuất cấp trên phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho nhà văn Sơn Tùng vì tấm gương lao động nghệ thuật quên mình, vì nghị lực phi thường của ông.

Suốt cuộc đời mình, nhà văn Sơn Tùng là một tấm gương nghĩa khí, một tài năng chân chính hết lòng với văn chương và sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Ông bị thương nặng khi còn là chủ bút báo Thanh Niên Giải phóng năm 1971 (lúc 43 tuổi), với 14 vết thương, 3 mảnh đạn vẫn còn nằm trong sọ não, thị lực chỉ còn 1/10, tay trái bị liệt, cơ trước ngực, chân trái cũng bị đạn chém, tay phải còn có ba ngón, luôn bị những cơn đau hành hạ, thỉnh thoảng vết thương lại rỉ máu. Nhưng nhà văn Sơn Tùng luôn luyện tập kiên trì, vươn lên và viết gần ba mươi đầu sách (có 13 đầu sách về Bác Hồ) trong bốn mươi năm sau đó.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng, sinh thời có nói về nhà văn Sơn Tùng: “Một nhà văn chỉ còn ba ngón tay mà vẫn bấu được vào cuộc đời và làm việc bằng óc”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng nói: “Nhà văn Sơn Tùng là một tấm gương nghị lực phi thường mà tôi học tập được rất nhiều”.

Nhà văn Sơn Tùng là người viết khoẻ và có nhiều tác phẩm về Bác Hồ được bạn đọc đón đợi. Ông cũng có nhiều tác phẩm viết về các danh nhân cách mạng như Trần Phú, Nguyễn Hữu Tiến (người vẽ cờ Tổ quốc) và rất nhiều nhà lãnh đạo khác của dân tộc ta từ cuối thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 20.

Thể loại tiểu thuyết chân dung qua cách thể hiện của nhà văn Sơn Tùng đã có dấu ấn riêng. Văn ông cũng hun đúc, kết tinh nhiều tư tưởng lớn của các nhân vật lịch sử và đạo nghĩa của ông cha, kết tinh tinh hoa của văn hóa truyền thống của dân tộc Việt từ ngàn đời. Ông góp mặt trong nền văn học với một diện mạo riêng, độc đáo.

Hiện nhà văn Sơn Tùng sống thanh bạch, bình dị trong một căn hộ nhỏ hơn chục mét vuông, không khép kín (không có công trình phụ) ở phố Văn Chương, Hà Nội. Sắp tới, nhà văn sẽ được đưa về tĩnh dưỡng ở nhà, bà Phan Hồng Mai vợ ông chắc lại phải suy tính tìm một chỗ kê chiếc giường...Vì nhà văn Sơn Tùng trước nay vẫn phải nằm trên một tấm phản, vừa là nơi tiếp khách, vừa làm giường ngủ…

“Lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, điều đó suốt đời mình nhà văn giữ trọn. Cách đây hơn 4 tháng là lần cuối cùng ông về quê hương nói chuyện. Buổi nói chuyện về lịch sử và truyền thống quê hương. Hàng trăm người lắng nghe xúc động. Địa phương muốn mời ông một bữa cơm chiêu đãi, ông từ chối để về nhà người thân cơm cà. Ông không muốn cậy nhờ ai, bản thân cũng chẳng có một đồng tiền tiết kiệm. Cả gia đình ông tham gia cách mạng, từ bố, mẹ, anh chị ông làm cách mạng từ thời 1930-1931, cũng khí khái một tính cách như ông...

Bây giờ, ông đang bị trọng bệnh, và tấm lòng của bạn bè thân hữu đến ủ ấm cho ông. Và chỉ thế cũng đủ để nhà văn, người suốt đời tìm hiểu và viết về Bác Hồ, mãn nguyện nở nụ cười...

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.