Lệch giờ học, có giảm kẹt xe?

07/10/2007 15:37 GMT+7

Khi đề cập đến tình trạng kẹt xe tại TP.HCM, một trong những nguyên nhân hay được nhắc tới là do phụ huynh đưa đón con em đi học dẫn tới tắc đường. Biện pháp được đưa ra là bố trí lệch giờ học, nhưng liệu có giải quyết được bài toán kẹt xe trước cổng trường?

Thầy trò cũng... hết đường về!

Tại đường Nguyễn Du, Q.1, TP.HCM, đoạn trước cửa rạp Galaxy đến đầu đường Cách Mạng Tháng Tám hầu như ngày nào cũng bị kẹt xe. Nhiều người cho rằng vì ở đây có đến 2 ngôi trường kề cận nhau là trường THCS Nguyễn Du và cơ sở 3 của trường Tiểu học Lê Ngọc Hân. Tuy nhiên, PV Thanh Niên đã khảo sát nhiều ngày liền để tìm hiểu và thấy rằng, nguyên nhân dẫn tới kẹt xe khu vực này còn do 2 bên vỉa hè đã được sử dụng làm bãi giữ xe cho khách vào Phòng Quản lý xuất nhập cảnh 161 Nguyễn Du và nhiều quán cà phê khác. Vỉa hè không thông thoáng, đường một chiều trong khi hướng lưu thông chủ yếu của phụ huynh là từ Cách Mạng Tháng Tám ngược vào Nguyễn Du theo kiểu "thắt cổ chai", thử hỏi làm sao không kẹt xe?


Lòng đường Sương Nguyệt Anh chỉ còn 1/3 cho người lưu thông vì 2/3 còn lại dành cho xe ô tô đậu có thu phí! - Ảnh: Nghĩa Phạm

Trên đường Sương Nguyệt Anh, Q.1 có 3 ngôi trường: cơ sở 1 Tiểu học Lê Ngọc Hân, Mầm non Bến Thành và Mầm non quốc tế Việt - Úc. Ai cũng nghĩ đây là 3 "thủ phạm" gây kẹt xe.

Thế nhưng, chỉ cần một lần đi ngang đường này là có thể thấy ngay, lý do dẫn đến kẹt xe là do việc kẻ vạch "bán" lòng đường để giữ xe ô tô. Anh bảo vệ trường Lê Ngọc Hân chỉ xuống vạch kẻ dưới lòng đường, nói: "Nửa đêm họ đem sơn đến kẻ vạch "nơi đậu xe có thu phí" đến ngang nửa cổng trường, giờ học sinh vào học hoặc tan trường thì xe đậu đầy đường rồi. Xe của phụ huynh đến không có chỗ đậu thì chuyện kẹt xe là đương nhiên". Chúng tôi cũng ghi nhận thêm,  trên con đường nhỏ này có đến 2 nhà hàng sang trọng với nhiều xe du lịch "hạng nặng" 45-50 chỗ đậu phía trước.

Trên đường Phạm Viết Chánh, Q.1, chếch với Trung tâm Huyết học là trường Tiểu học Phan Văn Trị. Nhà trường luôn luôn có đội dân phòng hỗ trợ phụ huynh đậu xe đúng nơi nhưng nạn kẹt xe vẫn diễn ra đều đều. Vì sao? Cả đoạn đường này gần như không có vỉa hè, nơi có "chút xíu" thì bị chiếm dụng làm nơi sửa các loại xe tay ga. Không kẹt xe mới lạ!

Một điểm nóng kẹt xe khác ở quận 1 là đường Cống Quỳnh, đoạn từ ngã 6 chợ Thái Bình đến giao lộ với Bùi Viện. Thoạt nhìn, ai cũng nghĩ do học sinh trường THCS Chu Văn An tan trường làm kẹt xe, nhưng không biết rằng chính thầy trò ở đây cũng không có đường về nhà! Chúng tôi đã bỏ ra hơn 1 tiếng đồng hồ cùng chịu cảnh kẹt xe và phát hiện nguyên nhân "liên hoàn" dẫn tới tắc nghẽn giao thông tại đây : Nhiều xe buýt và ô tô lưu thông đường Nguyễn Trãi về hướng trung tâm Sài Gòn, khi ngang qua khu vực trường Kết Đoàn ở Lương Hữu Khánh đã làm kẹt xe dây chuyền đến đường Đề Thám, từ đó nhiều xe phải tìm đường thoát theo hướng Bùi Viện rồi gây kẹt xe tiếp ở khu vực Bùi Viện- Cống Quỳnh và Nguyễn Cư Trinh.


Kẹt xe trước cổng trường Nguyễn Khuyến, Q.10 do phân luồng lưu thông chưa hợp lý  - Ảnh: Trí Quang

Điểm kẹt xe khác ở quận 1 có liên quan đến trường học là khu vực phường Đa Kao với các trường: Trần Văn Ơn, Đinh Tiên Hoàng, Mầm non quốc tế, Huỳnh Khương Ninh, Quốc tế Việt Úc  nằm trên các con đường Nguyễn Văn Thủ, Đinh Tiên Hoàng, Trần Cao Vân, Huỳnh Khương Ninh. Trường Đinh Tiên Hoàng có mặt tiền trên con đường cùng tên nhưng phụ huynh phải dừng dưới lòng đường vì vỉa hè ở đây đã bị Ủy ban Nhân dân phường sử dụng làm bãi giữ xe 15 năm nay. Các phụ huynh học sinh trường này đã liên tục kiến nghị phường dẹp bãi xe, nhưng đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Riêng đường Trần Cao Vân, nơi có ngôi trường nhiều con nhà giàu theo học, cha mẹ đưa đón bằng ô tô, nhưng đường thì bị gắn bảng "cấm dừng, cấm đỗ"...

Ngoài quận 1, nguyên nhân dẫn tới kẹt xe ở các quận 3, 5, 10 có liên quan rất ít đến trường học. Ngay việc kẹt xe ở khu vực ngã 4 Trần Bình Trọng- An Dương Vương, quận 5 nguyên nhân chính cũng là do thi công hệ thống thoát nước chứ không phải do học sinh trường Thực nghiệm sư phạm. Nạn kẹt xe trên đường Thành Thái, quận 10 tưởng là do trường THPT Nguyễn Khuyến hay Diên Hồng nhưng tìm hiểu kỹ sẽ thấy do phân luồng và đặt đèn tín hiệu chưa hợp lý.

Giải pháp tình thế

Theo tiến sĩ Huỳnh Công Minh - Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM: "Đổ lỗi cho ngành giáo dục làm kẹt xe khắp phố phường thì oan cho chúng tôi quá! Tuy nhiên, về phần mình, chúng tôi cũng đã đề ra nhiều biện pháp thiết thực để cùng làm giảm nạn kẹt xe". Về vấn đề, bà Trần Thị Kim Thanh- Trưởng phòng Giáo dục quận 1 khẳng định: "Không thể có một giải pháp chung cho nhiều khu vực. Chúng tôi phải chọn giải pháp cục bộ cho từng khu vực có những trường kế cận nhau. Ví dụ, khu vực phường Đa Kao, 2 trường Đinh Tiên Hoàng và Trần Văn Ơn thì học sinh sẽ ra, vào lệch giờ nhau. Khu vực đường Nguyễn Du, học sinh các trường THCS Nguyễn Du và Tiểu học Lê Ngọc Hân cũng sẽ ra, vào lệch giờ".

Thế nhưng, nhiều lãnh đạo các phòng giáo dục và các trường vẫn băn khoăn cho rằng: chuyện xếp lệch giờ học chỉ là giải pháp tình thế, và sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề khác như: cha mẹ phải thay đổi giờ đi làm, giờ đưa đón con đi học, các công sở, doanh nghiệp cũng phải xếp lại giờ làm việc... Nếu bố trí lệch giờ học mà vẫn không đủ đường cho xe lưu thông, quy hoạch đường sá vẫn thiếu hợp lý, ý thức người điều khiển phương tiện giao thông chưa được nâng cao... thì dứt khoát nạn kẹt xe vẫn còn tái diễn.

Giải tỏa nạn kẹt xe giờ cao điểm là một vấn đề lớn chứ không chỉ được giải quyết trong năm ba ngày, càng không phải là chuyện riêng của ngành giáo dục.

Tiến sĩ  Bạch Văn Hợp - Phó hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm TP.HCM: Khó bố trí lệch giờ
Theo kế hoạch, sắp tới trường chúng tôi sẽ cho tháo dỡ dãy nhà A (gần 30 phòng học) để xây dựng các phòng học mới. Vì vậy, hiện nay trường đang tận dụng tối đa các phòng học để sắp xếp lịch học, tăng cường thêm các giờ học cho sinh viên. Trong điều kiện thiếu phòng học như thế, riêng đối với trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chúng tôi thấy rất khó bố trí lệch giờ.

Tiến sĩ Nguyễn Dũng - Hiệu trưởng trường ĐHDL Văn Lang: Nên chú trọng đến hiệu quả thật sự
Giờ ra vào của các trường phổ thông thường rất khó thay đổi giữa các khối lớp trong cùng một trường. Đối với giờ học của các trường ĐH, có nhiều khoa, ngành khác nhau và phương thức học cũng không hoàn toàn giống nhau nên trong điều kiện cần thiết có thể linh động bố trí để một số khoa, ngành học lệch giờ nhau. Tuy vậy, khi áp dụng học lệch giờ nên chú trọng đến hiệu quả thật sự, nếu chỉ mang tính hình thức thì không nên.

PGS-TS Nguyễn Thuấn - Phó hiệu trưởng trường ĐH Mở TP.HCM: Tự điều chỉnh theo nếp làm việc mới
Cách đây 3 năm, trường ĐH Mở TP.HCM đã bố trí học lệch giờ so với nhiều trường khác; cụ thể buổi sáng từ 8 giờ đến 12 giờ (thay vì 7 giờ 30 đến 11 giờ 30), buổi chiều từ 13 giờ đến 17 giờ. Khi mới áp dụng việc lệch giờ này, do chưa quen nên nhiều giảng viên và sinh viên cũng không đồng tình, nhưng dần dần mỗi người cũng tự điều chỉnh được để quen với nếp làm việc mới. Bản thân tôi  trước đó đón con ở nhà trẻ lúc 16 giờ 30, khi thay đổi giờ rời phòng làm việc buổi chiều cũng phải tự liên hệ với nhân viên nhà trường để xin đón con trễ hơn. Rồi cũng quen!    

Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM): Cần có sự cân nhắc kỹ
Thay đổi giờ làm việc và học tập ở một trường ĐH sẽ dịch chuyển cả một hệ thống làm việc trong trường. Việc bố trí thời khóa biểu cho các lớp học, ngành học luôn cần có sự phối hợp giữa các giờ học lý thuyết và các giờ thực hành. Vì vậy, trước khi thay đổi, cần có sự cân nhắc kỹ để không ảnh hưởng đến mục tiêu đào tạo.

Chị Trần Thị Minh Huế, phụ huynh học sinh (ảnh): Nếu giảm được kẹt xe thì sẽ cố gắng
Các bé rất hay ngủ nướng, vì vậy nếu đi học sớm quá sẽ là một vấn đề khó khăn. Bình thường có con nhỏ chúng tôi phải dậy sớm là điều tất nhiên, nhưng sớm hơn nữa thì... có vẻ mệt đấy. Thay đổi giờ giấc sẽ phải mất một thời gian mới quen. Tuy nhiên, nếu làm vậy mà giảm được tình trạng kẹt xe thì chắc mọi người cũng cố gắng để quen thôi.

Anh Bùi Văn Thạch, phụ huynh học sinh: Ảnh hưởng đến sinh hoạt cả gia đình
Tôi nghĩ nếu để các cháu bé phải đi học vào thời điểm sớm quá (chẳng hạn 6 giờ sáng) hoặc về muộn quá (buổi tối) thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới các bé trước tiên, sau đó đến phụ huynh. Thay đổi giờ giấc sẽ thay đổi luôn nếp sinh hoạt của cả gia đình. Bé sẽ phải dậy sớm, ăn sớm nếu học sáng sớm. Còn buổi tối là thời gian nghỉ ngơi sau một ngày làm việc, cả nhà có thể đi ra ngoài dạo mát mà chúng tôi lại phải đưa đón bé đi học nữa thì... Nếu bé phải đi học lỡ cỡ lúc 9 giờ sáng xem ra cũng không tốt lắm, chúng tôi sẽ phải nhờ người nhà đưa đi. Và đó lại là giờ cao điểm của xe tải...

Thúy Vy, học sinh trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM: Phụ huynh sẽ rất vất vả
Em thấy với bản thân em thì không có vấn đề gì. Chẳng hạn phải đi học từ 5 giờ 30 sáng thì càng khỏe, coi như tập thể dục trong không gian ít bụi bặm. Còn nếu phải đi học vào buổi tối thì chắc chắn tụi em sẽ mệt mỏi. Có nhiều bạn ngoài giờ học chính, buổi tối còn đi luyện thêm Anh văn, Tin học hoặc các môn khác như Toán, Lý, Hóa... Em nghĩ việc thay đổi giờ giấc này sẽ giảm được nạn kẹt xe nhưng các bậc phụ huynh sẽ rất vất vả.
(Nhựt Quang - Mỹ Quyên ghi)

Vĩnh Thắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.