Tăng học phí, nên suy nghĩ cho thấu đáo !

04/11/2005 00:43 GMT+7

Theo Đề án điều chỉnh học phí mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ thì khung học phí trần 1 tháng của trung học phổ thông cao gấp 3 lần (từ 15 lên 45 nghìn, từ 25 lên 75 nghìn, từ 35 lên 105 nghìn đồng tùy theo vùng), của đào tạo cao gấp 5 lần (dạy nghề từ 120 lên 600 nghìn, trung cấp chuyên nghiệp từ 100 lên 500 nghìn, cao đẳng từ 150 lên 750 nghìn, đại học từ 180 lên 900 nghìn đồng, thạc sĩ từ 200 nghìn lên 1 triệu đồng, tiến sĩ từ 250 nghìn lên 1,25 triệu).


Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Minh Hiển cho rằng,  tăng thêm mức trần học phí là để tạo điều kiện cho các trường có thêm nguồn thu hợp lý, trang trải cho hoạt động dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, là để "huy động nguồn lực xã hội". Đã có rất nhiều ý kiến bàn về đề án này, từ đại biểu Quốc hội đến người dân. Câu trả lời “không tán thành” chắc chắn chiếm tỷ lệ cao trong dư luận.

 

Cần biết, tỷ trọng chi ngân sách cho giáo dục trong tổng chi ngân sách mấy năm nay liên tục tăng lên: năm 2001 là 15,1%, năm 2002 là 15,2%, năm 2003 là 16%, năm 2004 là 17,1%, năm 2005 là 18% và dự kiến năm 2006 đưa lên 19% với 55 nghìn tỉ đồng - một số tiền khổng lồ trong điều kiện ngân sách còn bội chi lớn và còn phải bù đắp bằng việc vay trong nước cũng như vay nước ngoài. Tất nhiên, nếu chỉ trông vào ngân sách thì sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu học tập ngày một tăng của nhân dân, nên phải đẩy mạnh "xã hội hóa" giáo dục bằng hai giải pháp chính: huy động sự đóng góp của gia đình học sinh và phát triển hệ thống các trường ngoài công lập - thực chất cũng là huy động sự đóng góp của gia đình học sinh.

 

Tuy nhiên, "xã hội hóa" không có nghĩa là chuyển gánh nặng cho các gia đình trong khi thu nhập và chi tiêu cho đời sống của người dân còn đang thấp, thậm chí ở nhiều vùng, ở những hộ nghèo còn đang rất thấp. Chi tiêu cho đời sống bình quân đầu người một tháng năm 2004 của cả nước là 370 nghìn đồng, ở một số vùng còn thấp hơn nhiều, như Tây Bắc bộ 236,4 nghìn, Bắc Trung bộ 252,5 nghìn, Đông Bắc bộ 296,8 nghìn, đối với các hộ thuần nông, các hộ nghèo thì mức thu nhập còn thấp hơn nữa; ngay Đông Nam bộ là vùng có đời sống cao nhất cũng chỉ có 566,6 nghìn. Nói như thế có nghĩa là khung học phí mới đã vượt quá sức chịu đựng của người dân có con đi học.

 

Học phí cao trên thực tế đã "chặn lại" nhu cầu học cao lên của người dân, ngược với chủ trương xây dựng một "xã hội học tập". Bởi vì chỉ với khung học phí như thời gian qua thôi, cứ 100 em vào lớp 1 thì đến hết lớp 5 chỉ còn 83 em, đến hết trung học cơ sở còn 64 em, đến hết trung học phổ thông còn khoảng 52 em, đến khi được vào cao đẳng, đại học chỉ còn khoảng 5 em, huống hồ nay lại tăng lên gấp nhiều lần !

 

Xét về "đầu vào, đầu ra" trong giáo dục, trước đây đã lạ lùng, nay còn lạ lùng hơn với khung học phí mới. Đi học đại học tốn kém mỗi tháng trên dưới 1,5 triệu đồng (với mức học phí mới) để đến khi ra trường nếu được vào làm ở cơ quan nhà nước chỉ được hưởng mức lương bằng khoảng một nửa. Giả sử phải đi vay để học đại học thì một cử nhân ra trường, nếu... nhịn đói cũng phải mất hàng chục năm mới trả được nợ! Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi làm tham mưu cho Chính phủ về "đầu vào, đầu ra" cho "sản phẩm" của mình nên suy nghĩ cho thấu đáo.

 

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.