Khí hậu đang… đột biến!

10/11/2008 10:42 GMT+7

Người ta đã quen với cụm từ biến đổi khí hậu toàn cầu và ảnh hưởng của nó đến cuộc sống con người, được nhấn mạnh đến qua những tác động chính như nhiệt độ gia tăng và nước biển dâng. Tuy nhiên, sự thay đổi của nhiệt độ cũng đã, đang và sẽ còn kéo theo những biến đổi đáng sợ của thời tiết, mà theo nhiều nhà chuyên môn, trận mưa lịch sử ở Hà Nội vừa qua cũng có thể do ảnh hưởng của biến đổi thời tiết. Đáng sợ hơn nữa, những biến đổi này không phải chỉ ở một trận mưa vừa qua, cũng như chưa có dấu hiệu dừng lại…

Không chỉ có mưa là khó đoán!

“Trong những năm gần đây chúng tôi nhận thấy nhiều bất thường của thời tiết. Đặc biệt, các bất thường xuất hiện ngày càng nhiều trong 5 năm gần đây”, thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, Phó Trưởng phòng dự báo Đài Khí tượng thủy văn Nam bộ nhận định.

Những bất thường mà bà Lan nhắc đến đó, trong đó có trận mưa lịch sử mới xảy ra ở miền Bắc, khiến người dân Hà Nội mấy ngày “bơi” trong bể nước. Một cơn mưa tại 11 tỉnh thành, kéo dài 3 ngày liền với lượng mưa rất lớn, từ 500 đến hơn 1.000mm. Cũng cần phải nhắc lại, trong các bản tin dự báo thời tiết, một trận mưa hơn 100mm đã được gọi là mưa to! Cơn mưa không chỉ phủ trên diện rộng và kéo dài với lượng mưa rất lớn, mà theo bà Lan, trận mưa đó thì dù có là… ở Mỹ cũng chưa chắc dự báo đúng được. Nhìn lại trận mưa này, bà Lan cho rằng các dấu hiệu để nhận biết đây có thể là trận mưa rất lớn hay không là rất mơ hồ, hơn nữa các dấu hiệu tương tự như trận mưa này xuất hiện nhiều lần trong một năm, rất khó để biết lúc nào thì có cơn mưa kinh khủng như vậy diễn ra.

Một bất thường “nổi tiếng” khác của khí hậu trong năm nay vẫn làm nhiều người chưa quên là đợt rét kéo dài 33 ngày vào đầu năm nay ở miền Bắc. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, riêng đợt rét đậm rét hại này đã làm 200.000ha lúa bị hư hỏng; 122.000 con trâu bò, 1.000 con heo và 290.000 con gia cầm bị chết. Thống kê 6 tháng đầu năm nay của đơn vị này cho thấy thiệt hại do thiên tai đã tăng gần gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2007!

“Không chỉ năm nay mới có những hiện tượng thời tiết bất thường như vậy. Vào tháng 7-2007, khi miền Trung đang vào mùa khô thì cũng đã phải hứng chịu một đợt lũ. Sau đó, khu vực này lại có 5 đợt lũ liên tiếp”, bà Lan cho biết thêm.

Những thống kê khác của Đài Khí tượng Thủy văn Nam bộ cũng cho thấy rằng các hiện tượng bất thường của thời tiết không chỉ dừng lại ở những thiên tai đáng sợ kể trên, mà ngay trong những cơn mưa bão bình thường, người ta cũng thấy việc không tuân theo quy luật xuất hiện, ngày càng thường xuyên hơn. Các cơn bão có xu hướng mạnh lên, trong biển Đông hiện nay không chỉ có bão cấp 12 mà đã xuất hiện những cơn bão cấp 13-14. Trước kia người ta vẽ được đường đi của bão, thì bây giờ, những cơn bão di chuyển không theo quy luật ngày càng nhiều, thậm chí, một năm có thể có 2-3 cơn bão “nổi loạn”. Tốc độ di chuyển trung bình hàng năm trước đây của bão là từ 15-18km/giờ ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, thì hiện nay, xuất hiện những cơn bão di chuyển với vận tốc 25-30km/giờ, thậm chí có cơn bão di chuyển với vận tốc 35km/giờ!

Theo bà Lan, hiện tượng bất thường của thời tiết không chỉ diễn ra tại Việt Nam. “Tháng 10 năm nay ở Ấn Độ cũng đã có lũ, trong khi thông thường tháng 9 đã là mùa khô. Còn ở Tây Tạng, tháng 10 năm nay đã có tuyết dày, trong khi cao điểm thông thường phải vào tháng 12”, bà Lan trích dẫn các thông tin mình có, cho biết.

Biến đổi khí hậu là nguyên nhân của thảm họa thiên tai?

Những bất thường của thời tiết diễn ra trong thời gian gần đây, theo các nhà khoa học trong và ngoài nước, dù ít hay nhiều thì rõ ràng biến đổi khí hậu cũng là một trong các nguyên nhân. Theo số liệu quan trắc của Tổng cục Khí tượng Thủy văn từ năm 1931-2000 cho thấy, sau 70 năm, nhiệt độ trung bình mỗi năm của không khí đã tăng là 0,70C. Số đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến Việt Nam giảm rõ rệt trong 2 thập kỷ gần đây, từ 29 đợt mỗi năm trong các thập kỷ 1971-1980, 1981-1990 xuống còn 24 đợt mỗi năm trong thập kỷ 1991-2000, đặc biệt trong các năm từ 1994-2007 chỉ còn 15-16 đợt rét mỗi năm. Cũng theo thống kê này, nhiệt độ không khí tăng cũng làm cho số cơn bão hoạt động trên biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam có xu thế giảm trong 4 thập kỷ qua.

Ở khu vực phía Nam, Đài Khí tượng Thủy văn Nam bộ đã nhận thấy rằng việc gia tăng nhiệt độ trong thời gian qua đã kéo theo các cơn mưa lớn xuất hiện thường xuyên hơn, thời gian khô hạn kéo dài hơn. Các cơn bão được hình thành trên biển, do sự thay đổi của nhiệt độ nước biển, đã trở nên mạnh và khó đoán hơn nhiều…

Một cái nhìn tổng thể, các nhà khoa học trên thế giới đã chứng minh được rằng khi nhiệt độ gia tăng thì ảnh hưởng của nó không chỉ là băng tan làm nước biển dâng lên, mà nhiệt độ gia tăng cũng làm thay đổi thảm thực vật, làm biến đổi chu kỳ mưa, nắng và các quy luật thời tiết khác. Các nhà khoa học từng chứng minh được rằng tại Việt Nam hiện nay đang có nhiều thực vật thay đổi điều kiện sống của mình, nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn đã xảy ra như hạn hán, lũ lụt…

Theo các chuyên gia hàng đầu về biến đổi khí hậu tại Việt Nam hiện nay, thực ra việc đối phó với các tác động của biến đổi khí hậu là chuyện của tất cả mọi quốc gia, mọi người dân trên thế giới. Tuy nhiên, song song đó, việc thích ứng với biến đổi khí hậu cũng được đặt lên hàng đầu đối với các quốc gia bị thiệt hại: điều chỉnh hệ thống tự nhiên hoặc con người nhằm giảm tổn thương đối với giao động và biến đổi khí hậu.

Khi mà cơ chế mưa bão lũ đã, đang và chưa có dấu hiệu là sẽ không tiếp tục thay đổi theo chiều hướng nguy hiểm, chúng ta đã làm gì để chuẩn bị cho việc thích ứng với những thay đổi đó? Theo chúng tôi biết, đối phó với biến đổi khí hậu hiện nay vẫn là một chương trình đang soạn thảo, và đặc biệt, các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến thời tiết như mưa, bão lũ, có lẽ vẫn là một câu hỏi khó, ngay cả đối với nhiều nhà chuyên môn!

Theo Minh Tú / SGGP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.