Viêm loét niêm mạc miệng

08/12/2011 00:08 GMT+7

Viêm loét vùng niêm mạc miệng là tình trạng rất hay gặp. Tưởng chừng bệnh nhẹ, song có người bị kéo dài, hay tái phát, và điều trị đôi lúc gặp khó khăn.

Viêm loét vùng niêm mạc miệng là tình trạng rất hay gặp. Tưởng chừng bệnh nhẹ, song có người bị kéo dài, hay tái phát, và điều trị đôi lúc gặp khó khăn.

Nguyên nhân gây viêm loét có rất nhiều: do nhiễm khuẩn; do nhiệt; uống nhiều bia, rượu, cà phê; hút thuốc lá; sức đề kháng của niêm mạc miệng giảm, dễ bị tổn thương; do nấm hay nhiễm Candida. Đôi khi lở loét ở miệng do nguyên nhân bệnh lý toàn thân khác như tiểu đường, xơ gan... Bệnh phát sinh trong mọi thời tiết, ở mọi lứa tuổi.

 
Bột sắn dây đem pha với nước chanh cải thiện chứng lở miệng

Khi bị bệnh, trong khoang miệng lớp niêm mạc má, cạnh môi, lưỡi, lợi có những vết phồng rộp, lở loét, màu trắng hoặc tấy đỏ, sung huyết, gây khó chịu, đôi khi sốt nhẹ hoặc đau đớn, nhất là khi ăn uống. Đông y gọi chứng này là “khẩu cam” hay “khẩu phá”, nguyên nhân là do kinh tâm, kinh tỳ tích nhiệt, hỏa vượng bốc lên, nhiệt khí hun đốt vị khẩu mà sinh ra bệnh. Điều trị chứng này có thể dùng những bài thuốc sau:

 
Mộc thông - Ảnh: K.Vy

- Đối với thể thực hỏa - các vết loét dày đặc, sẩn lên màu đỏ tươi, niêm mạc sưng tấy, tiểu tiện đỏ, đại tiện táo kết, dùng bài thuốc gồm các vị: liên kiều, bạc hà, chi tử, hoàng cầm (mỗi loại 8 gr), mang tiêu, đại hoàng (cùng 16 gr), cam thảo 12 gr. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

- Trường hợp lở miệng cần phải thanh tâm nhiệt, dùng rau má tươi 100 gr, cỏ nhọ nồi tươi 50 gr đem ép lấy nước cốt rồi hòa với 10 gr bột cát căn, uống ngày 2 lần, dùng trong vài ngày sẽ khỏi.

- Có thể dùng rau má, thài lài (rau trai) tươi hoặc khô, mướp đắng (khổ qua) khô, lượng bằng nhau, sắc hoặc hãm lấy nước uống hằng ngày.

- Hoặc dùng bài thuốc gồm các vị: hoàng liên, đạm trúc diệp, cam thảo (mỗi loại 5 gr), hoàng bá, hoàng cầm, chi tử (cùng 10 gr). Sắc uống ngày 1 thang.

- Nếu miệng lở lâu không khỏi dùng thiên môn đông, mạch môn đông (rút bỏ hết lõi), huyền sâm, 3 vị lượng bằng nhau, tán thành bột, dùng mật luyện thành viên nhỏ bằng hạt bắp, ngày lấy 2-3 viên ngậm cho tan rồi nuốt. Hoặc dùng bài gồm thăng ma 12 gr, hoàng liên 8 gr, thạch cao 16 gr. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần.

- Trường hợp hư hỏa - vết loét có sắc đỏ nhạt, ban trắng dùng bài gồm các vị: thục địa 16 gr, đương quy, bạch thược (cùng 12 gr), xuyên khung 8 gr, hoàng bá, tri mẫu, đan bì (cùng 10 gr), nhục quế 3 gr. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần.

- Đối với thể tỳ kinh thấp nhiệt: dùng bài gồm các vị thuốc, sinh địa, trúc diệp (cùng 15 gr), mộc thông, cam thảo (cùng 12 gr). Đem sắc uống. Hoặc dùng sinh địa, liên kiều, trúc diệp (cùng 10 gr), xuyên tâm 8 gr, mạch môn đông 12 gr, bạch mao căn 15 gr, cam thảo 5 gr. Sắc uống ngày 1 thang, dùng 3-5 thang.

- Trường hợp nặng có thể dùng bài gồm các vị: cát cánh, xuyên khung, hoàng cầm, sài hồ, huyền sâm (cùng 12 gr), cam thảo, khương hoạt, thăng ma (cùng 10 gr), trần bì 8 gr. Sắc uống ngày 1 thang. Cách sắc các bài thuốc: nước đầu cho các vị thuốc cùng 3 chén nước, sắc còn 1 chén; nước hai cho hai chén sắc còn nửa chén; hòa hai nước lại chia làm 3 lần dùng trong ngày.

- Đối với trẻ khi bị lở miệng cho uống sữa dê (dương nhũ).

- Dùng vị thuốc hoàng bá ngâm với mật ong trong vài giờ, rồi đem ngậm ngày 2 lần, mỗi lần 5 gr. Hoặc dùng hoàng bá, tế tân lượng bằng nhau tán thành bột mịn rồi chấm vào chỗ đau, ngày 2-3 lần.

Cần tránh các thực phẩm gây kích thích như tiêu, ớt, rượu, cà phê, thuốc lá... Chế độ ăn tăng cường các loại rau xanh, trái cây. Bổ sung thêm các loại vitamin nhóm B, PP và vitamin C. Tránh để táo bón. Mỗi ngày nên dùng một ly bột sắn pha với chanh tươi. Ngoài ra cần chú ý vệ sinh răng miệng sạch sẽ, súc miệng bằng nước muối sinh lý nhiều lần trong ngày. Khi đánh răng tránh chà mạnh làm tổn thương niêm mạc miệng, và điều trị triệt để các bệnh răng như viêm nướu, viêm cuống nha chu. 

Lương y Vũ Quốc Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.