Sẽ có tập đoàn dệt may Việt Nam

28/10/2005 15:29 GMT+7

Ngày 27/10, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng có buổi làm việc với Tổng công ty dệt may Việt Nam về đề án xây dựng tập đoàn dệt may Việt Nam VINATEX. Đại diện các Bộ, Ban, Ngành của Trung ương đã tham dự và đóng góp ý kiến để đề án được xây dựng hoàn thiện hơn.

Chủ tịch hiệp hội dệt may Lê Quốc n đã báo cáo với Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ về thực trạng của ngành dệt may và sự cần thiết xây dựng Tổng công ty dệt may theo mô hình tập đoàn. Với mô hình này, VINATEX sẽ trở thành tập đoàn đa sở hữu kể cả về qui mô sản xuất kinh doanh lẫn sức cạnh trạnh sản phẩm trong khu vực. Đồng thời, nếu dự án được hiện thực hóa sẽ khắc phục được những hạn chế cơ bản của mô hình tổng công ty 91 hiện nay.

Quan hệ sở hữu giữa tập đoàn và các công ty con là quan hệ chủ sở hữu đầu tư. Các công ty con là các đơn vị hoạt động theo luật doanh nghiệp, chỉ có thể nhận vốn đầu tư từ công ty mẹ chứ không chủ động nhận vốn từ Chính phủ cấp.

Sau khi các Bộ, Ngành đóng góp ý kiến xây dựng chi tiết để hoàn thiện đề án của tổng công ty dệt may, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ rõ: ngành dệt may hiện là tổng công ty 91 còn có những hạn chế như giá trị nội địa còn thấp, toàn ngành mới đạt 38-40%, nguyên phụ liệu chưa phát triển mạnh, chưa liên kết được dệt, nhuộm và may. Vì vậy, phải dựa trên thị trường, thương hiệu, khả năng tài chính để tạo ra sức mạnh hỗ trợ lẫn nhau, tạo nên thế mạnh nâng cao sức cạnh tranh, chiếm thị phần lớn trong nước và trên thế giới.

Trong buổi làm việc này, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo Tổng công ty  hoàn thiện đề án hình thành tập đoàn dệt may sao cho đi vào thực chất: Tập đoàn phải thực sự là nòng cốt của ngành dệt may.

Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh: "Đến năm 2006 phải cổ phần hóa hết toàn bộ các doanh nghiệp để giải quyết cơ bản lao động dôi dư, khuyến khích  các công ty trong tập đoàn hình thành công ty mẹ, công ty con. Tổng công ty cũng cần soạn thảo quyết định, điều lệ mô hình và sớm trình lên Chính phủ phê duyệt để đến năm 2006 có thể đi vào hoạt động, tạo hiệu quả cho toàn ngành dệt may giai đoạn 2005-2010".

Theo VTV

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.