Cuộc sống không tẻ nhạt

26/12/2010 00:11 GMT+7

Mỗi người chúng ta không sống một mình. Quanh ta là những con người khác, cuộc đời khác. Có gì đang xảy ra trong những cuộc đời khác ấy? Hai tập sách kỷ niệm 25 năm Báo Thanh Niên bằng những cách khác nhau, đã xâm nhập vào những cuộc đời khác ấy, đưa đến cho độc giả những hiện thực bộn bề, sinh động.

Cấp cứu thời kẹt xe: hiện thực bề bộn

Tập phóng sự - ký sự Cấp cứu thời kẹt xe (2006- 2010/ NXB Trẻ) phát lộ những sự thực lẽ ra không được phép tồn tại trong cuộc sống của chúng ta. Mỗi ngày, chúng ta đưa vào cơ thể mình những đồ ăn thức uống loại nào, và cái gì đang chờ chúng ta phía trước? Bí mật hành phi, Rau ký sinh trên kênh nước đen, Hành trình rửa nguồn gốc rau quả… gióng lên hồi chuông báo động đỏ: nếu không tìm cách cứu vãn mọi thứ, tất cả chúng ta đều có thể trở thành bệnh nhân của những căn bệnh chết người. Dầu lấy từ hố ga, rau muống trồng trên những dòng kênh ô nhiễm đến 11.000 lần cho phép, trái cây Trung Quốc không kiểm định tràn ngập chợ đầu mối, siêu thị, chợ quê… Những thầy thuốc không bằng cấp, không bị quản lý ngang nhiên bán các thứ thuốc không nguồn gốc với giá trên trời cho những người bệnh khốn khổ đang khát khao bình phục (Thâm nhập phòng khám đông y có bác sĩ Trung Quốc). Những trai quê bị lừa sang Campuchia đánh và thua bạc, bị nhốt và dọa giết khiến cha mẹ phải bán vườn cầm nhà sang chuộc hàng trăm triệu đồng (Thế thân ở sòng bạc Campuchia). Lại có những thanh niên sang vùng sa mạc đầy bão cát và mặt trời thiêu đốt, hưởng đồng lương tối thiểu với chỗ ở không ra ở, ăn không ra ăn, nhưng điện thoại cho cha mẹ lại mô tả cuộc sống của mình là: “Công việc ổn định… lương rất khá… ăn đùi gà Tây không hết còn đem ra ném nhau…” (Thợ Việt trên sa mạc Sahara). 

Bên cạnh đó, cuộc sống cũng còn bao nhiêu cái đẹp: những cascadeur võ nghệ đầy mình, tự nguyện làm người bảo vệ bình an cho cuộc sống người dân (Cascadeur phá án), người anh hùng chưa bao giờ được nhận bất cứ quyền lợi nào mà chỉ có một nhu cầu duy nhất: làm việc (Chiêm ngưỡng anh Hồ Giáo), người một mình đơn độc nhưng vẫn quyết liệt đương đầu với bọn lâm tặc bằng một tình yêu vô điều kiện với rừng (Người ghi hình lâm tặc phá rừng). Tập sách khép lại với loạt ký sự đầy suy ngẫm: Zimbabwe tươi đẹp và điêu tàn. Cái gì đã khiến anh hùng giải phóng dân tộc Robert Mugabe không đem tới cho đất nước - dân tộc Zimbabwe sự no ấm, khiến lạm phát lên đến mức mấy trăm triệu phần trăm?

Tuyển tập truyện ngắn hay: những góc khuất tâm hồn

Tuyển tập Truyện ngắn hay Báo Thanh Niên (2009 - 2010/ NXB Văn hóa - Văn nghệ), với 30 truyện phong cách khác nhau, là lát cắt ngang cuộc sống nhiều ẩn giấu của chúng ta.

Đó là khoảnh khắc mà chàng ngư dân trẻ định âm thầm giết chết người bạn nối khố bởi bao nhiêu hờn ghen từng dồn nén, nhưng rất may là cuối cùng, phần người trong anh ta đã thắng, anh ta đã không nhúng tay vào tội ác (Quai xăm - Đoàn Lê). Đó cũng là hai câu chuyện trái chiều: một người vợ đã bị chồng ruồng bỏ vẫn tiếp tục làm món mứt trái cây chồng thích và cứ vài tháng lại mang lên Paris, đặt trước cửa căn hộ nơi chồng đang sống với nhân tình (Lọ mứt bị bỏ rơi - Dương Thụy). Một người vợ khác, không hề biết đã từ lâu chồng mình cứ chờ mà chưa tìm được cơ hội để nói ra câu “Anh hết yêu em rồi”, vẫn yên tâm nghĩ rằng tất cả hãy còn nguyên chỗ cũ (Chiếc ấm nước đặt trên bếp ga - Di Li). Ai bất hạnh hơn ai trong hai người vợ?

Một câu hỏi khác đặt ra từ Những con chim chết của Nguyễn Danh Lam: chuyện gì đang xảy ra khi những con chim bỗng liên tục lăn ra chết không duyên cớ trong một ngôi - nhà- yên - ổn? Những lo sợ hoang mang vừa được giải tỏa thì, tiếp ngay đó là cái chết không duyên cớ của con mèo. Vậy là, nỗi bất an không phải do tưởng tượng, mà rất thật, đã bắt đầu xuất hiện trong ngôi - nhà - yên - ổn.

Trong Giải thoát của Ngô Phan Lưu, những con chuột quái gở ngang nhiên tung hoành trong ngôi nhà của Bốn Nham có cung cách của một lũ thạc thử - chuột hạm, những con chuột mà vợ Bốn Nham phải kinh sợ gọi là Ngài chuột. Lũ chuột ấy quả đã thành tinh, đang hung hăng dậy lên, áp đảo cả chủ nhà, biến ngôi nhà thành hang ổ của chúng.

Hồ Tây có còn sương mù giăng là câu chuyện lịch sử được Từ Khôi viết lại, từ vụ án Thái sư Lê Văn Thịnh mưu giết vua ở hồ Dâm Đàm. Từ góc nhìn riêng, nhận định riêng, Từ Khôi đã trộn lẫn giữa hiện tại và quá khứ, giữa cái thực và cái ảo, để có một truyện ngắn rất có-không-khí, buộc người đọc phải nín thở dõi theo câu chuyện đã xảy ra từ cả ngàn năm trước…

Có thể nói, mỗi truyện ngắn trong tuyển tập này đều có một thông điệp riêng đủ sức nặng để đọng lại trong tâm trí người đọc sau khi đã gấp sách. 30 tác giả, ở khắp các địa phương trong cả nước, với những độ tuổi khác nhau và những tìm tòi khác nhau, đã đem đến cho người đọc những lời đáp khác nhau cho câu hỏi: Cuộc sống ở trong văn chương hay văn chương ở trong cuộc sống? Con người thuộc về cuộc sống hay cuộc sống thuộc về con người? 

Ngô Thị Kim Cúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.