Tín hiệu thay đổi

20/11/2006 23:27 GMT+7

Lời thú nhận của Thủ tướng Anh Tony Blair rằng cuộc chiến tranh Iraq là một "thảm họa", chuyến thăm Iraq bất ngờ của ông G.Brown - người sẽ kế nhiệm ông Blair trong năm tới - và chuyến thăm Iraq của Bộ trưởng Ngoại giao Syria Walid Muallim là những dấu hiệu mới nhất và khá thuyết phục về việc Mỹ và Anh sẽ điều chỉnh chính sách đối với Iraq.

Trước đó, ông Blair đã đề cập đến sự cần thiết phải lôi kéo Syria và Iran tham gia giải quyết vấn đề Iraq. Ông Brown trong tư cách là người kế nhiệm ông Blair hiện thân cho đường lối chính sách mới của nước Anh, không chỉ về đối nội, mà cả về đối ngoại và về Iraq. Còn chuyến thăm của Ngoại trưởng Syria Muallim đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quan hệ giữa Syria và Iraq. Thời trước, quan hệ hai nước đã không được bình thường vì Syria ủng hộ Iran trong cuộc chiến tranh Iraq - Iran. Hiện tại, mối quan hệ ấy cũng chưa thể khá hơn vì Mỹ nhìn Syria là đối thủ hơn là đối tác. Nếu không có nhận thức mới ở Mỹ và Anh về vai trò tiềm năng của Syria và Iran trong giải quyết vấn đề Iraq thì khó có thể hình dung ra được Ngoại trưởng Syria lại tới thăm Iraq vào thời điểm hiện tại.

Mỹ và Anh phải nhờ cậy đến vai trò của Syria và Iran vì không thể dùng việc rút quân khỏi Iraq hoặc thậm chí đưa thêm quân vào Iraq để thoát khỏi tình thế bế tắc về chính trị, quân sự và an ninh hiện tại ở Iraq. Lôi kéo Syria và Iran vào cuộc là cách khả dĩ hơn cả đối với họ để vừa có đường thoát mà giữ được thể diện, vừa có thể giao giá đối với Syria và Iran.

Dấu hiệu điều chỉnh chính sách này cũng còn cho thấy Mỹ và Anh nhận thức được rằng việc bình ổn Iraq phải song hành với việc giải quyết cuộc xung đột ở Trung Đông và vấn đề hạt nhân của Iran, không chỉ vì chúng liên quan trực tiếp tới Syria và Iran, mà còn vì mối quan hệ giữa Israel và thế giới Ả Rập. Bởi vậy, tới  đây, cả trong hai vấn đề này cũng sẽ có sự điều chỉnh chính sách của Mỹ và Anh, với mức độ tới đâu lại là chuyện khác.

La Phù

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.