“Mắc cạn” vì giống lúa chất lượng thấp

22/11/2008 11:06 GMT+7

Khi “hạt ngọc” vựa lúa ĐBSCL điêu đứng đầu ra do kém chất lượng , không đạt chuẩn xuất khẩu, nhà nông “dở khóc, dở cười”, nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học “bừng tỉnh”: thì ra từ lâu chúng ta chỉ tập trung chạy theo nâng cao sản lượng, mở rộng diện tích thâm canh, tăng vụ mà bỏ ngỏ công tác giống-nâng cao chất lượng. Chính công tác giống bất cập nên dẫn đến thực trạng hơn 30% diện tích canh tác lúa nhà nông ĐBSCL là giống IR 50404 và OM 576 không nơi tiêu thụ…

Khổ vì 2 giống lúa “công nghiệp”!?

Đầu tháng 11-2008, hàng trăm ngàn tấn lúa đang tồn đọng rơi vào giống IR 50404 và OM 576 (Hàm Trâu). Các nhà khoa học gọi đây là 2 giống lúa “công nghiệp” chủ yếu dùng để chế biến làm bún, bánh phở, bánh tráng… Những năm qua được tiêu thụ khá dễ. Nhưng trong bối cảnh lúa chất lượng cao (CLC) vẫn tồn đọng, số phận 2 giống lúa “công nghiệp” càng bi đát.

Nhất là trong vụ hè-thu, thu-đông, nông dân chỉ phơi “dốt dốt”, gặp thời tiết mưa dầm nên chất lượng bảo quản rất thấp, lại mang thêm cái “tội: hạt ngắn, bạc bụng nên doanh nghiệp đều “lắc đầu” chào thua! Tại sao 2 giống lúa “công nghiệp” này chiếm trên 30% diện tích sản xuất lúa ở ĐBSCL? Đơn giản vì những tính năng “công nghiệp” của nó: Năng suất loại “vô địch”, dễ trồng, ít tốn phân, thời gian sinh trưởng ngắn.

Cách đây 2 năm, vụ lúa đông-xuân 2006 – 2007, Chính phủ phê duyệt đề án sản xuất 1 triệu tấn gạo CLC phục vụ xuất khẩu tại 7 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng và Cần Thơ, với tổng diện tích hơn 200.000ha và giao cho Bộ NN-PTNT chủ trì. Qua 6 vụ lúa (2 năm) diện tích trồng lúa chất lượng cao đã được cải thiện.

 

30% diện tích lúa với các giống “lão hóa” cần thay thế mới có thể nâng cao chất lượng gạo ở ĐBSCL.

Nhưng đầu năm 2008, do chạy theo “cơn sốt lúa gạo” trên thế giới, nông dân nghĩ trồng lúa nào xuất khẩu cũng được nên phải trả giá đắt! Theo các nhà khoa học, để cung cấp đủ giống cho 200.000ha lúa CLC, cần 10.000ha sản xuất giống lúa cấp 2. Thế nhưng, việc xây dựng và phát triển vùng sản xuất lúa giống mỗi tỉnh làm một cách.

Ở Trà Vinh, diện tích gieo trồng hàng năm khoảng 227.000ha (3 vụ) nhưng việc sản xuất giống CLC cung ứng cho nông dân chỉ từ 2.200 – 3.000 tấn, đạt khoảng 10%, còn lại 90% nông dân tự tìm tòi, trao đổi nguồn giống trôi nổi.

Điển hình vụ lúa hè-thu 2008 và vụ lúa thu-đông, 60% diện tích canh tác nông dân sử dụng giống lúa IR 50404 và OM 576!?

Không thể “lấy giống mới trồng theo kỹ thuật cũ”

Không “mắc cạn” như nhiều nông dân khác, nhờ canh tác giống lúa CLC nên “vua lúa giống” Dương Văn Châu (Trà Vinh) luôn “thắng” lớn. Ông Năm Châu chia sẻ: “Giá lúa giảm mạnh nông dân đang lao đao - nhất là bà con nào trồng lúa IR 50404, OM 576 nay giá còn 3.000 đồng/kg. Nhờ canh tác giống lúa CLC như TM1, TM2 , OM 4900, VND95-20… nên bán được giá từ 9.000 - 11.000 đồng/kg (lúa giống). Nông dân mình vùng sâu, vùng xa thiếu thông tin lại chậm tiếp cận khoa học kỹ thuật nên thiệt trăm bề, thường lâm vào cảnh “mua mắc bán rẻ”.

Là nước đứng vị trí thứ 2 thế giới trong xuất khẩu gạo nhưng vì sao hạt gạo Việt Nam luôn không cạnh tranh lại giá so với gạo Thái Lan? Nguyên nhân thì nhiều nhưng chủ yếu là gạo Việt Nam chất lượng trung bình và thấp, gạo CLC chỉ chiếm 1/3.

“Vua lúa giống” Năm Châu, nhà nông duy nhất ĐBSCL 3 lần xuất ngoại, phân tích: “Về cần cù, tiếp thu khoa học kỹ thuật trồng lúa, nông dân Việt Nam không thua các nước. Hạt lúa, hạt gạo chúng ta xuất khẩu luôn giá thấp, không cạnh tranh được với Thái Lan là do chất lượng giống không đồng nhất, nông dân sản xuất manh mún, thiếu liên kết nên luôn thua thiệt trong phòng chống dịch bệnh, bảo quản hạt lúa sau thu hoạch… Thay đổi giống mới CLC, thay đổi tư duy canh tác, nâng cao kiến thức trong bảo quản hạt lúa sau thu hoạch là việc cần làm ngay mà nông dân rất cần sự vào cuộc của nhà nước, nhà khoa học…”.

GS-TS Võ Tòng Xuân, người đã có nhiều năm gắn bó với cây lúa vùng ĐBSCL trăn trở: “Nước ta gia nhập WTO sẽ đem về nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo lớn. Tuy nhiên, chất lượng gạo đòi hỏi cao và giá phải cạnh tranh. Để có thể cạnh tranh với gạo Thái Lan, người nông dân phải liên kết chặt chẽ với nhau và liên kết với các doanh nghiệp. Nông dân trồng lúa muốn làm giàu, không thể sử dụng kỹ thuật cũ. Trước đây, nông dân thường lấy giống mới trồng theo kỹ thuật cũ. Còn ngày nay, nông dân phải lấy giống mới trồng theo kỹ thuật mới. Có như vậy thì doanh nghiệp và nông dân mới giàu được”.

Thay đổi giống CLC, nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, chuyện nói từ lâu nhưng để làm được điều này không phải dễ. Trước mắt vụ lúa đông-xuân 2008-2009, nhà nông ĐBSCL đang lo “sốt vó” tìm giống mới để thay thế hơn 30% diện tích canh tác 2 giống “lão hóa” IR 50404, OM 576.

Riêng Trà Vinh diện tích phải chuyển đổi sang giống mới lên đến 60%. “Viện Lúa ĐBSCL đã chuẩn bị trên 1.000 tấn lúa giống CLC (giống nguyên chủng và siêu nguyên chủng) để thay thế IR 50404.
Vụ đông-xuân tới đây, nông dân nên sử dụng các giống lúa thơm, dẻo, giống CLC hàm lượng amelose thấp” – tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết.

Bài học IR 50404 và OM 576 từ vụ lúa hè-thu và thu-đông mùa 2008, không chỉ là “gánh nặng” cho nhà nông mà còn là sự phản biện sâu sắc từ thực tiễn cuốc sống nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với nhà quản lý, nhà khoa học.

Lúa nhập từ Campuchia vẫn rất nhiều

Những ngày qua, lượng lúa nhập từ Campuchia về nước ta vẫn rất lớn. Theo ghi nhận tại cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (An Giang), tuy lượng lúa nhập về nước ta có giảm hơn trước đây 2 tuần, nhưng bình quân mỗi ngày vẫn có không dưới 1.000 tấn được nhập.

Hiện các thương lái đưa lúa từ Campuchia qua nước ta chủ yếu bằng ghe, tàu (loại 30 - 50 tấn). Dọc theo tuyến đường cặp kênh Vĩnh Tế, có ít nhất 5 điểm thu mua lúa từ Campuchia hoạt động rầm rộ.

Điều đáng nói là: để tăng lợi nhuận, các thương lái mua lúa tại Tịnh Biên sẵn sàng dùng thủ đoạn, mua thêm lúa hàng hóa còn ứ đọng (đã bị giảm chất lượng do để lâu, bị thâm) trong dân với giá khá “bèo” khoảng 2.800 đồng/kg về trộn với các loại lúa nhập chất lượng cao từ Campuchia, giá khoảng 5.000 – 5.300 đồng/kg với một tỷ lệ hợp lý, đảm bảo cho ra loại lúa “tương đối” chất lượng.

Sau đó, loại lúa trộn này sẽ được bán cho các nhà máy xay xát ở khắp các tỉnh, thành ĐBSCL với giá từ 7.000 – 8.000 đồng/kg. Theo một Công ty Chế biến lương thực tại Cần Thơ, loại lúa trên sau khi được chế biến vẫn trở thành các loại gạo thơm với giá bán ngoài thị trường cao ngất ngưởng.

Đ.TUYỂN

Theo Đình Cảnh – Cao Phong /Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.