Các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn: “Bệnh di căn” chạy chức chạy quyền

19/11/2009 02:53 GMT+7

* Bộ trưởng Bộ Công thương cam kết giúp nông dân không bị ép giá “Việc chạy chức chạy quyền, tôi thấy căn bệnh này như di căn, nhưng Bộ trưởng chỉ cho liều thuốc chữa cảm cúm thì làm sao mà khỏi bệnh được”, ĐB Lê Văn Cuông, Thanh Hóa phát biểu như vậy trong buổi chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn, chiều 18.11.

Quyết liệt

Ông Lê Văn Cuông đặt câu hỏi: “Cách đây 2 năm tôi đã chất vấn Bộ trưởng về tình trạng chạy chức, nhưng nay theo tôi thấy tình trạng này vẫn tăng lên. Có người nói rằng đầu tư cho chạy chức là đầu tư siêu lợi nhuận. Bộ trưởng nghĩ sao về điều này, trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu, Bộ trưởng có giải pháp gì để giải quyết?”.

Bộ trưởng Trần Văn Tuấn trả lời: “Trong công tác tổ chức cán bộ, ta tiến hành các bước làm chặt chẽ, theo đúng quy trình, đại bộ phận cán bộ do cấp ủy chính quyền các cấp đề bạt đều đúng. Tuy nhiên, trong quá trình đó, có dư luận nêu còn tình trạng chạy chức chạy quyền. Theo tôi, cần thực hiện đúng quy trình đề bạt của Đảng đã nêu, các đồng chí tham gia bỏ phiếu đề bạt cán bộ các cấp cũng phải có trách nhiệm. Chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, hướng dẫn việc đề bạt, sắp xếp cán bộ”.  

"Dư luận cho rằng việc khen thưởng tràn lan, có biểu hiện xin-cho, xin hỏi Bộ trưởng có tình trạng này không?".

ĐB Lê Văn Hưng (Hưng Yên)

“Hiện tượng này là có. Như vụ Vedan mà báo chí nêu cùng với một số vụ việc khác”.

Bộ trưởng Trần Văn Tuấn

Ông Lê Văn Cuông chưa thỏa mãn: “Bộ trưởng chưa đi thẳng vào nội dung tôi hỏi. Tôi muốn nghe Bộ trưởng nói: Có chạy chức chạy quyền hay không, mức độ thế nào? Là “tư lệnh” trong lĩnh vực này, để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu? Để khắc phục căn bệnh này, vấn nạn này, Bộ trưởng sẽ có cơ chế giải pháp gì? Qua cách trả lời của Bộ trưởng, tôi thấy căn bệnh này như di căn, nhưng Bộ trưởng chỉ cho liều thuốc chữa cảm cúm thì làm sao mà khỏi bệnh được?”.

Lần này, Bộ trưởng Trần Văn Tuấn trả lời trực tiếp: "Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến đại biểu Lê Văn Cuông đã nêu. Tại kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương, khi nhận định về công tác cán bộ, Ban Chấp hành Trung ương nhận định ngoài những việc đã làm tốt về công tác cán bộ thì tình trạng tiêu cực trong công tác cán bộ có xu hướng tăng lên. ĐB Lê Văn Cuông nêu là đúng. Tôi tán thành, tôi thấy ý kiến đó là đúng. Làm thế nào để chấm dứt tình trạng chạy chức? Đây là việc khó, rất khó. Đòi hỏi cả hệ thống phải vào cuộc. Tôi biết, có thể đại biểu chưa hài lòng, nhưng công tác tổ chức cán bộ là việc khó".  

“Có người nói đầu tư cho chạy chức là đầu tư siêu lợi nhuận. Bộ trưởng nghĩ sao về điều này?”.

ĐB Lê Văn Cuông

“Làm thế nào để chấm dứt tình trạng chạy chức? Đây là việc khó, rất khó”.

Bộ trưởng Trần Văn Tuấn

Ông Lê Văn Cuông đứng lên lần thứ ba: “Công tác cán bộ, chống chạy chức chạy quyền khó, đúng là khó thật, nhưng chả lẽ ta lại bó tay. Tôi thấy có nhiều sáng kiến nhân dân đề xuất nhưng chưa được thực hiện: Ví dụ, cho nhiều ứng cử viên để cạnh tranh một vị trí công tác, một vị trí lãnh đạo. Các ứng cử viên phải lên kế hoạch, trình bày chương trình hành động trước người bỏ phiếu. Bây giờ làm tù mù, thiếu công khai, minh bạch nên đó là nguyên nhân cho chạy chức chạy quyền phát triển. Tôi thấy Bộ trưởng cứ đề xuất theo hướng mà tôi vừa nói đó xem có tiến bộ không?”.

ĐB Nguyễn Hữu Phước (Bến Tre) hỏi thêm: "Bộ trưởng nói ngăn chặn việc chạy chức, chạy quyền khó. Vậy khó ở chỗ nào?".

“Khắc phục tình trạng chạy chức, chạy quyền khó ở chỗ người ta chạy chức, chạy quyền người ta đâu có trao đổi. Bản thân cơ quan nhà nước cũng không biết. Còn bản thân cán bộ giúp chạy chức người ta cũng tìm cách để trình ra những mặt tốt của người chạy”, ông Tuấn đáp.

Ông Nguyễn Hữu Phước tiếp tục truy vấn: "Người đi chạy chức, chạy quyền ai lại báo cáo Bộ trưởng. Nhưng chúng tôi hỏi vì sao chúng ta để tồn tại quá lâu tình trạng này mà lại không thể ngăn chặn?".

Lúc này, Bộ trưởng Tuấn mới giải thích: “Phải thừa nhận nó còn vì các cấp, ngành thực hiện chưa đúng quy trình. Còn kẽ hở để các đối tượng lợi dụng. Cái này chúng ra chưa phát hiện ra được. Tôi cũng chia sẻ với ĐB là ở chỗ nọ, chỗ kia làm chưa đúng quy trình. Nhiều nơi quy trình làm nhưng rất hình thức. Điều quan trọng là chúng ta phải biết phát huy trách nhiệm đóng góp của tập thể để làm nghiêm, khách quan, minh bạch quá trình chọn lựa, đề bạt cán bộ”.

Loạn giải thưởng

Vấn đề nóng thứ hai mà các đại biểu tập trung chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ là tình trạng loạn giải thưởng mà các báo liên tục nêu trước kỳ họp QH. ĐB Lê Văn Hưng (Hưng Yên) hỏi: "Dư luận cho rằng việc khen thưởng tràn lan, có biểu hiện xin-cho, xin hỏi Bộ trưởng có tình trạng này không?".

Bộ trưởng Tuấn trả lời ngay: “Hiện tượng này là có. Như vụ Vedan mà báo chí nêu cùng với một số vụ việc khác. Mới đây Bộ cũng đã soạn thảo quy chế để làm rõ hơn Luật Thi đua khen thưởng. Trong đó quy định rõ về quy trình xét trao giải, việc tham dự của các vị lãnh đạo với từng cấp giải thưởng. Về ngân sách, giải thưởng dùng ngân sách nhà nước và xã hội hóa, do doanh nghiệp đóng góp. Nhưng để tránh tình trạng xin, mua giải thưởng, các đơn vị được xét giải thưởng không phải và không được đóng góp. Còn đơn vị không nằm trong danh sách xét giải thưởng thì xin hoan nghênh đóng góp. Nếu quy chế này được thông qua sẽ góp phần phát huy tốt, ngăn chặn được tình trạng mua giải thưởng”.

Káp Thành Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.