Giải bài toán giảm lãi suất như thế nào ?

16/10/2008 22:21 GMT+7

Hài hòa quyền lợi của người gửi tiền, ngân hàng (NH) và các doanh nghiệp (DN) như thế nào trong bài toán lãi suất (LS) hiện nay đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận. Chúng tôi đã trao đổi với thạc sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính - đầu tư về vấn đề này.

*Các DN đang than trời vì LS vay quá cao, còn NH muốn giảm mạnh LS cho vay thì phải giảm LS huy động. Ông nhận xét gì về vấn đề này?

- Đối với các DN hoạt động chuẩn (có quy mô, sản phẩm chất lượng, bộ máy nhân lực, công nghệ, an toàn...) thì LS hiện nay chỉ có thể cầm cự chứ không thể đầu tư phát triển, mà như vậy dẫn đến việc làm không tăng, hàng hóa giảm về chất và lượng, nền kinh tế sẽ bị suy yếu. Còn đối với DN hoạt động dưới chuẩn và quy mô rất nhỏ thì LS cỡ nào họ cũng có thể dám vay nhưng rất rủi ro về tín dụng. Bài toán của LS huy động phải đi từ gốc là LS cơ bản và LS vay bình quân chấp nhận được của các DN hoạt động chuẩn. Sau đó trừ chi phí và lợi nhuận hợp lý của NH để đưa ra LS huy động. NH huy động là để cho vay hợp lý và an toàn chứ không phải căn cứ vào chỉ số tăng giá (CPI).

Tôi cho rằng LS cho vay trong giai đoạn này chỉ từ 15% - 18%/năm tùy độ tín nhiệm của DN, và LS huy động nên từ 12% - 14%/năm tùy tính an toàn của NH.

Chuyên gia tài chính - đầu tư Đinh Thế Hiển

*Có ý kiến cho rằng nếu NH giảm LS huy động thì trong tình hình hiện nay, LS thực mà người gửi tiền nhận được bị "âm", họ có thể rút tiền gửi ra tiêu dùng làm tăng lạm phát?

- Theo tôi, LS hiện nay đang "thực dương" chứ không phải "thực âm". LS tiền gửi hiện nay khoảng 15% - 16%/năm là cao so với năm 2006 chỉ vào khoảng 8%/năm. Người gửi tiền luôn muốn bảo toàn giá trị đồng tiền trên cơ sở an toàn so với các kênh đầu tư như vàng, USD, bất động sản (BĐS), chứng khoán hoặc tài sản có giá trị cao như xe hơi. Nếu so với các tài sản này thì người gửi tiền đang "thực dương" lớn vì trong thời gian qua giá vàng, USD đều không tăng đáng kể, còn chứng khoán và BĐS giảm rất mạnh. Ngoài ra, nếu so sánh với sức lao động, lương công nhân (năm 2006 khoảng 1,2 triệu đồng/tháng; năm 2008 là 1,5 triệu đồng/tháng) thì người gửi tiền năm 2006 phải gửi 180 triệu đồng mới có thu nhập tương đương, trong khi người gửi tiền hiện nay chỉ cần gửi 120 triệu đồng là tương đương. Tóm lại, người gửi tiền hiện đang được "thực dương". Chưa kể LS càng cao hơn nếu so sánh với các nước phát triển theo các tiêu chí tương đương.
 
Thạc sĩ Đinh Thế Hiển -Ảnh: Đ.N.Thạch 

Về quan điểm người gửi rút tiền sẽ gây lạm phát là chưa có cơ sở. Lạm phát có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân cơ bản là lượng tiền trong lưu thông lớn hơn hàng hóa cung ứng. Lạm phát sẽ tăng mạnh khi Chính phủ tăng lương quá mức cho bộ phận phi sản xuất để bù đắp giá cả tăng cũng như đầu tư mạnh quá mức vào dự án dài hạn chưa tạo ra hàng hóa. Nếu hai mặt này vẫn kiểm soát tốt như các giải pháp đang áp dụng hiện nay của Chính phủ thì lạm phát khó tăng. Thực tế 3 tháng cuối năm lạm phát có thể chỉ khoảng 1%/tháng. Trường hợp người gửi tiền rút ra để tiêu xài thì sẽ làm kích thích tăng sản xuất, càng tạo ra việc làm và giảm giá thành do quy mô sản xuất tăng và LS cho vay giảm. Người tiêu dùng tất nhiên chỉ tiêu xài có một phần, còn lại họ sẽ cho vay trực tiếp DN hoặc mua cổ phiếu, điều này càng tốt vì DN có vốn để đầu tư phát triển. Chỉ có một kịch bản xấu là họ đổ dần vào mua BĐS, khi đó tiêu thụ hàng hóa không tăng, DN sản xuất không có vốn. Nhưng kịch bản này khó xảy ra vì vốn vào BĐS phải có sự tham gia của NH mới dám đầu tư.

*Theo ông, biện pháp nào để LS có thể giảm trong thời gian tới? 

- Trước đây có quy định áp LS trần nhưng các NH cho là bị trói tay, muốn chủ động hơn. Còn bây giờ các NH lớn, an toàn lại đang phải đương đầu với việc LS huy động quá cao của NH nhỏ. Tất nhiên chúng ta không nên quay lại với quy định hành chánh mà cần phát huy vai trò của hiệp hội NH, ngoài ra chúng ta cũng có thể vận dụng quy định chống phá giá của Luật Chống cạnh tranh bán dưới giá thành. Việc huy động LS cao bất chấp có thể bị lỗ của các NH nhỏ cũng cần xem xét theo khía cạnh này. Một điều nữa cũng cần lưu ý là hệ thống NH Việt Nam đang được Chính phủ bảo vệ, chưa hoàn toàn theo cơ chế thị trường, do vậy các NH nhỏ không thể cho rằng mình hoạt động theo cơ chế công ty cổ phần, có quyền tự quyết định LS. Bởi vì khi bị sụp đổ thì Chính phủ phải can thiệp từ tiền thuế người dân chứ không phải như sự phá sản của các công ty sản xuất kinh doanh thông thường. Để LS tiếp tục giảm trong thời gian tới, NH Nhà nước cần giảm một ít tỷ lệ dự trữ bắt buộc vì hệ thống NH hiện nay đã khá an toàn, đồng thời tăng LS dự trữ bắt buộc.

* Xin cảm ơn ông !

Thanh Xuân (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.