Sống đẹp, làm kinh tế giỏi

14/10/2008 22:41 GMT+7

Từ nay đến năm 2012, cả nước dự kiến kết nạp trên 400.000 đoàn viên, giới thiệu 115.000 đoàn viên ưu tú cho Đảng, và đặt mục tiêu 75.000 đoàn viên được Đảng kết nạp, trong đó trên 45% là người dân tộc thiểu số, đó là một trong những chỉ tiêu cụ thể được BCH T.Ư Đoàn đưa ra tại "Hội nghị tăng cường đoàn kết, tập hợp thanh niên các dân tộc khu vực miền núi phía Bắc" do T.Ư Đoàn và Ban chỉ đạo Tây Bắc phối hợp tổ chức tại Sơn La hôm qua 14.10.

Thu hút thanh niên

Phát biểu tại hội nghị, ông Bùi Thanh Thu, Phó trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc đã biểu dương và ghi nhận những thành tích xuất sắc của các tổ chức Đoàn, những thanh niên có lý tưởng sống đẹp - làm kinh tế giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, góp phần đưa vùng Tây Bắc sớm trở thành khu vực phát triển. Ông Bùi Thanh Thu nhấn mạnh những yêu cầu trong hoạt động của các tổ chức Đoàn hiện nay cần tập trung đó là mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp cho được lực lượng thanh niên.

Theo báo cáo được trình bày tại hội nghị, trong những năm qua các cấp bộ Đoàn, Hội trong khu vực đã nỗ lực thu hút đông đảo thanh niên dân tộc vào các phong trào, các cuộc vận động của Đoàn, Hội; chăm lo hỗ trợ thanh niên các dân tộc phát triển và trưởng thành. Trong đó phong trào "Thi đua lập nghiệp, lao động sáng tạo, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế", "Xung kích lao động sáng tạo" của Đoàn TNCS HCM, cùng với cuộc vận động "Thanh niên làm kinh tế giỏi, tích cực tham gia xóa đói giảm nghèo" của Hội LHTN VN đã được tích cực triển khai, tạo cơ hội để thanh niên dân tộc được tham gia có hiệu quả, nhất là sau khi triển khai phong trào 4 mới (kỹ thuật mới, ngành nghề mới, thị trường mới, mô hình mới).

Làm giàu trên chính quê hương mình

Trong lĩnh vực lao động, việc làm và phát triển kinh tế, đã có hàng chục vạn thanh niên, học sinh, sinh viên được qua các lớp hướng nghiệp, 38 vạn thanh niên được đào tạo nghề ngắn hạn và dài hạn, gần 15 vạn thanh niên được giải quyết việc làm, 16.500 thanh niên được xuất khẩu lao động.

Theo đánh giá của T.Ư Đoàn, từ trong các phong trào của Đoàn đã xuất hiện một lớp thanh niên năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, biết phát huy những lợi thế của quê hương để vươn lên lập thân, lập nghiệp. Tiêu biểu như Sùng A Chỉa, dân tộc Mông, tỉnh Điện Biên đã xây dựng mô hình vườn-ao-chuồng chăn nuôi đại gia súc với tổng giá trị tài sản 1,7 tỉ đồng; Lò Văn Pâng, dân tộc Thái, tỉnh Sơn La, xây dựng mô hình trang trại kết hợp nông, lâm, ngư nghiệp, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thả cá, nuôi nhím đã mang lại thu nhập hằng năm ước đạt gần 500 triệu đồng; Phùng Văn Tiến, dân tộc Nùng, tỉnh Lạng Sơn đã đầu tư vốn xây dựng mô hình kinh tế kết hợp vườn-ao-chuồng-rừng thu lãi mỗi năm hơn 70 triệu đồng; Trương Công An, dân tộc Mông, tỉnh Thanh Hóa phát triển kinh tế trang trại, thu nhập trên 130 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động thời vụ và thanh niên tại địa phương; Vy Xuân Vũ, 24 tuổi, dân tộc Thái, Giám đốc Công ty TNHH Long Vũ, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An, kinh doanh khai thác khoáng sản, vận tải hàng hóa đường bộ, mua bán điện tử dân dụng, cơ khí… tạo việc làm cho hơn 100 công nhân, thu nhập ổn định 1,2 - 3 triệu đồng/tháng, nộp ngân sách mỗi năm hơn 1 tỉ đồng...

Tại hội nghị, Ban chỉ đạo Tây Bắc đã tặng bằng khen cho 27 đoàn cơ sở tiêu biểu thuộc 14 tỉnh. Ban Bí thư T.Ư Đoàn tặng bằng khen, cúp và phần thưởng "Sống đẹp - Làm kinh tế giỏi" cho 39 thanh niên dân tộc và bằng khen cho 22 thanh niên có thành tích xuất sắc đang lao động, sản xuất trên công trường thủy điện Sơn La.

Đến từng nơi, nghe từng lời

Đồng thời, đã có trên 156.000 lượt đoàn viên, hội viên, thanh niên tham gia các hoạt động tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới. Hoạt động tập trung vào các lĩnh vực khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tham gia xây dựng tổ chức Đoàn, Hội, Đội trên địa bàn dân cư, tuyên truyền bảo vệ môi trường, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" xây dựng nhà tình nghĩa, Hội LHTN VN với chương trình mổ mắt cho đồng bào nghèo.

Phát biểu kết luận hội nghị, anh Võ Văn Thưởng, ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất BCH T.Ư Đoàn khẳng định: Muốn tập hợp thanh niên đòi hỏi cán bộ Đoàn phải hiểu tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của thanh niên. Vì vậy đòi hỏi mỗi cán bộ Đoàn phải sâu sát, gắn bó với thanh niên, lắng nghe, chia sẻ, định hướng cho thanh niên trong các hoạt động. Anh Võ Văn Thưởng bày tỏ sự tâm đắc với phương châm do anh Nông Văn Luận, Bí thư Đoàn xã Hòa An, tỉnh Cao Bằng nêu ra trong tham luận của mình, đó là người cán bộ Đoàn cần "đến từng nơi, nghe từng lời" để đến với thanh niên. "Có đến với các thôn bản của vùng Tây Bắc, cảm nhận sự khó khăn của công tác vận động thanh niên ở đây khi mà một đồng chí bí thư xã đoàn muốn đến từng thôn, bản có khi phải đi bộ mất vài ngày, mới thấy cần có quyết tâm sắt đá rất cao mới có thể thực hiện được việc đến từng nơi, nghe từng lời. Nếu cán bộ nào cũng thực hiện được việc này để hiểu, chia sẻ và định hướng được cho thanh niên thì mới có thể tập hợp được thanh niên", anh Thưởng nói.

Theo anh Thưởng, những tấm gương "Sống đẹp - Làm kinh tế giỏi" được tuyên dương tại hội nghị này là những minh chứng cụ thể cho thấy nếu như chúng ta gần gũi, sâu sát lắng nghe thanh niên thì chúng ta sẽ tập hợp được thanh niên, và đó là thách thức rất lớn đặt ra với cán bộ Đoàn hiện nay.

 

Ảnh: T.Sơn

* Trương Thị Lan Hương (sinh năm 1981, dân tộc Cao Lan, Tuyên Quang) - đầu tư mở cơ sở sản xuất khung nhôm, cửa kính, thu nhập một năm đạt 450 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho 5 lao động là đoàn viên thanh niên với thu nhập mỗi người 1,2 triệu đồng: "Các chương trình hỗ trợ thanh niên hiện nay cũng có hiệu quả nhất định, bản thân tôi nhờ được vay vốn ưu đãi đã đầu tư mở rộng sản xuất có hiệu quả. Tuy nhiên vốn vay cho thanh niên hiện nay vẫn còn thấp, thời hạn lại hơi ngắn nên đối với đầu tư cho chăn nuôi chẳng hạn, việc quay vòng vốn chậm hơn nên sẽ có những khó khăn nhất định. Theo ý kiến của tôi thanh niên khu vực nông thôn miền núi cần được đào tạo nghề thiết thực hơn. Bên cạnh đó, sau đào tạo bố trí được việc làm luôn thì việc đào tạo nghề mới có hiệu quả. Nếu như chỉ đào tạo nghề mà sau đó không bố trí được việc làm thì thanh niên sẽ gặp nhiều khó khăn".

 

Ảnh: T.Sơn

* Lương Thị Mến (sinh năm 1985, dân tộc Tày, Thái Nguyên) - tích cực vận động thanh niên địa phương tham gia các phong trào và phát triển kinh tế; xây dựng thành công mô hình trang trại, trồng chè, thả cá, nuôi lợn thịt, trồng mộc nhĩ, nấm, sò; thu nhập hằng năm từ 50 - 60 triệu, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động với thu nhập bình quân 800.000 - 1 triệu đồng: "Thanh niên địa phương thường khó khăn về việc làm, thiếu vốn, cần Nhà nước quan tâm giúp đỡ nhiều hơn về 2 vấn đề này. Bản thân em mới chỉ được hỗ trợ kỹ thuật còn vốn đầu tư phải dựa vào sự hỗ trợ của gia đình. Các chương trình vay vốn hiện còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó đội ngũ thanh niên trẻ cũng vẫn chưa được tin tưởng nhiều nên còn khó khăn trong việc vay. Ngoài ra em cũng muốn có thêm nhiều lớp hướng dẫn về khoa học kỹ thuật để thanh niên miền núi chúng em có thể nâng cao kiến thức".

 

Ảnh: T.Sơn

* Lò Văn Pâng (sinh năm 1978, dân tộc Mông, Sơn La) - mới học hết lớp 6, với số vốn lập nghiệp ban đầu chỉ hơn 200 nghìn đồng nhưng đã xây dựng mô hình trang trại kết hợp nông, lâm, ngư, nghiệp chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thả cá, nuôi nhím mang lại thu nhập hằng năm ước đạt 450 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động là đoàn viên thanh niên địa phương với mức thu nhập 1,5 triệu đồng/tháng: "Cán bộ Đoàn ở địa phương gặp khá nhiều khó khăn, đặc biệt là thu nhập. Thanh niên có ưu điểm là nhiệt tình, tập hợp rất nhanh, cần là có, tuy vậy trong hoạt động phát triển kinh tế gặp khó khăn về vốn. Bản thân tôi đã cùng hỗ trợ các đoàn viên thanh niên trong xã được vay vốn đầu tư đào ao thả cá. Tuy nhiên, số vốn mà 8 đoàn viên của xã được vay (60 triệu đồng) hơi thấp nên ban đầu cũng khó khăn. Mong rằng Nhà nước sẽ có những chính sách hỗ trợ nhiều hơn nữa cho thanh niên miền núi lập nghiệp".

Hương Giang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.