Vì sao không “ngọt”

21/11/2009 15:47 GMT+7

(TNTS) Tình cờ, Hòa đọc được những lời than phiền của chồng trong một e-mail gửi cho... cô bạn thân của anh. Anh không “kể tội” vợ nhiều, nhưng những điều anh “ấm ức” khiến Hòa vừa suy nghĩ nhưng cũng vừa ấm ức lại...

Trong bức e-mail, Thi – chồng Hòa, kể: Ngày trước khi yêu nhau, vợ mình ăn nói ngọt ngào, dịu dàng dễ nghe bao nhiêu thì nay nàng gắt gỏng, khó chịu, đay nghiến chao chát bấy nhiêu. Có thể nói hồi trước, yêu nàng vì lời ăn tiếng nói, bây giờ bức xúc cũng vì lời ăn tiếng nói. Đành rằng anh cũng thừa nhận mình là đàn ông, đôi khi không “tuân thủ” hết được những quy định “khắt khe” của vợ, như chuyện để vớ lung tung, quên kéo nước bồn cầu, quên tắt đèn khi không cần dùng đến... nhưng sự cằn nhằn của vợ thật khó chịu. Mỗi khi vợ cất tiếng là anh thấy “sợ”. “Sao anh bừa bộn quá vậy?”, “Em phải nói bao nhiêu lần nữa đây?!”, “Nhà này tôi là ôsin cho cả bố lẫn con!”, “Mệt quá, trăm thứ việc đổ đầu, mà có người lại rảnh quá”... Điện thoại thì gọn lỏn: “Bữa nay anh nhớ đón con đấy! Quên gì thì quên, đừng có quên đón con!” (cúp máy); hoặc: “Bữa nay anh về sớm, đừng có nhậu nhẹt nữa, tuần này hai lần nhậu rồi đó!” (cúp máy)... Những chữ “đừng”, “hãy” kèm theo giọng riết róng của vợ đã thay thế những chữ “anh à, anh ơi” từ lúc nào không biết. Chẳng lẽ sống với nhau lâu là phải khô khan, cụt lủn như thế. Trong khi đó, anh thấy Hòa lại ngọt ngào với đồng nghiệp, người “ngoài”, dạ thưa rất mực dịu dàng. Anh kể, có lần đang “quát” chồng, có điện thoại là Hòa đổi giọng ngay: “Vâng ạ, không sao đâu ạ. Em biết mà, dạ... dạ...”. “Phải chi mình cũng được vợ nói năng như mía lùi thế? Trong khi đó, bên ngoài, nhiều “em” lại ngọt với mình, bảo sao mình không “chao đảo”? – chồng Hòa “đặt vấn đề” khiến cô giật mình.

Đúng là ngày xưa, Thi từng nói “Chỉ nghe giọng em qua điện thoại anh đã mê”. Và cũng đúng là khi mới cưới nhau, Hòa không hay gắt gỏng như thế. Cô thấy hình ảnh mình trong mắt chồng thật tệ, nhưng quả thật sâu xa hơn là do cô không bày tỏ, chia sẻ với chồng những vấn đề, khó khăn của riêng mình. Đi làm về, mệt mỏi vì kẹt xe, đón con muộn bị cô giáo nhắc nhở, lại lao vào bếp nấu nướng để kịp cho đứa con lớn ăn rồi còn đi học thêm buổi tối, tắm cho con nhỏ, dọn dẹp nhà cửa... Chừng ấy việc khiến cô quay như chong chóng, trong khi Thi chỉ ngồi kè kè bên máy tính, xem ti vi hoặc đọc báo. Anh không có thói quen giúp vợ việc nhà, và Hòa cũng chiều chồng, coi đó là bình thường. Nhưng khi một mình “nai lưng” dọn dẹp, chỉ cần một chiếc áo vứt lung tung cũng khiến cô nổi quạu. Hơn nữa, nhiều lúc do công việc ở cơ quan nhiều áp lực cũng khiến Hòa về nhà trong trạng thái không thoải mái. Thực ra trong gia đình, cô là người kiếm được nhiều tiền hơn chồng và cũng lo chuyện “kinh tế” chi tiêu trong nhà, nhiều lúc do chi tiêu quá nhiều việc tốn kém, hoặc giá cả tăng, phải tự mình tính toán, lo toan cân đối nên Hòa “đăm chiêu”, khó chịu. Nói ra những chuyện này sợ chồng “chạnh lòng” cho rằng mình bóng gió trách chồng (mà từ trước tới nay Hòa không bao giờ biến điều này thành lợi thế và cũng không “đặt vấn đề” chê bai chồng bao giờ), nhưng không nói ra thì cô cũng phải chịu những áp lực khác khiến có lúc “đá thúng đụng nia” vô lý...

Đọc những dòng anh viết, cô biết mình cần “ngọt” lại, nhưng lời nói không phải chỉ là lời nói, nó còn cần những yếu tố để tạo nên “vị ngọt”, mà những yếu tố đó phải từ cả hai người tạo nên...

Huệ Hường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.