Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình tiếp tay cho “chạy trường”

04/10/2006 23:05 GMT+7

Chiều ngày 4.10, nguồn tin từ Công an tỉnh Thái Bình cho biết: Trong quá trình mở rộng điều tra về những sai phạm của ông Mạc Kim Tôn (nguyên Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình), CQĐT đã phát hiện ông Tôn từng chỉ đạo cấp dưới cho 2 học sinh thi trượt tốt nghiệp vẫn được vào học công lập.

Theo tài liệu điều tra, mối quan hệ của Trần Thị Ánh và Mạc Kim Tôn được thiết lập từ tháng 5.2005. Ánh quen vợ ông Tôn và từ đó tiếp cận với ông Giám đốc Sở. Bà Nga, vợ ông Tôn từng đưa 120 triệu đồng nhờ Ánh mua hộ một lô đất ở khu đô thị Trần Hưng Đạo. Cả Ánh và bà Nga đều thừa nhận việc này.

Tháng 8.2005, Ánh cùng chồng đến nhà ông Tôn nhờ giúp cho hai học sinh thi trượt được vào học hệ công lập trung học phổ thông. Ông Tôn đã bút phê vào đơn cho hai học sinh tên Trần Thị L. (sinh năm 1990 ở Vũ Tiến, Vũ Thư) và học sinh tên Tống Thị T. (sinh năm 1990 ở Đông Phong, Đông Hưng) để được vào học. Ông Tôn giao cho ông Bắc, Phó giám đốc Sở, điện cho lãnh đạo trường nói là cháu của một người ở Văn phòng Quốc hội nhằm ép trường phải nhận học sinh này vào học. Xong việc mỗi gia đình học sinh đưa Ánh 5 triệu đồng để Ánh cảm ơn ông Tôn. Ánh đã mua điện thoại di động trị giá 6,9 triệu đồng biếu ông Tôn. Ông Tôn cũng đã thừa nhận việc này.

Tháng 12.2005, Ánh lấy 10 máy vi tính của Công ty TNHH thương mại Ánh Chinh đem lắp cho Trường THCS Minh Thành, nơi con của Ánh học. Tại buổi gặp mặt tại trường Minh Thành, ông Tôn đặt vấn đề với Ánh về việc xin lắp đặt, trang cấp máy vi tính cho một số cơ sở, trường học. Ánh lấy 10 máy của Công ty Ánh Chinh lắp cho Trung tâm tin học ngoại ngữ thuộc Sở GD-ĐT Thái Bình và tiếp tục lắp 6 máy tính cho UBND xã Thanh Tân, Kiến Xương (quê ông Tôn). Chưa hết, Ánh tiếp tục lắp cho UBND xã Quỳnh Sơn và UBND xã Quỳnh Hồng mỗi xã 5 máy tính (việc lắp máy tính tại các xã này do lái xe của ông Mạc Kim Tôn đứng ra xin). Nhà ông Tôn cũng được Ánh lắp một bộ máy tính trị giá gần 10 triệu đồng.

Sau hàng loạt những vụ lắp máy, Ánh nói với ông Tôn là xin được dự án tài trợ cho các trường học. Ông Tôn thấy việc Ánh lắp máy tính quá dễ dàng nên đặt vấn đề bảo Ánh tiếp tục xin để lắp cho các trường học. Ánh bàn với ông Tôn là các trường phải chi phí 20% giá trị máy móc lắp đặt cho Ánh để "chạy dự án", ông Tôn nhất trí. Việc lắp máy cho trường nào, số lượng bao nhiều đều do ông Tôn duyệt, quyết định và chỉ đạo các trường chi 20% tổng giá trị tiền máy cho Ánh.

Ngày 5.1.2006, Ánh gọi điện cho ông Hoàng Đức Hoạt, Phó giám đốc Trung tâm tin học ngoại ngữ thuộc Sở GD-ĐT Thái Bình để liên hệ mua máy tính. Ông Hoạt dẫn Ánh đến Công ty Kiên Cường giới thiệu Ánh là cán bộ UBND tỉnh Thái Bình đang thực hiện dự án trang cấp máy tính cho Sở. Ánh thống nhất giá với Công ty Kiên Cường là 6 triệu/máy, khi làm hóa đơn thanh toán là 7 triệu đồng/máy, số tiền chênh lệch 1 triệu đồng đưa cho Ánh.

Tính đến 25.2.2006, Ánh đã lắp đặt cho các đơn vị, trường học là 267 máy vi tính với tổng giá tiền là hơn 2,2 tỉ đồng (chưa kể thuế VAT). Sau khi Công ty Kiên Cường phát hiện ra Ánh không phải là cán bộ UBND tỉnh như giới thiệu, công ty này đã thông báo cho ông Tôn và yêu cầu thanh toán.

Ngày 6.3.2006, theo đề nghị và hướng dẫn của Ánh, ông Tôn làm tờ trình số 177/GD-ĐT trình UBND tỉnh về việc xin dự án ứng dụng tin học vào ngành giáo dục với tổng kinh phí là 3 tỉ đồng. Từ tháng 10.2005 đến tháng 5.2006, tổng số tiền các công ty tin học bán máy cho Ánh đã lên tới 4,2 tỉ đồng.

CQĐT đã xác minh tại 36/46 trường, kết quả 28 trường khai nhận trong quá trình giao dịch, lắp máy đã chi cho Ánh hơn 400 triệu đồng; 19 trường khai đưa cho ông Tôn số tiền gần 180 triệu đồng. Ánh khai đã nhận của các trường hơn 280 triệu đồng. Đáng chú ý là tại CQĐT Ánh khai: Khi lắp được một số máy tính, Ánh nói với ông Tôn là nên dừng lại vì lắp nhiều không có khả năng thanh toán, ông Tôn nói cứ làm đi, nếu không thanh toán được, ông Tôn sẽ bảo các trường thanh toán. Riêng ông Tôn thì tỏ ra quanh co, viện cớ "không nhớ, không biết" để chối tội. Đến thời điểm cuối tháng 9, ông Tôn đã thừa nhận có cầm 63 triệu đồng tiền "lại quả" của các trường. Ông Tôn cũng khai đã được Ánh mang đến nhà 5 món đồ và đã trả tiền cho 4/5 món.

Hiện nay, UBND tỉnh Thái Bình đang xem xét thành lập Hội đồng thẩm định giá để tính giá trị của những máy tính đã được lắp đặt nhằm xác định hậu quả thiệt hại. Với những máy tính còn nguyên đai nguyên kiện chưa kịp lắp đặt, CQĐT tỉnh đã đề xuất cho các công ty máy tính được nhận lại để thu hồi vốn.

K.T.L

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.