Nơi những người nghiện hồi sinh

06/09/2005 21:53 GMT+7

“May quá! Nhờ lên đây cai nghiện sớm mà hai đứa con trai của tôi đến nay còn sống được. Chứ còn ở bên ngoài chắc tụi nó đã leo lên bàn thờ. Nhóm bạn hút chích chung của chúng nó ngày xưa giờ đã chết hết trọi rồi...”.

Đó là lời tâm sự của chú Sáu C. tại khu thăm nuôi học viên của Trung tâm Cai nghiện ma túy Trọng Điểm (huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước) khi ngồi bên hai người con trai rắn rỏi, khỏe mạnh mà chỉ mới 2 năm trước đây, họ là những con nghiện nặng, sống vật vờ, phá nhà, phá xóm... Người cha ấy còn mừng hơn khi được các con khoe 2 chứng chỉ học nghề sửa xe gắn máy vừa được cấp.

Anh Trần Ngọc Du, Giám đốc Trung tâm Cai nghiện ma túy Trọng Điểm cho chúng tôi biết: Năm 2004, trung tâm đã đào tạo và cấp chứng chỉ sửa xe gắn máy, mộc mỹ nghệ và may mặc cho hơn 500 học viên. Trung tâm hiện có xưởng sản xuất, đã giải quyết việc làm, tạo thu nhập tương đối ổn định cho hơn 1.500 học viên...

Cũng tại đây, một học viên tên Huỳnh Văn Hải kể: năm 1998, khi Hải đang làm bảo vệ cho một câu lạc bộ thể thao thì nghe theo lời rủ rê của bạn bè nhậu nhẹt và sau đó "dính" vào heroin. Để có tiền cho những cuộc chơi triền miên, Hải đã làm tất cả mọi việc xấu, từ lừa gạt người thân trong gia đình đến ăn cắp, ăn trộm của bà con trong khu phố. Một lần cơn ghiền thuốc nổi lên, hết tiền nhưng không kiềm chế được, Hải lại đi ăn trộm và bị công an bắt quả tang. Mức án mà Hải phải nhận là 18 tháng tù ở trại giam Tống Lê Chân. Đến tháng 2/2002, Hải được tha về trước thời hạn. Tưởng rằng đã cai được thuốc, nhưng sau đó do làm ăn thất bại, nợ nần khắp nơi, không chịu nổi cảnh các con nợ đến chửi rủa mạt sát, Hải quay trở lại con đường nghiện ngập và quãng đời này, như Hải nói, là "nhầy nhụa, nhớp nhúa nhất". Do đã đốt hết tiền vào heroin, một lần con gái xin 2.000 đồng để ăn sáng mà không có để cho, cộng thêm đói thuốc, Hải đã ăn cắp cả mấy bộ áo quần lành lặn nhất của chính mẹ mình đem bán lấy tiền để thỏa mãn cơn ghiền. Khi tỉnh lại thấy quá nhục nhã, Hải đã đến thẳng công an phường trình diện và xin được đưa đi cai nghiện...

Qua hơn 2 năm cai nghiện, Hải đã tỉnh táo trở lại. Anh đã trở nên hồng hào khỏe mạnh và đang mong đến ngày được hồi gia trở về với cộng đồng. Vì có quá trình phấn đấu tốt, Hải đã được trung tâm cho về nhà nghỉ phép 2 lần. Gia đình, bạn bè và bà con trong khu phố rất vui và mừng cho anh. Trong những ngày ấy, cũng có những người bạn xấu đã đưa heroin ra mời Hải, nhưng anh kiên quyết không sử dụng.

Những người cùng chung cảnh ngộ như Hải mà chúng tôi gặp ở Trung tâm Trọng Điểm rất nhiều. Lên đây cai nghiện, họ đã được ngăn cách với những cám dỗ đầy ma lực của ma túy, tự tu tâm dưỡng tính để mong đợi ngày về. Ngoài ra, họ còn được các cán bộ, nhân viên Trung tâm Trọng Điểm chăm sóc sức khỏe, dạy văn hóa, dạy nghề...

Để có được những chuyển biến tích cực từ hàng ngàn con người, bên cạnh sự phấn đấu rèn luyện của các học viên còn có sự hy sinh thầm lặng, sự kiên nhẫn và sức làm việc không biết mỏi mệt của hơn 240 cán bộ, nhân viên của Trung tâm Trọng Điểm. Anh Nguyễn Văn Hồng, quyền Trưởng phòng Giáo dục của trung tâm nói với chúng tôi: "Tôi đã giới thiệu rất nhiều người đến trung tâm xin việc. Nhưng khi đến nơi, nhìn trước nhìn sau thì không thấy họ đâu nữa. Có lẽ khi nhìn nhiều học viên với các hình xăm vằn vện và những gương mặt ít thiện cảm, họ sợ nên rút lui...".

Tại khu C, nơi đang quản lý hơn 600 học viên, trong đó có hơn 200 học viên nữ, chúng tôi gặp các nữ giáo dục viên Nguyễn Thị Hòa và Trần Thu Thảo đang trò chuyện vui vẻ với các nữ học viên trong thư viện. Tốt nghiệp khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Văn Lang năm 2003, Hòa tình nguyện lên đây công tác. Ban đầu Hòa chỉ phụ trách hồ sơ, nhưng khi học viên nữ lên quá đông, cô được phân công làm giáo dục viên. Thế là từ đó 24/24 giờ Hòa đã cùng sống, cùng sinh hoạt với học viên. Hòa nói: "Quản lý học viên nam đã khó, quản lý học viên nữ còn khó gấp nhiều lần. Ở ngoài đời họ làm đủ thứ nghề, từ bia ôm, gái mại dâm và nhiều trò giang hồ khác nên có rất nhiều mánh khóe để đối phó với những người quản lý. Hễ cấm điều gì thì họ giấu giếm làm cho bằng được... Chúng tôi chỉ lấy tình thương, sự quan tâm để cảm hóa họ...".

Không chỉ cảm hóa, giáo dục để học viên trở thành người tốt mà cán bộ, nhân viên ở đây còn kiên quyết hơn trong việc chống thẩm lậu heroin, thuốc lá từ bên ngoài vào. Có nhiều người là cha mẹ học viên vì quá thương con nên khi thăm nuôi mang theo cho con một ít để chúng "đỡ thèm"; rồi những cán bộ, nhân viên bị mua chuộc bởi đồng tiền cũng tìm mọi cách mang thuốc vào. Gặp những trường hợp này trung tâm kiên quyết xử lý đến nơi đến chốn...

Tấn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.