Hỗ trợ doanh nghiệp, tạo nhiều việc làm

27/12/2008 01:36 GMT+7

Sau hai ngày làm việc, chiều 26.12 tại TP.HCM, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu kết luận Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009.

Tháo gỡ khó khăn, phát huy nội lực

“Hai ngày nay chúng ta đã bàn, nhất trí nhau rồi, giờ đến lúc phải bắt tay hành động thực hiện ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2009. Nhiệm vụ của chúng ta là điều hành một cách thống nhất, hiệu quả các lĩnh vực quản lý nhằm mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mở đầu phần phát biểu một cách dứt khoát, đồng thời ông yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong quản lý điều hành phải luôn bám sát "8 chữ": Quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả, trách nhiệm, trong đó chú trọng huy động nội lực, thị trường trong nước.

Nhìn nhận công tác dự báo kinh tế từ trung ương đến địa phương, doanh nghiệp còn yếu kém, ảnh hưởng đến công tác thống kê, hoạch định chính sách... và thẳng thắn nhận trách nhiệm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải nhanh chóng khắc phục yếu kém này. “Phải chấm dứt việc dự báo ngày mai có bão, nhưng hôm nay bão đã vào tới”, Thủ tướng nói. Mặt khác, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tập trung tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu; huy động các nguồn lực kích cầu đầu tư vào tiêu dùng...; triển khai ngay các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội; thực hiện chính sách tài chính tiền tệ tích cực hiệu quả...

Trước mắt, Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHNN ngay trong tháng 1.2009 phải ban hành cơ chế bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; cơ chế hỗ trợ lãi suất, miễn giảm thuế... tạo điều kiện để doanh nghiệp duy trì sản xuất, duy trì giải quyết việc làm cho người lao động. Song song đó, các bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh thực hiện các chính sách an sinh xã hội; đẩy nhanh việc xây dựng 500.000 căn nhà cho người nghèo; thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển đối với 61 huyện nghèo nhất nước...

Trước đề nghị của lãnh đạo các địa phương, Thủ tướng thống nhất phân cấp giao quyền, giao trách nhiệm cho người trực tiếp chỉ đạo thực hiện công việc, với mục tiêu cao nhất là rút ngắn thời gian xử lý công việc. Dự án đi qua địa phương nào thì giao địa phương đó làm chủ đầu tư; đối với công trình trọng điểm thì các bộ, ngành liên quan phải bố trí đủ vốn một lần, không để dự án thi công kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân. Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý lãnh đạo các địa phương cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Chính phủ, trước pháp luật.

Hỗ trợ doanh nghiệp để “cứu” người lao động

Tại phiên họp buổi sáng cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã cảnh báo: “Nếu không chăm lo đầy đủ cho an sinh xã hội thì không thể phát triển kinh tế. Kinh tế và xã hội phải đi song song không thể tách rời nhau”. Bộ trưởng Ngân bày tỏ lo ngại: "Chưa bao giờ việc làm của nông dân, người lao động, những người hưởng lương lại gặp khó khăn như năm nay. Chưa bao giờ đình công, tranh chấp lao động nhiều như năm nay. Nhưng lo nhất là nhiều người lao động mất việc làm". Theo Bộ trưởng Ngân, chỉ qua kiểm tra các địa phương, như: Vĩnh Phúc, Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... đã có hơn 20.000 lao động mất việc. “Đã đến lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật. Phải kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp, vì nếu doanh nghiệp đóng cửa thì tình hình sẽ càng khó khăn hơn”, Bộ trưởng Ngân khuyến cáo.

Ngoài ra, bà Ngân cũng cho biết, năm 2009 Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện gói 11 giải pháp về đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó có hai chính sách quan trọng là thực hiện bảo hiểm thất nghiệp từ 1.1.2009 và chương trình giảm nghèo bền vững cho 61 huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% sẽ được Thủ tướng chính phủ ký ban hành.

Một thông tin đáng chú ý khác, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết trong số những giải pháp đào tạo nguồn nhân lực, sắp tới Bộ sẽ triển khai chương trình đào tạo nghề cho 1 triệu nông dân...

* Các giải pháp của Chính phủ đưa ra chủ yếu là kích cầu đầu tư, nhưng thực tế hiện nay các doanh nghiệp đình trệ sản xuất không phải do thiếu vốn mà chủ yếu là do không có thị trường nên không bán được hàng. Do vậy, Chính phủ cần có thêm một số giải pháp để kích cầu tiêu dùng. (Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam)

* Những sản phẩm có thể đẩy mạnh sản xuất mà không lo thừa, đó là ngô, đậu tương, rau sạch, mía, muối. Trái cây có nhiều tin vui, nhất là thanh long, cần phát huy để tạo lợi thế xuất khẩu. Chú trọng tiêm phòng cúm gia cầm và bệnh lở mồm long móng. Kinh nghiệm cho thấy tiêm phòng là hiệu quả, đồng thời cần phát hiện sớm và dập tắt dịch bệnh ngay từ đầu. Dịch bệnh thú y cũng cần quan tâm như cháy rừng, vỡ đê, khi phát hiện là phải dập tắt ngay. (Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát)

Minh Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.