Khu tái định cư 32 năm vẫn chưa được cấp sổ đỏ

16/03/2024 15:16 GMT+7

Năm 1990, hàng chục hộ dân ở xã Phước Thái, H.Long Thành (Đồng Nai) được nhà nước đưa vào khu tái định cư, nhường đất cho doanh nghiệp nước ngoài phát triển kinh tế. Đến năm 1992 các hộ dân lần lượt được mua suất tái định cư, nhưng ròng rã 32 năm qua, họ vẫn chưa được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất.

Nhận đất lúc 46 tuổi, nay gần 80 tuổi vẫn chưa có sổ đỏ

Chị Nguyễn Thị Hoa (ngụ ấp C1, xã Phước Thái, H.Long Thành) cho biết gia đình chị đến xã Phước Thái sinh sống từ những năm 1980, có diện tích đất vườn khoảng 1 ha, ở mặt tiền QL51, qua nhiều năm có chuyển nhượng thêm của một số hộ dân lân cận để mở rộng chăn nuôi, trồng trọt. Năm 1991, UBND tỉnh Đồng Nai thu hồi đất của 29 hộ dân với diện tích hàng trăm héc ta để giao cho Công ty Vedan làm nhà máy. Gia đình chị Hoa cũng bị thu hồi toàn bộ nhà cửa, khu vườn diện tích hơn 2 ha. "Thực hiện chủ trương của nhà nước, gia đình tôi nhận tiền bồi thường, giao đất cho doanh nghiệp. Gia đình tôi 4 nhân khẩu được nhà nước bán lại một lô tái định cư (TĐC) 4,2 x 20 m, mặt tiền QL51. Nhận lô tái định cư từ lúc ba, mẹ tôi 46 tuổi, gia đình ở đây từ đó đến nay. Hiện, ba tôi đã mất, mẹ gần 80 tuổi, đã 32 năm, trôi qua nửa đời người nhưng không chỉ gia đình tôi mà những hộ có đất TĐC ở đây vẫn chưa được nhà nước cấp sổ đỏ", chị Hoa bức xúc nói.

Khu tái định cư 32 năm vẫn chưa được cấp sổ đỏ- Ảnh 1.

Hàng chục hộ dân trình bày với PV Thanh Niên xung quanh khu tái định cư 32 năm chưa được cấp sổ đỏ

LÊ BÌNH

Cùng thời điểm trên, gia đình ông Nguyễn Thanh Bình (ông Bình là Chủ tịch UBND xã Phước Thái giai đoạn 1990 - 1996) cũng nằm trong khu vực giải tỏa. Với tư cách chủ tịch xã, ông Bình tham gia tổ kiểm đếm, đền bù thuộc dự án 129 ha mà trước đó UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định thu hồi để giao cho Vedan. "Tham gia đi vận động nhân dân giao đất cho nhà nước phát triển kinh tế nên tôi hiểu rất rõ về tâm tư người dân cũng như nguồn gốc đất đai tại đây. Giải tỏa rất nhanh, chưa đến 2 năm đã hoàn thành việc giao đất cho doanh nghiệp, vậy mà tôi cũng như người dân về sinh sống ở khu TĐC này đã 32 năm mà vẫn chưa được cấp chủ quyền", ông Bình cho biết. Ông nhẩm tính: "Dự án này đã trôi qua mấy đời chủ tịch tỉnh, huyện, xã, mà nay người dân ở khu TĐC vẫn chờ sổ đỏ. Nhiều người mong có được cuốn sổ đỏ để đủ điều kiện pháp lý xây dựng, sửa nhà, vay vốn làm ăn hay chia thừa kế cho con. Bản thân tôi cũng được mua một suất TĐC (4,2 x 20 m) và cùng chung cảnh ngộ như các hộ dân khác. Thực sự khu TĐC này làm nhiều hộ dân khổ sở hơn nửa đời người, chịu thiệt thòi quá nhiều".

Khu tái định cư 32 năm vẫn chưa được cấp sổ đỏ- Ảnh 2.

Bà Hồ Nguyễn Ngọc Hằng cho biết sẽ tiếp tục gửi đơn ra T.Ư để cầu cứu

LÊ BÌNH

Chia sẻ với PV Báo Thanh Niên, ông Trần Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND xã Phước Thái, cho biết: "UBND xã cũng biết những khó khăn mà người dân đang gặp phải và đã nhiều lần kiến nghị bằng văn bản lên cấp huyện, cấp tỉnh. Hay những lần đoàn ĐBQH về tiếp xúc cử tri, xã cũng đã trực tiếp trao đổi và kiến nghị nhưng đến nay vẫn phải chờ chủ trương do khu vực này đang vướng quy hoạch một dự án khác. UBND xã cũng chỉ biết chờ hướng dẫn và chỉ đạo từ cấp trên chứ không có thẩm quyền giải quyết vụ việc".

32 năm người dân Đồng Nai chờ chạm tay vào "Sổ đỏ"

Dân mong ngóng, chính quyền "đủng đỉnh"

Cũng nằm trong khu vực giải tỏa, gia đình bà Hồ Nguyễn Ngọc Hằng được mua 2 lô đất TĐC (năm 1992). Đến năm 2000, khi đi xin phép xây dựng, bà Hằng mới biết khu vực TĐC của 29 hộ dân nằm trong khu quy hoạch xây dựng khu dân cư rộng 27 ha nên làm đơn kêu cứu gửi đi khắp nơi. "Sau đó, ngoài T.Ư chuyển đơn cho tỉnh Đồng Nai giải quyết và chính quyền mời tôi đến làm việc, đề nghị rút đơn, đồng thời hứa cấp chứng nhận cho người dân khu vực này", bà Hằng cho biết. Sau khi bà rút đơn, năm 2014, Trung tâm địa chính nhà đất (Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai) cử cán bộ xuống để tiếp nhận hồ sơ đăng ký, cấp giấy chứng nhận. "Người dân mừng lắm vì sau hơn 20 năm, khu TĐC được nhà nước quan tâm, ai ngờ đến nay chúng tôi vẫn phải… chờ", bà Hằng bức xúc nói.

Chờ mãi không thấy cấp giấy chứng nhận, ngày 16.10.2023, bà Hằng đại diện cho tập thể người dân ấp 1C, xã Phước Thái tiếp tục làm đơn kêu cứu gửi UBND tỉnh Đồng Nai cũng như T.Ư. Ngày 22.2.2024, Văn phòng Chính phủ đã chuyển đơn cho UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị xem xét, xử lý. Trước đó, ngày 5.12.2023, Ban Tiếp công dân (thuộc Văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai) chuyển đơn cho UBND H.Long Thành giải quyết. Sau đó, Phó chủ tịch UBND H.Long Thành Trần Văn Thân có công văn chỉ đạo cho Trưởng phòng TN-MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát hồ sơ, tham mưu cho UBND huyện xử lý trong tháng 1.2024.

Khu tái định cư 32 năm vẫn chưa được cấp sổ đỏ- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Thanh Bình trước khu vực các hộ dân được cấp đất tái định cư

GIA KHÁNH

Ngày 6.3, PV Thanh Niên đã gặp ông Trần Văn Thân để hỏi về vụ việc khiếu nại trên của người dân, thì ông Thân nói: "Chưa nắm được vụ việc". Khi PV Thanh Niên đưa ra văn bản chỉ đạo nói trên thì ông Thân cho biết: "Hiện tại UBND H.Long Thành đang chờ báo cáo từ Phòng TN-MT nên chưa nắm cụ thể vụ việc" và hẹn sẽ trả lời vào tuần sau. Ngày 12.3, chúng tôi liên hệ lại thì ông Thân cho biết đã chỉ đạo cho bà Nguyễn Thị Thu (Phó chánh văn phòng UBND H.Long Thành) phụ trách công việc này, đề nghị liên hệ với bà Thu. Khi liên hệ thì bà Thu cho biết: "Hiện văn phòng đang chờ kết quả kiểm tra, rà soát, báo cáo chính thức từ Phòng TN-MT nên chưa thể cung cấp được gì cho phóng viên". Bà Thu nói thêm: "Sự việc này trước kia do cán bộ khác thực hiện, nay mới giao lại nên tôi cần thêm thời gian để tìm hiểu, đi thực tế và sẽ báo cáo cho lãnh đạo. Vì vậy phải tiếp tục đợi đến khi có kết quả chính thức".

Ngày 13.3, người dân ấp 1C, xã Phước Thái tiếp tục liên hệ hỏi chúng tôi đã chuyển phản ánh của họ đến cơ quan chức năng chưa? Sau khi nghe việc lãnh đạo UBND H.Long Thành trả lời như trên, một người dân bức xúc: "Trả lời như thế cho thấy những người có trách nhiệm của huyện trong vụ việc này không quan tâm đến lo lắng của người dân. Dân mong ngóng nửa đời người, còn cán bộ thì đủng đỉnh. Đây chính là lý do kéo dài mấy mươi năm!".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.