Xử lý dứt điểm các DNNN hoạt động không hiệu quả

28/11/2009 01:01 GMT+7

Sau hơn một tháng làm việc, hôm qua 27.11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội (QH) khóa XII đã họp phiên bế mạc.

Trước đó, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Nghị quyết khẳng định: “Trong thời gian qua, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thể hiện được vai trò chủ đạo, có nhiều đóng góp quan trọng vào phát triển và giữ ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Đại bộ phận các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã bảo toàn và phát triển vốn, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, cơ bản thực hiện tốt các nhiệm vụ được Nhà nước giao”. Nhưng nghị quyết cũng chỉ rõ: “Một số lượng không nhỏ tập đoàn, tổng công ty sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả thấp, chưa phát huy tốt vai trò chủ lực trong nền kinh tế, chưa tương xứng với những lợi thế và sự đầu tư của Nhà nước”.

Đối với những tổng công ty, công ty nhà nước hoạt động không hiệu quả, thua lỗ kéo dài nhiều năm, không có khả năng phục hồi, QH yêu cầu Chính phủ có giải pháp xử lý sớm, kiên quyết, dứt điểm và nếu cần thiết thì áp dụng quy định của pháp luật về phá sản, làm rõ trách nhiệm tập thể và cá nhân để xử lý đúng theo pháp luật.

QH đồng ý tập đoàn, tổng công ty nhà nước kinh doanh đa ngành, nhưng phải xác định và tập trung cao vào ngành sản xuất, kinh doanh chính, lựa chọn kỹ lưỡng nội dung hoạt động trong các ngành khác mà doanh nghiệp có tiềm năng, lợi thế. Nghị quyết yêu cầu Chính phủ: “Có quy định thật cụ thể các điều kiện, tiêu chuẩn, quy mô một tập đoàn, tổng công ty nhà nước được đầu tư sang các ngành, lĩnh vực khác. Chấn chỉnh kịp thời các lệch lạc trong thời gian vừa qua”.

Điều chỉnh quy hoạch phát triển thủy điện

Cùng ngày, QH cũng đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn. Nghị quyết yêu cầu Chính phủ và các thành viên Chính phủ có biện pháp cụ thể, thiết thực thực hiện có hiệu quả các nhóm vấn đề: triển khai gói kích thích kinh tế; quản lý thị trường ngoại hối, điều hành chính sách tiền tệ; quản lý nhà nước đối với báo chí, internet, hạ tầng viễn thông; quản lý và phát triển thị trường nội địa; điều hành xuất nhập khẩu, phát triển thủy điện vừa và nhỏ. Về quản lý, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; thi đua, khen thưởng; cải cách thủ tục hành chính.

Trong triển khai các nhóm vấn đề trên, QH yêu cầu rà soát, điều chỉnh các hình thức hỗ trợ, tiêu chí hỗ trợ và đối tượng được hưởng chính sách kích thích kinh tế cho phù hợp với nền kinh tế đã phục hồi. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Quyết định 497/QĐ-CP của Chính phủ và các quy định chưa phù hợp về điều kiện, thủ tục để tạo thuận lợi cho nông dân tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ lãi suất mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, vật liệu xây dựng làm nhà ở đối với những hộ khó khăn và các tổ chức kinh tế, cá nhân sản xuất kinh doanh có hướng phát triển rõ rệt. Có biện pháp ngăn chặn và xử lý những tiêu cực trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ kích thích kinh tế của Nhà nước. Chủ động kiểm soát các nhân tố gây lạm phát cao trở lại. Coi trọng chất lượng dự báo, xử lý kiên quyết tình trạng đầu cơ, tăng giá đột biến, các tiêu cực khác gây mất ổn định thị trường tiền tệ...

Về quản lý nhà nước đối với báo chí, internet, hạ tầng viễn thông, nghị quyết ghi: “Quản lý chặt chẽ thị trường kinh doanh sim điện thoại. Quy định và quản lý chặt chẽ các điều kiện hoạt động cụ thể đối với lĩnh vực internet nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị đạo đức của người Việt Nam”...

Nghị quyết cũng yêu cầu phải rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển thủy điện, nhất là thủy điện vừa và nhỏ; đồng thời kiểm tra mạng lưới thủy điện vừa và nhỏ trong cả nước, giám sát chặt chẽ việc tổ chức thực hiện quy hoạch đã đề ra, bảo đảm kết hợp chặt chẽ giữa phát triển thủy điện với bảo vệ, sử dụng tài nguyên khoáng sản, yêu cầu về thủy lợi, bảo vệ môi trường và phòng, chống bão lũ...

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Những kết quả đạt được của kỳ họp thứ 6 có ý nghĩa rất quan trọng, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời góp phần thúc đẩy đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH".

Tại kỳ họp này, QH đã xem xét, thông qua 7 dự án luật: Luật Người cao tuổi; Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Viễn thông; Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Dân quân tự vệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật Thuế tài nguyên. QH cũng đã cho ý kiến về 11 dự án luật khác.

Ngoài ra, QH còn tiến hành giám sát tối cao chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước", thông qua chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy thủy điện Lai Châu và dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận. Ở nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, QH tiến hành chất vấn trực tiếp Thủ tướng Chính phủ và 4 bộ trưởng, trưởng ngành.

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.