Kiểm định, quan trọng là chữ tín

23/12/2010 22:05 GMT+7

Loạt bài viết chung quanh dự thảo Quy định về việc thành lập các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ GD-ĐT đăng trên Thanh Niên ngày 21- 22.12 đã nhận được nhiều ý kiến của độc giả:

Nên tạo sự độc lập cho các cơ quan kiểm định

Rất hoan nghênh Thanh Niên về loạt bài phân tích chung quanh dự thảo Quy định về việc thành lập các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ GD-ĐT. Những gì báo nêu, theo tôi hoàn toàn có cơ sở và Bộ nên xem xét, tạo sự thông thoáng để các đơn vị tư nhân hay các hiệp hội chuyên môn tham gia, nhằm đảm bảo tính độc lập của tổ chức đó. Một lần kiểm định sẽ tốn rất nhiều tiền, thời gian, vì vậy các trường sẽ cân nhắc, chỉ chọn tổ chức kiểm định có uy tín, được xã hội tin tưởng. Do vậy, Bộ chỉ nên cấp phép cho ai thực sự có năng lực, có uy tín.

Châu Minh Nhựt (TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre)

Cái lợi khi kiểm định

Hội nhập giáo dục là xu hướng tất yếu. Muốn hội nhập thì công tác kiểm định giáo dục phải được thực hiện chu đáo, không thể qua loa, sơ sài và... không có hồi kết như vừa qua. Một môi trường giáo dục, một phương pháp giáo dục đã qua kiểm định và có kết quả tốt chắc chắn sẽ được sự tin tưởng của người học, phụ huynh học sinh và cả du học sinh quốc tế. Ngược lại, kết quả kiểm định kém thì phải bỏ hoặc được thay đổi. Đó là những cái lợi rất lớn mà kiểm định mang lại. Rất tiếc, lâu nay chúng ta đã bỏ qua điều này hoặc có thì làm rất sơ sài.

Nguyễn Văn Triều (trieuvannguyen_2312@yahoo.com)

Nên cho phép tư nhân tham gia

So sánh có thể hơi khập khiễng nhưng theo tôi, kiểm định chất lượng giáo dục cũng giống như kiểm toán các công ty. Nếu đến kết quả kiểm định không được tin tưởng thì tốt nhất không nên kiểm định. Vì thế, hãy để những tổ chức, tư nhân tham gia. Tất nhiên, việc cho phép cũng phải có những điều kiện nhất định. Ban đầu sẽ còn nhiều khó khăn nhưng qua thời gian, tổ chức kiểm định nào làm tốt, có uy tín sẽ có nhiều khách hàng và sẽ tồn tại, nếu không sẽ bị đào thải theo quy luật thị trường.

Thạc sĩ Trần Phan Vũ Minh (TP.HCM)

 Quan trọng vẫn là chất lượng

Kết quả kiểm định là một bảo chứng cho chất lượng và các vấn đề khác của nơi được kiểm định. Do đó, khi cấp phép hoạt động cho một tổ chức kiểm định, Bộ cần phải cân nhắc. Không nên quan niệm tổ chức đó là nhà nước hay tư nhân, vấn đề là phải có chuyên môn, am hiểu chuyên môn, am hiểu nền giáo dục VN để cho ra một kết quả trung thực, chính xác và có uy tín. Hơn nữa, các tiêu chí tổ chức đó đưa ra phải có sự liên kết quốc tế, tham khảo các tiêu chí của quốc tế để kết quả kiểm định được quốc tế công nhận, đáp ứng nhu cầu hội nhập hiện nay.

Thanh Loan (Q.Ba Đình, Hà Nội)

Ban CTBĐ (tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.