Mùa cà phê trầm lắng

16/12/2008 11:34 GMT+7

Sau 3 vụ cà phê liên tiếp thắng lợi lớn cả về năng suất và giá cả, bước vào vụ thu hoạch 2008 – 2009, người làm cà phê một số tỉnh ở Tây Nguyên lại đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Chúng tôi về Di Linh, huyện có diện tích cà phê lớn nhất tỉnh Lâm Đồng khi người dân nơi đây đang vào vụ thu hoạch rộ cà phê. Cũng có vẻ khẩn trương của công việc phơi hái ngày mùa, cũng âm thanh ồn ào của xe công nông vận chuyển cà phê từ rẫy về và khói bụi mù trời bốc lên từ máy xay cà phê khô… nhưng vẻ mặt và ánh mắt của người dân lộ vẻ trầm buồn.

Anh K’Tài (thôn 6, xã Tân Châu) trò chuyện: “Cà phê năm nay thất lắm, năng suất chắc chỉ bằng 50% năm ngoái thôi. Nhà tôi làm 1,7ha, năm ngoái thu 8 tấn cà phê nhân nhưng năm nay áng chưa đầy 4 tấn”. Theo ông Nguyễn Công Lành (Bí thư Đảng ủy xã Tân Thượng), sản lượng cà phê của xã giảm đến 50% so với dự báo ban đầu (khoảng 5.044 tấn). Địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là những hộ nghèo, cận nghèo phải vay vốn đầu tư trồng cà phê.

Không khí tại vùng cà phê Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) cũng khá trầm lắng. Huyện có 32.200ha cà phê kinh doanh và hiện bà con đã thu hoạch được khoảng 75%, sản lượng bình quân chỉ đạt khoảng 24 tạ/ha, thấp hơn 2 tạ/ha so với dự báo. Nhiều năm trước, chất lượng cà phê tại khu vực Phú Sơn, Đạ Đờn luôn đạt cao vì chất đất tốt, vậy nhưng năm nay tỷ lệ hạt nhỏ, hạt lép chiếm khá cao. Ông Rơ Ông Hương (thôn 4, xã Đạ Đờn) vốc nắm cà phê trên tay phân tích: “Cà phê năm nay trái lưa thưa, hạt lại không mẩy. Trước đây thường khoảng 900 – 950 hạt là được 1kg, năm nay phải trên 1.000 hạt”.

Đi tìm nguyên nhân

Theo ông Đỗ Văn Hải (chuyên viên Phòng NN-PTNT huyện Lâm Hà), nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cà phê mất mùa là do phân bón kém chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng không đủ để nuôi cây, dẫn đến vàng lá, rụng trái hoặc trái nhỏ, hạt lép. Không chỉ người dân Lâm Hà mà hầu hết các vùng cà phê ở Lâm Đồng đều gặp phải tình trạng này. Ông Hoàng Trọng Thân (xã Đinh Lạc, huyện Di Linh) tỏ ra ngán ngẩm: “Giá phân đầu vụ này cao lắm, 13 – 14 triệu đồng/tấn nhưng càng bón càng thấy cây vàng đi, rồi rụng hạt, nhiều hạt đậu nhưng cầm bóp nhẹ là nát mà không có nhân”.

Ngoài ra, thời tiết diễn biến thất thường cũng đã khiến người làm cà phê lao đao và dịch ấu trùng ve sầu khá dày đặc cũng khiến vườn cà phê giảm năng suất. Theo Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Lâm Đồng, trong thời điểm cà phê kết trái toàn tỉnh có khoảng 20.000ha bị nhiễm ve sầu với mật độ khá cao, có nơi đến 360 con/gốc. Các nhà chuyên môn cho biết, ấu trùng ve sầu giai đoạn lớn sẽ chích hút khiến rễ cà phê tổn thương tạo điều kiện cho ký sinh trùng xâm nhập làm cà phê rụng hạt và lá.

Cà phê mất mùa, chi phí phân bón và công lao động tăng cao (75.000 – 80.000 đồng/ngày) lại gặp vào thời điểm khủng hoảng tài chính, giá rớt thấp xuống quá thấp (chỉ còn khoảng 24.000 – 26.000 đồng/kg cà phê nhân xô) đã khiến người dân thêm khó khăn. Theo tính toán, với năng suất, giá cả và chi phí sản xuất như vụ này thì hầu hết người làm cà phê chỉ huề vốn, thậm chí thua lỗ nếu phải thuê công lao động!

Chờ vụ sau...

Thực tế có nhiều vườn bị nhiễm ve sầu mật độ dày nhưng lại không ảnh hưởng đến năng suất nếu người dân biết sử dụng thuốc hợp lý để kích thích cây phát triển bộ rễ. Tại các mô hình thí điểm sử dụng thuốc tổng hợp, vườn cà phê xanh um và cho năng suất cao.

Mặc dù sản lượng vườn cà phê bị giảm phân nửa nhưng chị Lê Thị Liên (xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) vẫn hy vọng vào quy luật “bĩ cực, thái lai”. Chị Liên phân tích: “Theo quy luật thì cà phê cứ một năm được, một năm mất. Năm nay mất mùa nặng ắt năm tới được lớn nên mình cố gắng tiếp tục đầu tư. Điều quan trọng là giá cả…”. Qua khảo sát của chúng tôi tại một số khu vực được coi là mất mùa cà phê thì cũng có nhiều vườn cho năng suất khá cao (40 – 50 tạ/ha).

Như vậy, ngoài yếu tố thời tiết thì việc chăm sóc, bón phân, tưới nước đúng kỹ thuật sẽ đóng vai trò quan trọng làm tăng năng suất. Chị Nguyễn Thị Châu (thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, gia đình chị chủ yếu bón phân đơn tính nên ít bị ảnh hưởng của phân kém chất lượng. Hơn nữa ngành chức năng cũng vào cuộc ngăn chặn nên phân kém chất lượng cũng đã giảm bớt, giá phân cũng hạ xuống thấp (7 – 8 triệu đồng/tấn)… Vì vậy, nông dân có cơ sở để tin vào mùa sau bội thu.

Theo Nam Viên/Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.