Huyền thoại và sự thật

18/11/2010 22:40 GMT+7

Nguyên tắc bảo vệ bí mật khách hàng nghiêm ngặt của các ngân hàng Thụy Sĩ luôn thu hút sự chú ý của dư luận và chính quyền các nước.

Trong năm 2009 và đầu năm 2010, giới ngân hàng Thụy Sĩ liên tục bị Mỹ và một số nước châu u “tấn công” với nhiều vụ kiện tụng và rò rỉ thông tin đình đám. Tâm điểm của mọi chỉ trích chính là nguyên tắc “bí mật ngân hàng Thụy Sĩ”, yếu tố làm nên thương hiệu cho các nhà băng nước này. Cộng đồng quốc tế cáo buộc đây là điều kiện thuận lợi cho những kẻ trốn thuế và quan chức tham nhũng. Trước áp lực ngày càng tăng, hồi tháng 2, chính quyền Thụy Sĩ quy định khách hàng nước ngoài không được phép gửi tiền vào ngân hàng nước này nếu chưa khai báo với cơ quan thuế. Thụy Sĩ cũng ký thỏa thuận song phương về kiểm tra thuế với một số nước châu u.

Huyền thoại giả tạo

Điều luật được thông qua vào năm 1934 quy định các ngân hàng Thụy Sĩ cấm tiết lộ thông tin về khách hàng, nếu vi phạm sẽ có thể bị kết tội. Cho đến ngày nay, rất nhiều người nghĩ rằng sở dĩ Thụy Sĩ tăng cường điều luật về bí mật ngân hàng vào thập niên 1930 là để bảo vệ người Do Thái trước sự truy sát của phát xít Đức. Tuy nhiên, trong bài viết trên nhật báo Le Temps, sử gia Peter Hug của Đại học Berne cho rằng đây chỉ là một huyền thoại do chính các ngân hàng dựng nên. Theo ông Hug, huyền thoại chống phát xít do Ngân hàng Crédit Suisse tạo ra vào tháng 11.1966 trong một bản tin nội bộ. Bản tin viết rằng nhờ Điều luật 1934, bí mật ngân hàng Thụy Sĩ được siết chặt và “cứu được tài sản cũng như mạng sống của hàng ngàn người”.

Thật ra chiến dịch “chống phát xít” do Crédit Suisse khởi xướng có mục tiêu thật sự lại làm dịu đi những chỉ trích từ Mỹ và đã thành công nhanh chóng. Từ năm 1968, những tham luận tại Hạ viện Mỹ về bí mật ngân hàng Thụy Sĩ có phần đỡ gay gắt hơn. Huyền thoại này thuyết phục được dư luận vì nó dựa trên một sự kiện diễn ra vào tháng 1.1934. Khi ấy, Đức phái mật vụ Georg Thomae điều tra về những tài khoản Do Thái ở Thụy Sĩ. Cả 3 người Do Thái bị Thomae phát hiện đều bị xử tử ngay sau đó.

Tuy nhiên, khi các ngân hàng cho rằng sự kiện này là nguồn gốc của Điều luật 1934 thì hoàn toàn sai sự thật. Luật về bí mật ngân hàng đã được soạn thảo từ tháng 2.1933, nghĩa là gần một năm trước khi Thomae được giao nhiệm vụ. Ngoài ra, năm 1934, quân phát xít vẫn chưa vượt khỏi biên giới Đức để thật sự là hiểm họa cho thế giới và khiến Thụy Sĩ phải ra hẳn một điều luật để đề phòng. Rõ ràng, huyền thoại “bảo vệ người Do Thái” chỉ là “tuyệt chiêu” của các ngân hàng Thụy Sĩ nhằm giữ vững các nguyên tắc bí mật gây nhiều tranh cãi.

Sống còn nhờ bí mật ngân hàng

Theo ông Hug và nhiều chuyên gia khác, nguyên nhân thật sự của Điều luật 1934 không vì mục đích “nhân đạo” mà chỉ liên quan đến kinh tế, chính trị. Trước năm 1930, Thụy Sĩ chưa có bất cứ luật lệ nào về ngân hàng và bí mật ngân hàng. Trong khi đó, trước áp lực thiếu hụt ngân sách do hậu quả của Thế chiến 1, nhiều nước phương Tây bắt buộc các ngân hàng phải tiết lộ thông tin để đảm bảo nguồn thu từ thuế.

Vào đầu thập niên 1930, nợ nần từ cơn đại khủng hoảng kinh tế khiến Đức, Pháp cử nhiều nhà điều tra tài chính sang Thụy Sĩ. Đỉnh điểm của cuộc điều tra quy mô này là sự kiện ngày 26.10.1932 tại Paris, Pháp. Theo lời tố giác, cảnh sát bắt quả tang đại diện của Ngân hàng thương mại Bâle (Thụy Sĩ) đang giúp một người thuộc giới thượng lưu gian lận thuế. Từ đó, cảnh sát nắm được danh sách của 2.000 khách hàng Pháp đã gửi vào Ngân hàng thương mại Bâle khoảng 2 tỉ franc mà không khai báo.

Nhiều lãnh đạo Ngân hàng Bâle cùng những người có liên quan bị bắt. Ngày 10.11.1932, một nghị sĩ Pháp tiết lộ danh tính những người trốn thuế “cộm cán” nhất. Trong đó, có nhiều tướng lĩnh cao cấp, một lãnh đạo hãng xe hơi Peugeot, ông chủ tờ Le Figaro, tổng biên tập tờ Le Matin, 12 thượng nghị sĩ và một cựu bộ trưởng nội vụ.

“Cơn địa chấn” này làm chao đảo ngành ngân hàng Thụy Sĩ. Sau đó, giới ngân hàng nước này kêu gọi tăng cường nguyên tắc bí mật bằng một điều luật cụ thể để tránh nguy cơ “thảm họa” tái diễn. Hai năm sau đó, Điều luật 1934 được thông qua. Nhờ đó, các ngân hàng Thụy Sĩ lấy lại được sự tín nhiệm của khách hàng và đứng vững đến ngày nay bất chấp mọi áp lực.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.