Vẫn còn được sống - Kỳ 1: Tổ ấm của hai mảnh hồn lạc

10/11/2010 09:22 GMT+7

Chuyện đời đầy số phận của những thí sinh dự cuộc thi hoa hậu đặc biệt dành cho những người nhiễm HIV đang diễn ra ở Hà Nội. Vượt trên tất cả là những chiêm nghiệm về hạnh phúc của cuộc đời khi mỗi buổi sáng mở mắt ra và thấy mình còn được sống.

Huệ nhớ lại ngày 20 tết năm 2005 khi chị bước ra khỏi phòng xét nghiệm HIV ở Hà Nội: “Mình giận lắm. Mình nghĩ sẽ đi luôn, không về nữa. Nhưng đã đi rất xa rồi mình lại thấy thương, phải quay lại đón anh ấy”. Chị chở chồng về nhà bằng chiếc xe đạp, vừa đi vừa khóc, đau cho con bao nhiêu thì giận chồng bấy nhiêu.

Sống không cho mình

Cuộc thi hoa hậu “Dấu cộng duyên dáng” do mạng lưới “Vì ngày mai tươi sáng”(BF) và Quỹ hỗ trợ khẩn cấp Hoa Kỳ (PEPFAR) tổ chức. Đây là cuộc thi đầu tiên dành cho người nhiễm HIV tại VN. Những phụ nữ tham dự cuộc thi đều là những người nhiễm HIV và sẵn sàng chấp nhận công khai bản thân với cộng đồng, bất chấp những kỳ thị và ranh giới để đem đến những thông điệp mới, kêu gọi cái nhìn cảm thông và thoáng hơn về căn bệnh này trong xã hội.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 8 đến 14-11-2010, bắt đầu từ cuộc tranh tài của top 18 người đẹp nhất từ hơn 100 hồ sơ gửi tham dự. Chị Trần Thị Huệ (sinh năm 1983, quê xã Chính Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) được chọn vào top 18 người đẹp nhất.

Chị quen anh ngày họ lên Hà Nội kiếm sống. Họ cưới nhau năm 2001. Hai gia đình sống trong một làng. Anh đi làm xa, chị ở quê vừa chăm đứa con đầu lòng vừa chờ đợi đứa bé thứ hai trong bụng ra đời.

Hạnh phúc của một gia đình chưa kịp trọn vẹn cũng là lúc cuộc xét nghiệm đầy nghi hoặc vào ngày cuối năm đã làm chị đau đớn khi biết cả mình và đứa con nhỏ còn ẵm ngửa bị nhiễm HIV từ chồng.

Huệ nằm trên giường nhiều ngày trời, bẽ bàng, cô đơn và đau đớn cho con mình. Ngày cha mẹ chị đón chị về nhà để săn sóc chị bị ốm, chị nghe cha bảo: “Những gì có thể gánh được cho con bố mẹ gánh cả. Nhưng đây là bệnh tật con mang trong người, bố mẹ muốn gánh cũng không gánh được”. Huệ nhìn thấy trong đôi mắt ông một biển nước mênh mông.

Trong những đêm trở mình chị phát hiện người cha già nua trằn trọc, khóc lặng lẽ trong bóng đêm. Để rồi ban ngày ông lại là người cha hay cười nói ẵm bế cháu và bận bịu chăm sóc con gái đau yếu. Lúc ấy, biển nước trong đôi mắt quá buồn của ông gột sạch tất cả những nỗi u uất từ ám ảnh bị HIV trong chị. Huệ biết mình phải sống tiếp.

Tháng 10-2007, Huệ vào miền Nam đi bán bong bóng. Chị thuê một phòng trọ ở Thủ Đức, ngày ngày đi khắp siêu thị, nhà thiếu nhi, cung văn hóa, cổng trường... để bán những chiếc bong bóng sặc sỡ hình thỏ, gấu, siêu nhân. Chị đưa cả chồng và đứa con thứ hai vào miền Nam một tay chăm sóc.

Hằng tháng chị chi hơn 500.000 đồng, có lúc đến 1-2 triệu đồng để mua các loại thuốc chống bệnh cơ hội và tăng đề kháng cho chồng. Có lúc bị cảm sốt, chị cầm 500.000 đồng đi mua thuốc cho chồng mà không dám mua liều thuốc cảm cho mình. Huệ chỉ nghĩ: “Chồng mình còn sống được ngày nào thì con mình có bố ngày ấy”.

Cuộc đời của người phụ nữ mới hai mươi mấy tuổi trở thành cuộc chiến, cho đến năm 2008 người chồng ra đi. Huệ khóc nấc lên khi nhớ lại: “Điều làm mình đau đớn nhất là anh ấy chưa bao giờ nói được với mình một lời xin lỗi!”.


Chị Huệ dạy con tập nói - Ảnh: Tâm Lụa

Tình yêu ngọt ngào

Huệ trở thành tuyên truyền viên đồng đẳng cho các nhóm phụ nữ có nguy cơ lây nhiễm HIV ở quê hương Hà Nam của chị. Trong một khóa học năm ngày tại Hà Nội về kỹ năng thuyết trình cho tuyên truyền viên đồng đẳng về nhiễm HIV, chị gặp anh Nguyễn Hồng Nghĩa.

Trong một bữa ăn trưa, chị nói với anh: “Em ơi, đưa đây chị lấy cơm cho!”. Đó là lần đầu tiên họ biết nhau, Nghĩa biết cái cô gái nhỏ hơn một tuổi lại gọi mình bằng “em”!

Rời lớp học, vào Sài Gòn tiếp tục những ngày bán bong bóng kiếm tiền nuôi con, Huệ được an ủi bởi những cuộc điện thoại ấm áp của người bạn đồng cảnh mà mình kêu bằng “em”.

Anh Nghĩa, nhiều năm vùi đầu trong ma túy cho đến ngày tỉnh giấc vì phát hiện mình nhiễm HIV, lần đầu tiên cảm thấy cuộc sống mình khác đi vì những câu chuyện của một người phụ nữ đang trôi dạt phương trời nào đó. Anh nghe tiếng Huệ trong điện thoại, nghe chuyện về cuộc đời chị, nghe những nỗi niềm nhớ con của chị ở quê nhà.

Bà Nguyễn Thị Kim Tình, mẹ Nghĩa, nhớ lại: “Nó cứ nói chuyện đến nửa đêm. Có lúc tôi không ngủ được”. Bà thấy xúc động khi biết con trai mình hình như đã có tình yêu!

Sau mấy năm cai nghiện, xa lánh đua đòi, anh ngỏ lời xin mẹ cho vào Sài Gòn. Tiếng nói qua điện thoại cách 1.700km không còn đủ cho những nhớ nhung đã quá nhiều. Mẹ anh không do dự khi tin vào hành trình đi tìm tình yêu của con.

Giữa Sài Gòn, Huệ hướng dẫn anh đi bán bong bóng trên khắp những nẻo đường. Huệ đi từ Gò Vấp về quận 8 để thăm anh. Chàng công tử có tiền bạc quen được nuông chiều lần đầu tiên bươn bả suốt ngày trên những con đường đầy khói bụi, kiếm từng đồng tiền lời bán bong bóng như cô gái quê mà anh yêu. Hai người đi lạc trong miền đau thương như sực tỉnh. Họ quyết định về sống trong một gia đình.

Tháng 1-2010, anh Nghĩa đưa Huệ về gặp mẹ mình. Bà tất tả chạy khắp cùng xóm tìm thuê cho các con một căn phòng nhỏ, sắm sửa nhiều đồ đạc sẵn. Bà cầm tiền đến cho Huệ, bảo với Huệ bà cảm ơn cô yêu đứa con trai nhiễm HIV mà bà gần như tuyệt vọng.

Huệ nhớ lại: “Mẹ cho mình tiền để trả tiền nhà cho hai vợ chồng. Mẹ bảo mình mang luôn đứa con trai đầu khỏe mạnh của mình lên đây mẹ cho đi học. Ở làng cháu không đi học được vì bị câm điếc bẩm sinh”.

Nhà có hai người nhiễm HIV, Huệ và Nghĩa lo cho nhau trong những ngày đau ốm. Anh đi làm công nhân ở công ty xây dựng, chị làm đồng đẳng viên cho các dự án về HIV. Gia đình của họ cũng là chốn tâm tình và nâng đỡ cho những người bạn mới bị nhiễm HIV mà gặp quá nhiều đau buồn trong cuộc sống.

Cháu bé 8 tuổi Trần Đức Anh được vào tiểu học. Chiều chiều, bà Tình đi bán hàng về lại chạy xe đến trường đón cháu, về nhà nấu cho cháu ăn. Bà cháu tíu tít đi khắp cùng xóm hẻm đến quen mặt. Đức Anh không nghe nói được nên tối nào bà và mẹ cũng cố dạy cháu tập nói từng từ một. Ngôi nhà ấm hẳn lên khi thằng bé nằm lăn vào lòng bà, ôm chân bà vòi vĩnh quà bánh theo cách của nó...

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.