Thư bạn đọc tuần qua (31/10 - 6/11)

06/11/2006 15:04 GMT+7

Xung quanh nội dung dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân được đưa ra trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XI đang diễn ra, Thanh Niên Online từng đăng nhiều ý kiến bạn đọc. Hiện tại, Bộ Tài chính đang tổ chức lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân về dự luật này. Ngoài việc được chuyển đến địa chỉ tiếp nhận, những ý kiến của người dân (gửi đến Thanh Niên Online) về vấn đề này sẽ được đăng trong bài tổng hợp thư bạn đọc mỗi tuần để bạn đọc theo dõi và tham khảo.

Ý kiến về dự thảo luật thuế TNCN
 
Ngô Huy Toàn (Hà Nội):
"Tôi cho rằng có mấy nội dung sau Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) phải bổ sung làm rõ:

1/ Đối tượng phải nộp thuế. Tại Điều 4, khoản 5, đối tượng nộp thuế có ghi là thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản. Theo tôi, bất động sản hiện nay ở VN là tài sản lớn, vấn đề lớn và nóng bỏng của cả xã hội, cả các thành phố lớn đang lan rộng ra toàn quốc. Ngoài chuyển nhượng mua bán bất động sản, còn nhiều nguồn thu nhập lớn như cho thuê nhà (nhiều người ở Hà Nội hay TP.HCM đang có trong tay nhiều bất động sản hằng tháng cho thuê thu hàng nghìn USD rõ ràng phải nộp thuế cho nhà nước), môi giới nhà đất, dịch vụ tư vấn nhà đất... dự thảo Luật chưa đưa vào! Các loại hình kinh doanh bất động sản đã được nêu rất rõ tại Luật kinh doanh bất động sản đã được Quốc hội thông qua tháng 6/2006 vừa rồi.

Về tiền gửi tiết kiệm, theo tôi không nên áp thuế TNCN vì sẽ làm xấu chính sách về tiền mặt của nhà nước.

2/ Biện pháp thực hiện, chống thất thu thuế. Hình phạt đủ nghiêm nếu trốn nộp thuế. Theo tôi có 1 cách nữa: nên áp dụng thu thuế theo các hợp đồng (hợp đồng lao động, hợp đồng mua bán cho thuê nhà đất), hợp đồng biểu diễn của ca sĩ... Như vậy dễ quản lý hơn.

3/ Sử dụng nguồn thu từ thuế TNCN thế nào. Theo tôi đây là vấn đề xã hội dân sinh, nhà nước nên dành ít nhất 50% số tiền thu được từ thuế TNCN dành cho công ích, y tế, giáo dục, trẻ mồ côi, đối tượng chính sách, trẻ em học giỏi...

4/ Việc trưng cầu ý dân phải được làm công khai, minh bạch. Theo tôi nên tổ chức đối thoại trực tiếp trên truyền hình vài lần để đông đảo dân chúng quan tâm tham gia ý kiến với Bộ Tài chính.

5/ Mức khởi điểm chịu thuế 4 hay 5 triệu đồng theo tôi là tùy theo lượng tiền nhà nước muốn huy động từ thuế TNCN. 4 triệu đồng cũng phù hợp vì hầu hết 70% lao động của ta là ở nông thôn thu nhập còn rất thấp, chỉ 1 triệu đồng 1 tháng".

Thời gian vừa qua, các diễn đàn đại chúng nói chung và Báo Thanh Niên nói riêng đã dành khá nhiều "đất" cho người dân thể hiện sự quan tâm tới các vấn đề thuộc giáo dục. Trong rất nhiều vấn đề được nêu ra, sách giáo khoa (SGK) là một trong những nội dung được quan tâm khá nhiều. Đã từng có nhiều nhận định, đánh giá, ý kiến xây dựng từ các nhà chuyên môn, người nghiên cứu, người làm công tác giáo dục. Nhưng, sẽ là phiến diện nếu không quan tâm đến tiếng nói của các em học sinh - những người trực tiếp sử dụng và hưởng lợi ích thực sự từ sản phẩm này - đó là các em học sinh. Dưới đây là một ý kiến này:
 
"Em là một học sinh học lớp 10. Theo ý kiến riêng, em thấy việc cải cách SGK có nhiều điểm cần chỉnh sửa:

1/ Sách Tin học lớp 10: phần quan trọng nhất của học kỳ 1 là Thuật toán. Phần này làm học sinh dù giỏi tin học đến trình độ bằng B, C đi nữa vẫn bị điểm kém. Em thấy thuật toán nhìn chung không ứng dụng nhiều trong thực tế mà cũng chẳng ứng dụng nhiều trong tin học... Nếu học để cho biết thì tại sao lại học quá kỹ và kiểm tra 15 phút, 1 tiết cũng kiểm tra thuật toán, khiến cho học sinh bị thiếu điểm một cách báo động. Tin học cho học sinh phổ thông, theo em chỉ cần học ở mức sử dụng được máy vi tính. Muốn vậy, nên cho thực hành với máy thường xuyên. SGK nên đi từ dễ đến khó: đầu tiên hướng dẫn sơ lược về cách sử dụng máy vi tính, rồi từ từ nâng cao dần lên xử lý văn bản (Word, Excel), sau đó đến vẽ đồ họa hoặc lập trình. Có như vậy học sinh mới dễ tiếp tục, việc học mới đạt được hiệu quả.

2/ Môn Hướng nghiệp: Môn này đã đưa vào cho học sinh lúc lớp 9 nhằm xác định cho học sinh hướng đi trong tương lai nhằm chọn nghề gì cho mình và tìm ra cách học cho đúng. Nhưng học sinh thì không lại như thế, vì: Thứ nhất là học trái buổi nên không nghiêm túc như học chính khóa. Thứ hai là khi học môn này học sinh chơi là chủ yếu, giáo viên nói mặc giáo viên, học sinh nói chuyện, làm việc riêng bình thường. Đơn giản là vì giáo viên cũng như học sinh đều coi đây không phải là môn học chính khoá nên đến cho có và chỉ để chơi. Thứ ba, học sinh lấy cớ đi học hướng nghiệp nhưng thật ra tụm năm tụm bảy rủ nhau đi chơi với 1 câu nói "học hướng nghiệp đâu có điểm danh và đâu có lấy điểm đâu mà sợ".

Còn nhiều nữa nhưng đây là một trong số những điểm chính mà em cần lời giải thích". (kids <lamhetsuc_choihetminh7@yahoo.com)

"Bão vật giá" là tiêu đề mà bạn Trần Ngọc Dũng ở 142/17 Điện Biên Phủ, Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng dùng để đặt tên cho bức thư gửi đến Thanh Niên Online trong tuần qua, nhằm phản ánh và cảnh báo về hiện tượng lợi dụng tình trạng khan hiếm hàng hóa trước thiên tai để tăng giá, gây thêm khó khăn cho đời sống người dân vùng thiên tai tại Đà Nẵng.

Thư bạn viết: "Sau cơn bão Xangsane, miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng, đã mất mát quá nhiều, cả con người và tài sản. Trong khi chính quyền các cấp và người dân cả nước đã và vẫn đang ra sức chỉ đạo, đóng góp nhằm san sẻ bớt phần khó khăn cho người dân nơi đây thì thì ngay trước cơn bão Cimaron, trên địa bàn Đà Nẵng đã có một số cá nhân, tổ chức kinh tế lợi dụng tình trạng khan hiếm hàng hóa để tăng giá, gây thêm khó khăn cho những con người vốn đã chịu nhiều thiệt thòi. Một ví dụ cụ thể là mặt hàng bao đựng cát. Trước nguy cơ cơn bão Cimaron, gia đình nào cũng lo mua bao chứa cát để chèn chống nhà cửa. Bình thường chỉ 300 - 500 đ/cái, nhưng có nơi đã bán tới 1.500 - 2.000 đồng/cái. Các mặt hàng khác như đồ hộp, mì tôm, hàng đông lạnh v.v... cũng tương tự. Sau khi cơn bão Xangsane đi qua, đã có biết bao tấm lòng quên mình vì mọi người, họ đã đóng góp tiền của, kể cả hy sinh tính mạng (trên chuyến xe của đòan cứu trợ P.13, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hướng về miền Trung thì những hành động kiểu như lợi dụng tình trạng khan hiếm để ghim hàng, tăng giá thật mất không thể chấp nhận. Nguy cơ bão Cimaron đã qua, tuy nhiên chúng tôi mong các cơ quan chức năng xem đây là một kinh nghiệm tổ chức nhằm có kế hoạch đối phó, giám sát và kiểm soát tình trạng lợi dụng kể trên trong những lần sau, vì do vị trí địa lý, miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng sẽ còn phải đối mặt với không chỉ một mà rất nhiều cơn bão khác nữa. Và cũng mong những người buôn bán đừng vì những cái lợi trước mắt, những lợi ích nhỏ nhoi mà đánh mất truyền thống “Người trong một nước phải thương nhau cùng” của người Việt".

Bạn Bùi Mạnh Phúc  ở 18 đường Hồng Hà, TP.HCM có thư bày tỏ một cách nhìn nhận khác về hiện tượng vô cảm trong xã hội hiện nay: "Bài viết đã nói lên một thực trạng đáng buồn xảy ra khá nhiều hiện nay. Tuy nhiên nhiều khi cũng không hẳn người ta vô cảm hoàn toàn mà là người ta sợ phiền phức đến mình đó, kiểu như làm phúc phải tội. Bản thân tôi đã một lần bị như vậy. Lần đó, tôi đang đỗ xe chờ đèn đỏ ở gần Cầu Giấy (Hà Nội) thì một cô gái không hiểu sao bị ngã sau xe tôi, có lẽ bị cảm, máu chảy ở đầu bê bết. Tôi vội đưa xe gửi ở quán nước bên đường và đưa cô gái đó đi bệnh viện. Sau đó tôi báo cho người nhà cô gái và quay về chỗ cũ lấy xe. Nhưng đến nơi tôi được mọi người ở đây cho biết 2 chiếc xe cảnh sát đã mang xe của tôi đi. Tôi lên phòng cảnh sát lấy xe thì họ không trả với lý do là phải xác minh xem tôi có gây ra tai nạn không. Mặc dù những người ở đó làm chứng cho tôi là chỉ giúp đỡ chứ không gây ra tai nạn, rồi bản thân cô gái đó khi tỉnh lại cũng nói không phải tôi là người gây ra tai nạn, nhưng cũng phải 1 tuần sau tôi mới lấy được xe ra, mà phải nhờ vả người quen, còn mất 500 nghìn đồng nữa. Tôi nghĩ, bản chất con người đều hướng thiện và nhân ái. Đôi khi chính cơ chế giải quyết sự vụ là lý do khiến người ta "ngại va chạm" với xung quanh, thành ra vô cảm. Xin gửi ý kiến này đến những người làm công tác quản lý".

TNO cảm ơn sự quan tâm và tín nhiệm của bạn đọc. Mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.