Dự thảo Luật Lưu trữ: Giải mật trong 30 hay 60 năm?

19/11/2010 16:08 GMT+7

(TNO) Sáng nay 19.11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Lưu trữ, được xây dựng trên cơ sở Pháp lệnh lưu trữ ban hành năm 2001.

Từ ngữ trong luật cần rõ ràng 

Phàn nàn về việc dự thảo Luật Lưu trữ sử dụng nhiều thuật ngữ quá chuyên sâu, khó hiểu, dễ bị hiểu nhầm, ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) cho rằng, rất nhiều cụm từ cần phải được nghiên cứu và giải thích làm sao cho rõ nghĩa, dễ hiểu như: lưu trữ cơ quan, lưu trữ lịch sử…


ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) - Ảnh: Ngọc Thắng

Theo ĐB Dung, một số luật dù đã bấm nút thông qua nhưng vẫn còn đại biểu băn khoăn về việc nhiều thuật ngữ đã được ĐBQH phân tích nhưng chưa được tiếp thu, chỉnh sửa đầy đủ.

Đây là vấn đề liên quan đến việc “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, phải được đặc biệt chú trọng trong các luật do QH ban hành, làm sao cho luật dễ hiểu, dễ thực hiện thông qua việc giải thích từ ngữ”.

Giải mật trong bao lâu?

Theo các ĐB Huỳnh Thị Hoài Thu (Đồng Tháp), Lê Quang Huy (Bạc Liêu), Ngô Đức Mạnh (Bình Phước), Pháp lệnh Lưu trữ quốc gia năm 2001 chưa quy định thời hạn được phép tiếp cận tài liệu lưu trữ hạn chế sử dụng, gây khó khăn cho việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của các tổ chức và công dân, là rào cản trong việc phát huy giá trị tài liệu. Khắc phục điều này, dự thảo Luật Lưu trữ quy định tài liệu lưu trữ thuộc danh mục bí mật nhà nước được tự động giải mật sau 40 - 60 năm.

Tuy nhiên, theo ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam), cơ sở đề ra thời hạn như vậy chưa thuyết phục, vì có tình trạng nhiều tài liệu lưu trữ có nội dung mật nhưng không được đóng dấu mật, ngược lại có tài liệu lưu trữ nội dung không còn mật nhưng không có cơ chế giải mật.

Vì vậy, nên rút ngắn thời gian giải mật cho phù hợp với thông lệ, luật pháp quốc tế, trường hợp đặc biệt sẽ giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền kéo dài thời gian bảo mật.

Không đồng tình với quan điểm này, ĐB Đỗ Minh Hảo (Đắk Lắk) cho rằng, trong điều kiện đặc thù của nước ta, đối với nhiều tài liệu nhạy cảm, 30 năm đã giải mật là quá sớm và nguy hiểm.


ĐB Đỗ Minh Hảo (Đắk Lắk) cho rằng 30 năm đã giải mật là quá sớm - Ảnh: Ngọc Thắng

* Chiều nay, các ĐBQH thảo luận về dự thảo Luật Kiểm toán độc lập. Thống nhất quan điểm cho rằng việc ban hành Luật Kiểm toán độc lập là cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhưng nhiều ĐB vẫn bày tỏ sự băn khoăn về một số điều, khoản nêu trong dự luật.

Kiểm toán: Giá trị pháp lý ở đâu?

Phân tích về khả năng kết quả báo cáo kiểm toán của cơ quan kiểm toán độc lập có thể không được cơ quan tài chính công nhận về mặt giá trị pháp lý, ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) cho rằng cần quy định giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán để làm cơ sở cho việc xử lý các vi phạm pháp luật. Doanh nghiệp kiểm toán phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, khách quan của báo cáo kiểm toán. 

ĐB Nguyễn Trung Nhân (Cần Thơ) cũng chia sẻ quan điểm này khi chỉ ra dự luật chỉ quy định “cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền và cá nhân khác khi sử dụng báo cáo kiểm toán phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định sử dụng báo cáo kiểm toán của mình” là chưa hợp lý.

Quy định như trên là nhằm né tránh trách nhiệm của doanh nghiệp kiểm toán.

Bởi khi báo cáo kiểm toán tài chính của một công ty cổ phần đại chúng được công bố công khai, các nhà đầu tư có thể sử dụng báo cáo kiểm toán này để quyết định mua cổ phiếu của công ty đó. Song, nếu báo cáo kiểm toán có những số liệu sai sự thật và gây hậu quả cho nhà đầu tư, ai chịu trách nhiệm trước pháp luật?

Ở khía cạnh khác, ĐB Ngô Minh Hồng (TP.HCM) đề nghị cần có quy định chi tiết về quản lý nhà nước đối với kiểm toán độc lập, trong đó quy định rõ nội dung quản lý nhà nước về kiểm toán độc lập, trách nhiệm của Bộ Tài chính, các Bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán. 

Theo ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình), bên cạnh việc quy định kiểm toán viên hành nghề dưới hình thức doanh nghiệp, cần tính đến khả năng cho phép kiểm toán viên hành nghề với tư cách cá nhân trong tương lai nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của nền kinh tế và để phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đồng thời, nên cân nhắc đến lợi ích của cả nền kinh tế. Thực tế hiện nay, nước ta đang rất thiếu nguồn nhân lực cung cấp dịch vụ kiểm toán với chi phí thấp, vì thuê doanh nghiệp thường phải trả phí dịch vụ cao hơn nhiều so với thuê cá nhân, nên có các quy định khuyến khích việc thuê dịch vụ kiểm toán, tạo điều kiện minh bạch và lành mạnh hoá tài chính doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.

Thành Lương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.