Dịch cúm gia cầm năm nay xảy ra trên diện rộng hơn so với cùng kỳ 2004

07/11/2005 23:56 GMT+7

* Chính thức xác nhận nam bệnh nhân ở Hà Nội tử vong do nhiễm vi-rút H5N1 Chiều 7/11, dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp với lãnh đạo các cơ quan báo chí nhằm quán triệt triển khai kế hoạch hành động khẩn cấp phòng chống dịch cúm gia cầm và cúm A H5N1 ở người.

 

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Nông lương thế giới, khả năng xảy ra đại dịch cúm trên toàn cầu là rất lớn, và Việt Nam là một trong những nơi có nhiều nguy cơ. Thực tế, trong hai tuần qua đã phát hiện ổ dịch cúm gia cầm tại 4 tỉnh Bắc Giang, Quảng Nam, Thanh Hóa, Hà Nội; cúm gia cầm đã xuất hiện trở lại trên người. So với cùng kỳ 2004, năm nay dịch cúm gia cầm xảy ra trên diện rộng hơn ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ đảm bảo tối đa nguồn lực trong nước cũng như hợp tác chặt chẽ với quốc tế ngăn chặn xảy ra đại dịch. Nếu dịch lớn xảy ra cũng sẽ làm hết sức để kiểm soát nhằm giảm thấp nhất thiệt hại cho nhân dân, đặc biệt về sức khỏe, tính mạng. Phó thủ tướng yêu cầu "Công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt trong việc nâng cao nhận thức cho người dân. Chính phủ đánh giá cao vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức. Khuyến khích các cơ quan báo chí  thông tin kịp thời, chính xác các vấn đề liên quan đến phòng chống dịch cúm, tham gia kiểm tra và phản ánh kịp thời những địa phương làm tốt cũng như chưa tốt công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, đặc biệt là các thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM - hiện vẫn chưa kiểm soát được gia cầm vào nội thành, còn tình trạng vận chuyển bày bán gia cầm chưa rõ nguồn gốc.

 

Theo Bộ  Nông nghiệp  và Phát triển nông thôn, kể  từ ngày 7.11 tất cả các hộ chăn nuôi phải nuôi nhốt gia cầm ở nơi cố định, nhốt riêng từng loại gia súc, nghiêm cấm nuôi gà thả rông, vịt chạy đồng; khuyến khích giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, nhất là các loài thủy cầm, đặc biệt là ngan (vì chưa có vắc-xin phòng bệnh cúm). Thực hiện cấm nuôi gia cầm trong nội thành, nội thị; xử lý nghiêm khắc các cơ sở ấp nở thủy cầm, chim cút và chăn nuôi trái quy định. Nghiêm cấm việc vận chuyển gia cầm sống và các sản phẩm gia cầm chưa qua chế biến, xử lý trên các phương tiện công cộng. Trứng thủy cầm trước khi bán phải ngâm Chloramine B hoặc xông Fomaline có sự giám sát của thú y. Các xã giáp ranh giữa các tỉnh thiết lập các điểm kiểm soát việc vận chuyển gia cầm  24/24 giờ. Đặc biệt,  các địa phương  không được giấu dịch hoặc báo cáo sai về tình hình dịch bệnh. Cấm vận chuyển, buôn bán chim cảnh, chim  hoang dã vào nội thành, nội thị. Sắp tới sẽ  thực hiện quy hoạch chợ buôn bán gia cầm sống, không buôn bán gia cầm sống trong nội thành, nội thị.

 

Ngày 7.11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản trình  Thủ tướng phê duyệt chế độ phụ cấp đặc thù cho cán bộ ngành thú y tham gia phòng chống dịch cúm gia cầm, theo đó  mức phụ cấp  chống dịch  sẽ được hưởng 60.000đ/ngày/người đối với trường  hợp trực tiếp tham gia dập các ổ dịch. Người trực chống dịch 24/24 giờ tại các chốt kiểm dịch được hưởng 50.000đ/người/phiên trực. Người lấy mẫu bệnh phẩm được phụ cấp 3.000đ/mẫu bệnh phẩm.

 

Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn đã chính chức xác nhận: trường hợp bệnh nhân nam 35 tuổi, cư ngụ tại Q.Đống Đa (Hà Nội) tử vong hôm 29.10 là do vi-rút cúm H5N1. Bệnh nhân này đã ăn thịt gà mua ở chợ Vân Hồ, sau đó mắc bệnh hôm 26.10. Ông Huấn nhấn mạnh: người dân tuyệt đối không được ăn thịt và các sản phẩm  từ  gia cầm chết, gia cầm bệnh hoặc không rõ nguồn gốc, không được kiểm dịch.

 

* Lúc 12 giờ ngày 7.11, cán bộ Trạm thú y huyện Thăng Bình (Quảng Nam) đã tiến hành tiêu hủy đàn vịt hơn 1.000 con khoảng 1-2 tháng tuổi của ông Nguyễn Văn Năm ở thôn Đông Tác, xã Bình Nam (huyện Thăng Bình) do nghi số vịt này bị nhiễm cúm gia cầm. Quyết định tiêu hủy được thực hiện sau khi gần 300 con vịt (trong đàn) đã chết. Cơ quan thú y đã lấy mẫu bệnh gửi vào TP.HCM để xét nghiệm tìm nguyên nhân.

 

Trước đó, tại các xã Bình Đào, Bình Quế (H.Thăng Bình), cơ quan chức năng cũng đã phát hiện khoảng 150 con vịt và 100 con gà đã chết trong các đàn gia cầm nuôi gồm hơn 550 con. Đáng lo ngại là hàng chục xác vịt chết bị vứt trôi ven sông Trường Giang rất dễ làm dịch lây lan trên diện rộng.

 

* Ngày 7.11, ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre  đã ký quyết định về việc "nghiêm cấm nuôi, xuất nhập, vận chuyển, chế biến kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm, chim cảnh" trên địa bàn tỉnh.

 

Theo đó, nghiêm cấm mọi hình thức chăn nuôi gia cầm, chim cảnh (gà, vịt, ngan, ngỗng, bồ câu, chim yến, chim sáo...) trong khu dân cư, thị xã, thị trấn, thị tứ kể từ ngày 15.11; nghiêm cấm tất cả các hoạt động vận chuyển, xuất nhập, chế biến, kinh doanh gia cầm, chim cảnh, sản phẩm gia cầm dưới bất kỳ hình thức nào kể từ ngày 30.11.

 

* Chiều 7.11, Bộ Y tế đã có buổi làm việc về các vấn đề liên quan đến việc sản xuất nhượng quyền Tamiflu tại Việt Nam với đại diện hãng Roche (Thụy Sĩ), công ty duy nhất đang giữ bản quyền sản xuất thuốc Tamiflu. Đại diện Bộ Y tế đã thông báo nguy cơ trở lại của dịch cúm gia cầm và chính thức đặt mua 25 triệu liều Tamiflu giúp cho điều trị cúm H5N1 trên người. Theo ông Cao Minh Quang, Cục trưởng Cục Quản lý dược Việt Nam, đại diện của Công ty Roche bày tỏ sự hợp tác với đề nghị của Bộ Y tế, tuy nhiên chưa có trả lời chính thức vì cần có thêm sự trao đổi với hãng Roche tại Thụy Sĩ. Cuộc thương thảo được tiếp tục vào lúc 20 giờ cùng ngày. Hôm nay 8.11, hai bên sẽ có văn bản chính thức về các thỏa thuận (nếu có).

 

Theo Bộ Y tế, hiện Việt Nam có gần 600.000 viên Tamiflu dự trữ, thuốc sẽ được ưu tiên cho các vùng dịch và đảm bảo đến tận nơi trong vòng 24 giờ. Với trường hợp khẩn cấp, Việt Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Được biết WHO đã cam kết dành 30 triệu viên Tamiflu cho châu Á.

 

* Ngày 7.11, UBND TP.HCM đã tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp giết mổ gia cầm của thành phố để bàn phương án thu mua và hỗ trợ các hộ chăn nuôi. Theo đó, các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ chuyển sang vật nuôi khác được hỗ trợ vay 4 triệu đồng/hộ; các hộ kinh doanh gia cầm nhỏ lẻ được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề 300.000 đồng/hộ và vốn vay chuyển nghề là 2 triệu đồng/người. UBND thành phố cũng đã thống nhất phương án hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi gia cầm có đăng ký với cơ quan thú y với mức giá 8.000 đồng/kg; chi phí hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi là 3.000-5.000 đồng/con gia cầm, tính đến trước ngày 15.11, sau thời hạn này gia cầm sẽ bị tịch thu tiêu hủy không hỗ trợ.

 

Liên Châu - H.X.Huỳnh - M.Minh  - Thúy Anh - Quang Thuần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.