Xét tuyển nguyện vọng 2 - 3: Các trường thi nhau "phá rào"!

20/09/2006 20:15 GMT+7

Rào" thiếu thực tế Bộ GD-ĐT quy định hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 và NV3 phải nộp theo đường bưu điện phát chuyển nhanh, song ngay tại hội nghị tuyển sinh ĐH-CĐ đầu năm 2006, nhiều lãnh đạo các trường ĐH đề nghị cho thêm hình thức nộp trực tiếp tại trường.

Trước đề nghị này, một lần nữa Bộ GD-ĐT khẳng định: "Thí sinh không được nộp trực tiếp tại trường". Thực tế thế nào? Thí sinh kháo nhau đến các trường nộp trực tiếp khỏe hơn, lại còn thăm dò được tình hình lượng hồ sơ nộp vào trường để đưa ra những phán đoán phù hợp. Số trường chấp nhận "phá rào" rất đông, thí sinh đến nộp trực tiếp "thì cứ nhận cho các em yên tâm". Đây có thể xem là một kiểu rào thiếu thực tế.

Vì sao Bộ GD-ĐT không chấp nhận cho nộp trực tiếp? Nhiều lần các chuyên viên của Bộ trả lời: để đảm bảo công bằng trong xét tuyển, không để tình trạng những thí sinh nộp trước sẽ được ưu tiên hơn nộp sau. Vậy tại sao Bộ GD-ĐT không kiểm tra kịp thời việc các trường tự ý thông báo điểm chuẩn NV2 (hoặc có trường còn cấp giấy báo trúng tuyển NV2) trước thời hạn cuối cùng. Thậm chí có trường dân lập phía Bắc còn mạnh dạn "sáng kiến", sau khi công bố điểm chuẩn NV2 rồi còn tuyên bố sẽ ưu tiên gọi thêm các thí sinh có điểm thấp hơn chuẩn 1,5 điểm nếu hồ sơ nộp trước ngày hết hạn 10 hôm!

Chấm phúc khảo quá chậm

Lịch công tác tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2006 của Bộ GD-ĐT được đăng trên trang 14 cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ 2006 cũng ghi rõ: các trường ĐH tổ chức thi hoàn thành chấm thi, công bố điểm thi của thí sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng trước 10.8.2006. Như vậy, chỉ cần một phép tính cộng đơn giản, ai cũng biết rằng thí sinh xin chấm phúc khảo sẽ được các trường trả lời trước ngày 10.9 vì hầu hết các trường công bố điểm thi trước 10.8. Thực tế thế nào? Theo nhiều thí sinh phản ánh với chúng tôi trong những ngày qua thì vẫn có một số trường chưa chịu công bố vì đủ lý do: chưa chấm xong, trường công bố sau 10.8 nên sẽ trả lời sau 10.9... Nhiều phụ huynh bức xúc "họ nói rất ngang, cứ để thí sinh phải nhịn nhục mãi sao?". Họ "nhịn" vì lý do tế nhị khi bài của con em mình chưa được chấm xong, nhưng Bộ GD-ĐT cũng làm ngơ trước những sai phạm như thế này.

"Lách" quy chế là một trong những "nhiệm vụ trọng tâm" mà một số ít trường ĐH dân lập thường ưu tiên thực hiện áp dụng để tuyển được SV vào học. Năm ngoái, có trường đang hoạt động ngay trung tâm một thành phố lớn như TP.HCM lại cố tình vận dụng Điều 33 Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ dành cho vùng thiểu số và "đào tạo nhân lực cho địa phương". Năm nay, dù Bộ GD-ĐT đã khẳng định chỉ xét tuyển các loại NV đối với những thí sinh có tổng điểm 3 môn thi từ điểm sàn trở lên, có trường cũng nghĩ ra được cách "lách" bằng cách nhân đôi điểm môn ngoại ngữ. Chú trọng ngoại ngữ là không sai, nhưng chú trọng một môn mà quên "tổng thể" 3 môn là không đúng quy định. Còn nhiều chuyện "lách" khác của các trường mà đôi khi hậu quả rơi ngay vào thí sinh như của Học viện Quan hệ quốc tế khiến 32 em từ đậu thành rớt.

Bộ sẽ chấn chỉnh gì, biện pháp nào để những sai phạm, được ghi thành văn bản rõ ràng vẫn cứ bị coi thường? Hay cách tốt nhất là Bộ nên thay đổi, để các trường được chủ động trong tuyển sinh và tự chịu trách nhiệm trước Bộ và xã hội. Nhưng một khi sai thì phải xử lý nghiêm chứ không thể dung túng như cách làm hiện nay.

N.Q

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.