Bí mật chiến dịch Linebacker II

14/12/2007 00:42 GMT+7

Tháng 12.1972, Hiệp định Paris đã không được ký kết như dự định giữa ta và Mỹ. Chiến dịch Linebacker đã được người Mỹ coi như giải pháp quân sự khả thi nhất để ép Việt Nam quay trở lại bàn đàm phán.

* Kỳ 2: Đêm trước của lịch sử

Ngày 12.10.1972, đồng chí Lê Đức Thọ và cố vấn H.Kissinger đã thống nhất được bản dự thảo Hiệp định Paris gồm 9 chương với những nội dung cơ bản là các bên tham chiến ngừng bắn tại chỗ, quân đội Mỹ và đồng minh rút về nước, tiến hành trao trả tù binh trong vòng 60 ngày và khẳng định Việt Nam là một quốc gia đang trong tình trạng bị chia cắt tạm thời. Theo đó, chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu được tồn tại trong một giải pháp hòa bình. Ngày 8.10, hai bên đã thống nhất là sẽ ký tắt Hiệp định ngày 22.10. Từ Washington D.C, Tổng thống Nixon tuyên bố thêm để khẳng định rằng: "Hiệp định hiện nay được coi như đã hoàn chỉnh. Có thể tin rằng chúng tôi sẽ ký hiệp định vào ngày 31.10". Mỹ và Việt Nam còn thống nhất kế hoạch cố vấn Kissinger sẽ đến Hà Nội để hoàn tất những thủ tục cuối cùng cho việc ký kết Hiệp định Paris trong tuần tiếp theo.

Tuy nhiên, Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã kịch liệt phản đối bản dự thảo trên của hiệp định. Ngày 23.10, Thiệu tuyên bố rằng bản dự thảo trên là sự "bán đứng" quyền lợi VNCH của Mỹ nhằm đưa được tù binh Mỹ về nước và yêu cầu quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải rút về miền Bắc, thiết lập vùng phi quân sự làm biên giới giữa hai miền. Thiệu còn tuyên bố trên đài phát thanh rằng: "Bắc Việt Nam là Bắc Việt Nam, Nam Việt Nam là Nam Việt Nam. Mọi người phải chấp nhận thực tế là tồn tại hai nước Việt Nam, không bên nào được xâm lược bên nào". Nhận được tin về phản ứng của Thiệu, Kissinger đã đến Sài Gòn chuyển lá thư đề ngày 16.10.1972 của Nixon cho Thiệu với nội dung thông báo tình hình Hiệp định Paris và ngầm dọa thêm rằng: "Trong bối cảnh này, tôi khuyên ngài hãy tìm mọi cách không để phát sinh bầu không khí có thể dẫn đến những sự kiện như năm 1963" (năm xảy ra cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm). Tuy nhiên, Thiệu vẫn ngoan cố: "Chúng tôi đã thông báo với ngài rằng chúng tôi không thay đổi lập trường của chúng tôi đối với vấn đề rút quân". Ngày 18.10, thông điệp tiếp theo mà Nixon chuyển tiếp đến cho Thiệu với những lời lẽ gay gắt hơn nhưng cũng không có tác động nào đáng kể. Đến ngày 23.11, Tổng thống R.Nixon đã chuyển đến bức thư cuối cùng tỏ rõ thái độ của Washington với chính quyền Sài Gòn về Hiệp định Paris: "Bất kỳ một sự trì hoãn nào từ phía các ngài chỉ có thể giải thích như là một mưu toan ngăn chặn hiệp định. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến những nỗ lực hậu thuẫn tiếp theo của chúng tôi đối với ngài và chính phủ VNCH".

Ngày 25.10, nhận thấy khả năng Mỹ sẽ không ký hiệp định như đã thỏa thuận, Chính phủ ta đã cho công bố công khai nội dung tóm tắt của dự thảo mà hai bên đã thỏa thuận với mục đích yêu cầu Mỹ giữ cam kết, không vì sự phản đối của Thiệu mà đi ngược lại những điều hai bên đã thống nhất. Ngày 26.10, sau khi ta công bố dự thảo hiệp định, Kissinger đã tổ chức một cuộc họp báo tại Washington DC tuyên bố rằng: "Thứ nhất, chúng ta khẳng định với Hà Nội rằng chúng ta sẽ giữ nguyên những điều khoản của bản hiệp định ban đầu, đồng thời bỏ ngỏ khả năng đề nghị thay đổi của Sài Gòn. Thứ hai, chúng ta muốn chuyển đến Sài Gòn thông điệp rằng chúng ta đã quyết định sẽ thực hiện đúng lộ trình ký kết hiệp định". Trong buổi họp báo lịch sử này, Kissinger còn tuyên bố một câu nổi tiếng: "Hòa bình đã nằm trong tầm tay". Chính tuyên bố này của Kisinger đã góp phần đưa đến nhiệm kỳ tổng thống lần 2 cho Tổng thống R.Nixon trước ứng cử viên ngang ngửa của đảng Dân chủ G.Mc Govern trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11.1972.

Ngày 3.12, ngay khi đoàn ta lên đường đến Paris để tiếp tục vòng đàm phán, nhân dân thủ đô Hà Nội đã được lệnh sơ tán. Ta đã có những dự báo chính xác về thái độ của Mỹ trong những ngày đàm phán sắp tới và khả năng của một cuộc không kích ác liệt khó có thể tránh khỏi tới đây. Trước đó, trong tháng 11.1972, Bộ Chính trị cũng đã ra nghị quyết khẳng định rằng Nixon sẽ tăng cường các hoạt động quân sự sau khi tái đắc cử tổng thống vì khi đó Nixon không còn chịu những ràng buộc về chính trị như trong thời kỳ vận động bầu cử trước đây.

Ngày 7.11.1972, ngay sau khi Tổng thống R.Nixon đắc cử lần 2, Hiệp định Paris vẫn không được ký kết như tuyên bố ngày 26.10 của Kissinger. Công chúng Mỹ đã cảm thấy bị lừa ngay sau khi cuộc bầu cử tổng thống vừa kết thúc, Thượng viện Mỹ đã tính đến dự định cắt giảm ngân sách chiến tranh trong phiên họp tháng 1.1973 sau khi tù binh Mỹ được trao trả. Trong khi đó, từ Paris Kissinger điện về cho Nixon với 2 phương án để giải quyết bế tắc hiện nay: Phương án thứ nhất, Mỹ có thể đưa ra những yêu cầu tối thiểu với Hà Nội, những yêu cầu này có thể ít hơn so với đòi hỏi của Thiệu. Do vậy, Mỹ có thể mạo hiểm cắt đứt quan hệ với Thiệu nếu Hà Nội chấp nhận. Phương án thứ hai, tìm cách kích động để Hà Nội bỏ cuộc đàm phán bằng cách đưa ra những yêu cầu mà họ không bao giờ chịu chấp nhận, tiếp đó sẽ đánh bom cho đến khi Hà Nội buộc phải trao trả tù binh để đổi lấy việc rút quân đội Mỹ khỏi Nam Việt Nam.

Ngày 13.12, đàm phán giữa ta và Mỹ bị ngưng lại khi hai bên không thỏa thuận được vấn đề khu phi quân sự và vấn kề ký kết các văn bản pháp lý của hiệp định. Về thực chất, phái đoàn Mỹ tham gia đàm phán biết rõ mười mươi rằng ta sẽ không chấp nhận những yêu sách ngang ngược của VNCH nhưng vẫn đưa ra. Đây chính là một cái cớ tốt nhất để Mỹ đổ lỗi cho phía ta thiếu thiện chí, gây ra đổ vỡ trong quá trình đàm phán hiệp định để Mỹ đưa B.52 ném bom Hà Nội. Ngày 14.12, Tổng thống Nixon triệu hồi Kissinger về nước và Kissinger đã nói với viên đại sứ VNCH tham gia cuộc đàm phán trước khi lên máy bay về Mỹ rằng: "Tôi sắp làm một bi kịch".

Sau khi nghe báo cáo trực tiếp của Kissinger, Nixon đã ra "tối hậu thư" yêu cầu ta trong 72 giờ phải quay trở lại đàm phán, ký kết Hiệp định Paris theo những điều khoản mới của Mỹ, nếu không, Mỹ sẽ ném bom hủy diệt miền Bắc. Kịch bản do Kissinger dựng lên đã được Tổng thống Nixon triển khai. Ngay sau khi gửi thông điệp này cho ta, Nixon đã chỉ thị cho Đô đốc hải quân Thomas Moorer, trưởng ban tác chiến: "Tôi không muốn bị một tai tiếng nào về chuyện ta đánh trật mục tiêu này hay mục tiêu nọ. Đây là cơ hội để ông sử dụng sức mạnh quân sự một cách hiệu quả để giành thắng lợi. Nếu thất bại, tôi sẽ xem xét trách nhiệm của ông". Người Mỹ đã quyết định mang bom B.52 đặt lên bàn đàm phán Hiệp định Paris.

* Kỳ 1: Phòng thủ và phản công

Hiếu Lê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.