Solomon trong mắt một người Việt "thẻ xanh"

01/11/2008 00:15 GMT+7

Kỳ 2: Sự tích trầu cau Đến bây giờ, anh Lê Đình Ba còn nhớ mãi tấm biển lạ tại thủ đô Honiara. Không ngờ, tấm biển ấy là cái cớ về sau để anh kể sự tích trầu cau Việt trước những người bạn Solomon.

Vừa ra khỏi sân bay, anh thấy cạnh hình điếu thuốc bị gạch với dòng chữ  “no smoking” là hình trái cau cũng bị gạch với dòng chữ “no betel nuts”. Ban đầu không thể hiểu, đến khi ra bên ngoài thấy mọi người thi nhau ăn trầu, anh ngớ ra: “Té ra vậy! Trong sân bay, họ bị cấm ăn trầu”.

Về sau, anh biết thêm, người Solomon nghiện trầu cau hơn thuốc lá. Họ ăn trầu như người phương Tây hút thuốc. Vừa ngồi vừa ăn, vừa đi vừa nhai trầu. Nước trầu tứa ra, họ nhổ toèn toẹt, nước trầu đỏ tươi! Có lần anh Ba định ăn thử nhưng sợ say, nên thôi. Bù lại, anh nhớ lắm những bà già trầu ở Đại Lộc quê anh: lá trầu nguồn, chút vôi trắng, trái cau chẻ tư làm nên câu chuyện.

Bộ “đồ nghề” ăn trầu cũng tuyệt chiêu: cái đãy dây rút, bình vôi cổ tròn, dao xép mỏng như lá lúa, đẹp nhất là cái ống xoáy trầu bằng đồng. “Thương nhau cau sáu bửa ba/ Ghét nhau cau sáu bửa ra làm mười”. Những người già vừa xoáy trầu vừa hát điệu nhân tình, hình ảnh ấy giờ đây ở Việt Nam đã hiếm, anh lại tìm thấy ở Solomon, chỉ có điều họ chẳng có câu ca nào tương tự và cũng không có cái ống xoáy dễ thương.

Trong một dịp đi xem lễ nhà thờ trên đảo Kolombangara, anh nghêu ngao ca khúc Trầu cau của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu rồi kể với người Solomon về sự tích cùng tên của Việt Nam: “Ngày xưa, hai anh em Cao Lang và Cao Tân cùng yêu một cô gái. Sau khi người anh cưới cô gái làm vợ, người em vẫn ở chung nhà. Thời gian sau, do quá phiền muộn, chàng lang thang biệt xứ. Người anh thương em, đi tìm.

Đến nơi mới biết Cao Tân đã chết, hóa thành tảng đá. Nghĩ mình có lỗi, Cao Lang đau khổ, chết theo em, hóa thành cây cau mọc kế bên. Chốn quê nhà, người vợ mỏi mòn trông đợi. Mãi không thấy hai anh em quay về, nàng khăn gói đi tìm. Đến nơi, nghe mọi người kể lại sự tình, nàng âu sầu ngồi trên tảng đá cho đến khi qua đời, hóa kiếp dây trầu, vòng ôm quấn quít thân cau. Sự tích trầu cau ra đời từ đó...”.

Nghe xong, mọi người ngạc nhiên, thích thú. Họ nhìn nhau, Solomon cũng ăn cau ăn trầu mà sao không có câu chuyện hay và cảm động như ở nước Mr Ba? Họ hỏi đi hỏi lại từng tình tiết, anh Ba mở laptop trưng ra những tấm ảnh trầu têm cánh phượng, họ xuýt xoa, trầm trồ, coi đó như một phát hiện, tương tự... nhà hàng hải Alvaro De Maindana tìm ra quần đảo Solomon!

Thế rồi, người lớn kể cho người trẻ, kể từ trong nhà ra ngoài ngõ và giờ đây sự tích trầu cau nước Việt lan truyền nhiều nơi ở quần đảo này. “Người Solomon ăn trầu rất dữ, nhất là người cứng tuổi. Gặp nhau là họ mời trầu. Đi đâu về, ai cũng có chùm trầu cau đung đưa trên tay. Họ nghiện trầu đến nỗi, không ăn lá mà ăn nguyên trái (khóm trầu) cho đã.

Ăn mọi lúc mọi nơi trừ chỗ có biển cấm. Tay họ cầm trái trầu quẹt chút vôi, cắn cái rụp như người Quảng Nam ăn ớt. Ngoài cách ăn đó, người Solomon cũng có khi ăn cau không, giống người Hàn Quốc. Còn khi ăn cả 3 thứ, có người bảo ăn theo kiểu sự tích Việt Nam”, anh Ba kể.

Trên đảo Kolombangara, hầu hết vườn nhà rất rộng. Vườn nào cũng trồng trầu để ăn để bán. Vậy mà trầu đâu có rẻ. Cứ 1 SBD/trái (SBD là đô la Solomon, 7 SBD = 1 USD), bằng giá 1 điếu thuốc. Một người mỗi ngày ăn trầu và mời bạn cùng ăn tiêu tốn ít nhất từ 15 SBD đến 20 SBD, tương đương 30.000 VNĐ đến 40.000 VNĐ.

 
Một quầy bán trầu trên đường phố Solomon - Ảnh: L.Đ.B

Ăn nhiều vậy nhưng chưa bao giờ anh Ba thấy ai bị say trầu. Có lẽ do từ nhỏ họ đã ăn trầu, “cấp độ” trầu tăng dần theo tuổi. Thậm chí học sinh cũng nhai trầu, lên trung học mới bị cấm do nhà trường sợ mất vệ sinh. Công chức nhà nước cũng ăn, nhất là những người 40 tuổi trở lên, nhưng khi đến cơ quan phải nhịn, ra đường hoặc về nhà mới được nhâm nhi. Mỗi chiều hoặc ngày nghỉ, họ tập trung về công viên ven biển Honiara để hóng mát, ăn trầu cho thỏa, anh Ba gọi đó là “Công viên ăn trầu”.

Không coi ăn trầu như một cái đạo ở Nhật. Không dùng trầu cau trong lễ hỏi, lễ cưới như ở Việt Nam. Nhưng, trầu cau nằm trong máu người Solomon, tương tự nicotine thẩm thấu trong cơ thể những người nghiện thuốc lá. Hôm 7.7 vừa rồi, lên thủ đô Honiara dự lễ độc lập Solomon, anh Lê Đình Ba đã cùng ông bạn Daniel Kwon đến thăm nhà một nghị viên sở tại. Đang trò chuyện, ông nghị đưa tay ra dấu, liền có người mang trầu cau tới.

“Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Thành ngữ này đã mai một ở Việt Nam nhưng rất thịnh hành tại Solomon.

Để bay từ Việt Nam đến Solomon có hai đường:

1/ Tân Sơn Nhất - Singapore 90 phút. Bay tiếp đến Port Moresby thuộc Papua New Guinea hết 360 phút, sau đó làm visa tại chỗ, bay thêm 90 phút là đến thủ đô Horiana của Solomon. Tổng cộng 9 giờ bay, chưa kể transit. Theo anh Ba, đây là đường bay độc quyền của Air Niugini, 2 chuyến/tuần.

2/ Tân Sơn Nhất (Việt Nam) - Singapore - Brisbane (Úc) - Horiana (Solomon). Tuyến này dài hơi hơn, lại phải xin visa đến Solomon. Giá vé khứ hồi khoảng 2.400 USD.

Đặng Ngọc Khoa (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.