Tàu Atlantis tiếp cận kính Hubble

14/05/2009 16:07 GMT+7

(TNO) Rạng sáng nay 14.5, tàu con thoi Atlantis mang theo phi hành đoàn bảy người đã đến tiếp cận được kính viễn vọng không gian Hubble trên quỹ đạo cách trái đất khoảng 560km, phía trên khu vực của nước Úc.

 
Cánh tay robot từ tàu Atlantis đã túm được kính Hubble - Ảnh: Reuters

Hãng tin AFP cho biết vào lúc 0 giờ 14 phút rạng sáng nay 14.5 (giờ VN), nữ phi hành gia Megan McArthur đã dùng cánh tay robot để túm lấy kính viễn vọng có chiều dài 13,2m này để đưa vào khoang chứa của tàu, sau khi chỉ huy trưởng Scott Altman điều khiển tàu áp sát kính Hubble với khoảng cách khoảng 10m. Kính Hubble sẽ ở trong khoang chứa của tàu Atlantis trong 6 ngày.

Theo thông tin từ Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) thì hai phi hành gia John Grunsfeld (50 tuổi) và Drew Feustel (43 tuổi) sẽ bắt đầu sứ mệnh bảo trì và sửa chữa kính viễn vọng 19 tuổi Hubble vào 19 giờ 16 phút chiều nay 14.5 (giờ VN) bằng chuyến đi bộ ngoài không gian đầu tiên, trong tổng số dự kiến là 5 chuyến.

Kính viễn vọng không gian Hubble (Hubble Space Telescope) mang tên của nhà thiên văn học Mỹ Edwin Powell Hubble (1889 - 1953) được phóng lên không gian năm 1990, có quỹ đạo cách Trái đất khoảng 610km và là kính viễn vọng phản xạ được trang bị hệ thống máy tính và một gương thu ánh sáng có đường kính 240cm. Trong những năm gần đây, Hubble thường xuyên gặp sự cố và đòi hỏi phải được thay thế các thiết bị mới.

Nhiệm vụ chính trong chuyến đi bộ ngoài không gian đầu tiên kéo dài từ 6 đến 7 tiếng đồng hồ này là việc hai phi hành gia sẽ thay thế Máy chụp hình hành tinh trường rộng 2 (Wide Field Planetary Camera-2) gần 16 tuổi bằng Máy chụp hình trường rộng 3, qua đó giúp kính Hubble có thể "nhìn" sâu hơn vào vũ trụ lên đến gấp 90 lần so với trước đó.

Ngoài ra hai phi hành gia còn có nhiệm vụ thay thế một máy tính bị lỗi của kính.

Được biết chi phí cho sứ mệnh cuối cùng đến sửa chữa và nâng cấp kính Hubble lần này trị giá đến 1 tỉ USD. Và đây là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn cho phi hành đoàn do quỹ đạo bay của kính cao hơn nhiều so với quỹ đạo bay của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS - ở độ cao khoảng 350km), nơi có vô vàn "rác thải vũ trụ" là các vệ tinh "chết".

Mối lo ngại trên càng tăng thêm nhiều khi NASA cho biết, sau khi tàu Atlantis được phóng lên không gian từ bệ phóng 39A của Trung tâm Vũ trụ Kennedy, bang Florida (Mỹ) vào lúc 14 giờ 1 phút ngày 11.5 (giờ địa phương, tức 1 giờ 1 phút rạng sáng 12.5 giờ VN); đã có một vết trầy dài tổng cộng 53cm trên lớp cách nhiệt của tàu do việc va chạm với một vật thể.

Hiện các phi hành gia tàu Atlantis và NASA đang theo dõi sát sao sự cố này để sớm khắc phục, nhằm tránh lặp lại vụ tai nạn của tàu con thoi Columbia hồi năm 2003. Khi đó, một lớp cách nhiệt trên thân tàu bị vỡ trong lúc cất cánh, khiến tàu Colombia cháy tan khi đang trên đường trở về khiến phi hành đoàn 7 người tử vong.

 


Kính viễn vọng Hubble 19 tuổi sẽ được nâng sức mạnh quan sát trong vũ trụ lên gấp 90 lần sau sứ mệnh sửa chữa này - Ảnh: Reuters


Vết trầy trên lớp cách nhiệt của tàu Atlantis


Ảnh chụp ở giây thứ 106 sau khi tàu Atlantis được phóng, một vật thể (trong vòng đỏ) đã va vào tàu khiến thân tàu bị các vết trầy - Ảnh: Reuters

Tiến Dũng

>> Bắt đầu sứ mệnh sửa chữa kính viễn vọng Hubble
>> Viễn vọng kính châu u vào vũ trụ
>> Viễn vọng kính Hubble 19 tuổi
>> Ngày 11.5: Bắt đầu sứ mệnh sửa chữa kính Hubble
>> Ấn định ngày sửa chữa kính viễn vọng Hubble
>> NASA dời ngày phóng tàu Atlantis
>> Chuẩn bị sửa chữa kính viễn vọng Hubble  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.