Trượt dài vì mặc cảm

11/07/2009 15:13 GMT+7

“Xin mọi người hãy tin tưởng, khoan hồng, mở rộng vòng tay để bị cáo còn có niềm tin và nghị lực cải tạo thành người tốt”.

Đó là lời nói sau cùng cũng là nỗi niềm rất thật của các bị cáoSáng 10-7, TAND quận 10 - TPHCM đưa ra xét xử lưu động tại Trường Tiểu học Nhật Tảo (quận 10) 3 vụ án hình sự với các tội danh “cướp giật tài sản” (bị cáo Phạm Văn Tuyên - SN 1987, Ngô Thanh Bằng - SN 1984), “trộm cắp tài sản” (Nguyễn Văn Dự - SN 1986) và “tàng trữ trái phép chất ma túy” (Tăng Mỹ Hoa - SN 1982, Trần Bá Lâm - SN 1978). Tuy các vụ án không liên quan với nhau, hành vi phạm tội của các bị cáo cũng khác nhau nhưng ở họ có một điểm chung: Nhiều lần tái phạm vì mặc cảm tù tội, nghiện ngập, không thể hòa nhập cộng đồng.

Mới ra tù, lại phạm ngay tội cũ

Cha mất, mẹ có gia đình khác, Bằng sống nhờ nhà chú bác nên việc học hành cũng chỉ nửa chừng (lớp 8/12). 17 tuổi, Bằng theo bạn bè đi cướp giật điện thoại di động, bị TAND TPHCM xử phạt 2 năm tù. Ngày 15-5-2004, Bằng được tha tù. Không nghề nghiệp, bị gia đình coi như đứa con hư nên Bằng mang nặng mặc cảm tội lỗi. Bỏ nhà đi ở trọ mà chẳng làm gì ra tiền, gần 4 tháng sau (ngày 9-9-2004), Bằng lại bị bắt cũng về tội cướp  giật tài sản (điện thoại di động). Lần này, do tái phạm nguy hiểm, Bằng bị TAND TPHCM xử phạt 4 năm tù. Ngày 10-12-2007, Bằng được tha tù. 

Hai lần ở tù với khoảng thời gian 5 năm 3 tháng cũng làm cho Bằng ngán ngại con đường cũ nên quyết tâm làm lại cuộc đời. Tuy nhiên, học vấn thấp, lại thêm bản lý lịch “đen”, có được một việc làm đàng hoàng, ổn định đối với Bằng quả thật không dễ dàng. Bằng đi làm thuê nhiều nơi nhưng nhận ra một điều, người ta không dễ dàng tin vào sự hoàn lương  của một người từng vào tù ra khám với tội danh nguy hiểm. Hơn nữa, đồng lương họ trả cũng không xứng với công lao động của Bằng. Vậy là chán nản, mặc cảm. Ngày 9-10-2008, Bằng gặp Tuyên đang ngồi uống cà phê trong quán. Nghe Tuyên than hết tiền và rủ đi cướp giật, Bằng gật đầu vì trong túi cũng đã cạn tiền. Cả hai chạy xe trên đường Lý Thái Tổ (quận 10), phát hiện một phụ nữ đeo dây chuyền. Bằng tăng ga áp sát để Tuyên giật. Trên đường tẩu thoát, cả hai bị anh Nguyễn Văn Minh Tiến và lực lượng tuần tra phát hiện đuổi bắt.

Từ Vĩnh Phúc, Dự vào TPHCM thuê nhà trọ đi làm phụ hồ kiếm sống. Được một thời gian, chủ thầu cho nghỉ việc, Dự đi tìm việc làm nhiều nơi mà không được. Bị đuổi khỏi nhà trọ, Dự lang thang ngang một căn nhà ở quận Tân Bình, thấy cửa mở, Dự bèn vào lấy trộm xe máy nhưng khi đem bán thì bị phát hiện. Ngày 4-3-2008, TAND quận Tân Bình xử phạt Dự 1 năm 6 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Ngày 10-2-2009, Dự chấp hành xong hình phạt. Nhưng ra tù, Dự không biết phải làm sao khi không có người thân, không việc làm, không tiền, không nơi chốn đi về. “Đói ăn vụng, túng làm càn”, khoảng 1 giờ ngày 18-2-2009, chỉ 8 ngày sau khi ra tù, Dự đang ngủ trước hiên một căn nhà  trên đường 3 Tháng 2 thì trời mưa. Thức giấc tìm nơi trú mưa, Dự đi ngang một căn nhà sáng đèn.

Thấy cửa chính ra ban công mở, Dự trèo qua cổng, leo lên lan can đột nhập lầu 1. Sau khi lấy 2 điện thoại di động, một bóp da bên trong có 800 USD, 2 triệu đồng, 3 thẻ tín dụng, Dự đi xuống nhà mở cửa tẩu thoát thì bị phát hiện. 

Từ con nghiện thành tội phạm

Trong phiên tòa lưu động hôm nay, Hoa và Lâm khiến nhiều người xuýt xoa bởi vẻ ngoài đẹp đôi và khá trẻ so với tuổi, nhưng lại nghiện ngập 12-13 năm. Cha mẹ Lâm mất, ba anh em đùm bọc nhau mà sống và cả ba đều được học hành đến nơi đến chốn. Hai người anh của Lâm đều tốt nghiệp những trường đại học danh giá, riêng Lâm học xong lớp 12, thi rớt đại học nên chán nản, mặc cảm. Bị bạn bè rủ rê, Lâm hút thử rồi nghiện lúc nào không hay. Trượt dài vào con đường nghiện ngập không có tương lai, Lâm quyết định tự nguyện đi cai nghiện và gặp Hoa ở đó. Gia đình Hoa buôn bán thịt heo ở chợ, cuộc sống tạm ổn nhưng vì theo bạn bè, cô sớm nghỉ học, vướng vào con đường ma túy  khi chỉ mới 15 tuổi, từng bị địa phương xử lý giáo dục về hành vi sử dụng ma túy, sau đó đưa đi cai nghiện tại Đắk Lắk hơn 4 năm. Được trở về địa phương, họ chung sống với nhau. Nhưng chưa bao lâu, cả hai lại tái nghiện vì không vượt qua được cám dỗ của ma túy. Ngày 17-2-2009, trong lúc mua ma túy về chích, họ bị công an bắt quả tang. Vậy là ngoài việc cùng chung sống, cùng nghiện, cả hai lại cùng đứng trước vành móng ngựa.

Xin mọi người mở rộng vòng tay

Ở lời nói sau cùng, Bằng, Tuyên, Dự đều hứa không bao giờ tái phạm, đây sẽ là lần phạm tội cuối cùng và xin được tha thứ để có thể làm con người lương thiện. Cũng tha thiết như thế, Hoa và Lâm “xin mọi người hãy tin tưởng, khoan hồng, mở rộng vòng tay để bị cáo còn có niềm tin và nghị lực vượt qua cám dỗ. Mong gia đình hãy tha thứ, hợp sức, đồng lòng giúp bị cáo cải tạo thành người tốt. Mong rằng những ai từng nghiện và đã nghiện hãy từ bỏ ma túy để không phải từ nạn nhân của ma túy thành tội phạm như các bị cáo hôm nay”.

Không có gì bảo đảm đây là lần cuối cùng họ phạm tội, bởi muốn mọi người tin tưởng thật không dễ dàng, đòi hỏi họ phải thật sự nỗ lực, quyết tâm thay đổi. Nhưng với những gì đã được chứng kiến tại phiên tòa hôm nay, có thể thấy rằng vòng tay dang rộng và sự giúp đỡ chân tình, không phân biệt đối xử của gia đình và xã hội đóng vai trò hết sức quan trọng để những người từng lỗi lầm có cơ hội phục thiện, quay về tái hòa nhập cộng đồng.

Theo Tố Trâm / NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.