Những chuyện lạ ở làng - Kỳ 4: Làng chật

24/11/2009 10:12 GMT+7

Biển cả tiến sát như muốn ngoạm luôn vào ngôi làng nhỏ xíu nhưng lắm người này, và nếu không có con đê chắn giữ chắc biển đã cuốn Ngư Lộc đi rồi. >> Kỳ 1: Trai gái hai làng không lấy nhau >> Kỳ 2: Cây sấu thiêng của làng >> Kỳ 3: Làng không sợ thế mạng

Cách trung tâm thành phố Thanh Hóa chừng 30km, xã Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) được xem là xã nhỏ nhất nhưng lại có mật độ dân số vào loại cao nhất VN hiện nay: hơn 18.000 người sống trên diện tích 0,46km2.

15 người/25m2 nhà

Thử tưởng tượng chỉ một ngôi nhà trệt nhỏ với diện tích chừng 25m2 mà gia đình ông Nguyễn Văn Giai đang có tới 15 người ở. Nhà có mỗi ba cái giường: hai cái ở nhà trên, một cái ở nhà dưới nằm sát bếp, nên chuyện ngủ phải tính toán như sau: vợ chồng ông Giai và đứa con trai út 13 tuổi cứ hai người ngủ giường thì một người ngủ dưới nền nhà. Vợ chồng con trai cả ngủ trên chiếc giường còn lại của nhà trên. Còn vợ chồng con trai thứ ba ngủ ở nhà dưới.

Nhưng còn hai con trai chưa vợ nữa ngủ ở đâu? Bà Giai cười cho biết: “Chúng nó đi phần ngang (làm cho tàu đánh cá) ngoài biển, những ngày ở nhà chỉ về ăn cơm, còn buổi tối ngủ nhờ ở nhà bạn trong phường trai, hoặc ra bờ biển ngủ trên tàu”. Còn năm đứa cháu nội thì chia ra ngủ chung với người lớn.

Ngoài năm con trai đang ở trong nhà, ông bà Giai còn ba cô con gái nữa, trong đó hai đã lấy chồng, một người đi làm giúp việc. Trước nhà chỉ có một cái sân nhỏ với bể lọc nước và nhà tắm sơ sài. Thế còn nhà vệ sinh ở đâu? Tất cả đều đi ra bờ biển vào sáng sớm hay buổi chiều tối để “giải quyết”. “Cả thôn Bắc Thọ chỉ có 195/550 hộ có nhà vệ sinh” - trưởng thôn Phạm Văn Chắc nói. Vậy ban ngày muốn đi vệ sinh thì làm sao?

Bà Giai lại cười nhưng ánh mắt nhìn đi đâu đâu: “Thì vẫn đi ra chỗ biển vắng, những lúc bí quá xin nhờ nhà hàng xóm”. Người phụ nữ ngoài sáu mươi có gương mặt khắc khổ và cam chịu. Đứa con trai út 13 tuổi vừa chạy chơi đâu về, ngồi lặng thinh trước cửa bếp, nghe mẹ kể chuyện đầy vẻ thờ ơ bởi câu chuyện đó là đã quá thường tình ở đây rồi.

Nhưng tại sao cũng vùng biển ấy, cũng những người ngư dân ấy mà đất Ngư Lộc lại chật hẹp đến như vậy? Ngay như xã Minh Lộc kế bên, cũng nằm sát biển, mà vẫn có đất nông nghiệp cày cấy. Các cán bộ xã cho biết ngày xưa đất của dân Ngư Lộc cũng có nhiều, và người dân không chỉ ra biển cả mà còn vào đồng ruộng cấy cày. Nhưng rồi biển cứ lấn dần vào trong, nhà cửa phải lùi dần và cho đến bây giờ chỉ rất ít nhà trong xã may mắn được cha ông để lại cho một mảnh vườn nhỏ, còn lại đất đai được lát hết bằng gạch đá hay bêtông.

Đến bây giờ mỗi ngôi nhà ở đây chỉ có chừng 8-27m2 đất nhưng lại thường có từ 3-4 thế hệ chung sống.

Ra khơi nơi xa

Những con đường nhỏ trong làng chật hẹp, chằng chịt. Những ngôi nhà xây sơ sài với mái ngói thấp lè tè, chẳng còn một tí đất để trồng lên dù chỉ là một bóng cây xanh. Chúng tôi chưa hề thấy ở đâu mà phòng làm việc của thôn lại tấp nập người dân ra vào như ở Bắc Thọ. Thôi thì đủ các loại giấy tờ cần xác nhận hộ nghèo vay vốn, xin giấy tạm vắng, xin hỗ trợ sửa tàu thuyền... Những ấm nước trà trên bàn liên tục được châm hay thay trà mới.

Cả xã Ngư Lộc có bảy thôn và ủy ban thôn nào cũng tấp nập người như vậy. Còn ủy ban xã thì khỏi phải nói, công việc cứ gọi là chất đống. Ngồi ở phòng phó chủ tịch xã Nguyễn Văn Ngữ mới 5 phút thôi đã thấy có tới bảy người dân vào xin chữ ký. “Có khi nửa đêm chúng tôi cũng phải xác nhận giấy tờ cho người dân để mai họ vào Sài Gòn kiếm sống” - ông Ngữ nói.

Biển cả đã trở nên chật chội, cá ngày càng ít trong khi thuyền bè của Ngư Lộc công suất còn thấp, tàu mạnh nhất cũng chỉ 300 sức ngựa. Vậy nên thanh niên của xã đang vật lộn đủ cách để kiếm sống, họ cũng “ra khơi” nhưng không phải biển cả mà phiêu bạt khắp nơi để tìm kế sinh nhai. Nhà bà Hảo ở thôn Bắc Thọ có bảy người con thì một người đã tốt nghiệp đại học và đang làm việc ở TP.HCM, hai người khác đang học đại học giao thông vận tải và cao đẳng công nghiệp, một cô con gái ra Hà Nội làm người giúp việc...

Trong khi đó, ông Phạm Văn Chắc cho biết thêm ở đường Bình Giã (TP Vũng Tàu) hiện có cả một ngôi làng toàn người Ngư Lộc vào đấy kiếm sống. “Có chừng hơn trăm hộ dân Ngư Lộc ở đấy, họ làm nghề đánh cá, mổ cá, xẻ cá... tóm lại là những công việc liên quan đến nghề biển. Đầu tiên là một vài người, sau đó thấy được thì kéo anh em họ hàng, người làng cùng vào làm”.

Năm 2009, ở Ngư Lộc vừa có một sự kiện lớn: nhiều người trong xã thở phào và ăn mừng cho nhà ông T. vừa sinh đứa thứ bảy là con trai, sau khi đã có sáu cô con gái. Ông Ngữ nói: “May mà nhà anh này có điều kiện nuôi sáu cô con gái ăn học đàng hoàng, chứ trong xã có nhiều gia đình toàn con gái khổ lắm”.

Nghề đi biển từ lâu đã hình thành trong tâm trí người dân biển khát khao có con trai để nối dõi và đương đầu với sóng gió. Vì vậy trong xã rất nhiều gia đình có 5-7 cô con gái ra đời trong ước muốn có một đứa con trai của các ông bố bà mẹ, nên đất chật mà người cứ sinh sôi mãi.

Nhìn những đứa trẻ chạy chơi trong con hẻm bé tí xíu, tóc tai cháy nắng nhưng nụ cười thật tươi, chúng tôi tự hỏi không biết mai đây các em sẽ sống ở đâu khi bây giờ làng đã chật hẹp đến thế?

Vũ Thanh Bình/ Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.