Nạn giết trẻ em tế lễ ở Uganda

05/05/2010 22:35 GMT+7

Quốc gia Uganda đang đau đầu với hủ tục giết trẻ em làm vật hiến tế nhằm mưu cầu sức khỏe và sự giàu sang.

Vào tháng 1 năm nay, cô bé Caroline Aya đang chơi trước nhà thì bị một người hàng xóm nhét vải vào miệng và bắt cóc. Vài ngày sau, người ta tìm thấy thi thể bé gái 8 tuổi gần đó với lưỡi đã bị cắt. Cảnh sát tin rằng Aya đã bị giết để làm vật hy sinh trong một vụ hiến tế, vốn được tin là sẽ mang lại sức khỏe và sự sung túc, theo AP.

Thảm nạn

Nạn sử dụng con người làm vật hiến tế đang gia tăng ở châu Phi nói chung và Uganda nói riêng. Những phần thân thể, thường là mặt và bộ phận sinh dục, bị cắt bỏ để sử dụng trong các buổi lễ. Số nạn nhân trong các vụ sát hại như vậy ở nước này đã lên đến 15 trẻ em và 14 người lớn trong năm 2009, nhiều hơn 3 trường hợp so với hồi năm 2007, theo số liệu của cảnh sát Uganda.

Một báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ được công bố hồi tháng 4 cho thấy đặc biệt trẻ em là những nạn nhân thường xuyên của hủ tục ghê rợn này. Từ năm ngoái, Mỹ đã chi 500.000 USD để huấn luyện 2.000 cảnh sát Uganda tham gia điều tra và ngăn chặn nạn buôn người, bao gồm những vụ giết người tế lễ. Vấn đề tồi tệ đến mức cảnh sát Uganda phải thành lập Lực lượng đặc nhiệm chống sử dụng người làm vật tế thần. Những tấm áp-phích dán trên tường ở đồn cảnh sát mô tả một kẻ lạ mặt nham hiểm dụ 2 bé gái bước lên xe hơi, bên dưới có dòng chữ: “Hãy ngăn chặn việc sử dụng trẻ con làm vật hiến tế”.

Việc sử dụng người làm vật hiến tế từng xảy ra ở nhiều nơi trong lịch sử loài người và đến nay vẫn tồn tại ở một số nước. Sự gia tăng hành động man rợ này ở Uganda xuất phát từ mong muốn phát tài và niềm tin rằng các loại bùa chú làm từ các bộ phận của con người có thể mang lại sự giàu có. Hủ tục này có thể được cổ súy thêm bằng những bộ phim bạo lực của Nigeria đang ngày càng phổ biến ở Uganda, với cốt truyện giống nhau: một gia đình trở nên giàu có sau khi hy sinh một người làm vật tế thần. AP dẫn lời ông Moses Binoga, chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm chống sử dụng người làm vật tế thần, nói: “Người ta tin tưởng nhiều hơn vào tiền bạc, của cải và đánh mất sự tôn trọng đối với mạng người”.

Vai trò của các pháp sư

Việc hiến tế cũng có liên quan đến niềm tin mạnh mẽ vào các pháp sư, vốn gần như hiện diện trên từng km2 lãnh thổ của Uganda. Ở cuối một con đường đất ngoằn ngoèo vùng ngoại ô thủ đô Kampala, những trẻ em chân đất hối hả đi ngang qua một tấm biển quảng cáo pháp lực của Musa Nsimbe, người có “tên thương mại” là Giáo sư Gabogola. Tấm biển phía trước ngôi lều gỗ nhỏ của ông ta ghi những dòng chữ rất kêu: “Một pháp sư quyền năng đối với các linh hồn. Giải quyết tất cả các trường hợp quỷ ám, hư răng, sốt, bệnh tâm thần, các vấn đề liên quan đến sinh dục”. Nsimbe, 38 tuổi, là cha của 14 con với 2 phụ nữ, cho biết một số thầy bùa thực hiện các vụ tế thần bằng mạng người, nhưng ông thì không.

Một pháp sư khác tên Livingstone Kiggo, 60 tuổi, nói tế thần là một phần không thể thiếu trong công việc của một thầy pháp. Người ta có thể hiến tế một con dê, cừu hoặc gà để gọi linh hồn hay tổ tiên ông bà của khách hàng, nhưng giết người tế lễ không phải là một phần “dịch vụ” này. Ông quy trách nhiệm những cái chết để tế thần cho những người “muốn phá hoại công việc của pháp sư truyền thống”. “Những kẻ này là bọn sát nhân chứ không phải pháp sư”, ông giận dữ nói.

Trường hợp của pháp sư Polino Angela mới thật giật mình. Theo phóng sự điều tra được đài BBC công bố hồi tháng 1 vừa qua, Angela học ma thuật từ một pháp sư ở nước Kenya láng giềng và tận mắt chứng kiến cảnh một cậu bé 13 tuổi bị pháp sư này sát hại trong một buổi lễ hiến tế. Khi về nước, ông đã ra tay giết 70 người, trong đó có đứa con trai 10 tuổi của mình trước khi hối lỗi và giải nghệ vào năm 1990. Kể từ đó đến nay, ông đã thuyết phục 2.400 pháp sư bỏ nghề.

Tự cứu

Nhiều người phàn nàn về nạn tham nhũng trong lực lượng cảnh sát, các cuộc điều tra được tiến hành chậm chạp và việc thiếu những bản án nghiêm khắc từ tòa án để ngăn chặn hủ tục giết người tế lễ. Theo AP, trong số khoảng 30 người bị cáo buộc sát hại người khác để tế thần hồi năm ngoái, chưa có ai bị kết tội. Bản án cuối cùng được đưa ra là vào năm 2007. Haruna Mawa, phát ngôn viên của cơ quan bảo vệ trẻ em ANPPCAN, nói: “Thiếu một ý chí chính trị trong việc bảo vệ trẻ em. Chừng nào pháp luật chưa được thực thi triệt để và hiệu quả thì chúng ta còn tạo ra một mảnh đất màu mỡ để nạn giết người làm vật hiến tế gia tăng”.

Cơ quan của Mawa đã giúp đỡ nhiều trường hợp trẻ em tàn tật vì bị cắt bộ phận cơ thể làm vật hiến tế. Một đứa bé 2 tuổi bị một pháp sư cắt mất dương vật ở miền đông Uganda và hiện phải tiểu tiện bằng ống tuýp. Cũng theo Mawa, một đứa trẻ 12 tuổi tên Shafik đã bị dao kề cổ thì pháp sư phát hiện cậu bé đã cắt bao quy đầu. Các thầy pháp không giết trẻ em bị cắt bao quy đầu hoặc xỏ lỗ tai vì cho rằng cơ thể chúng đã ô uế. Kết quả là hiện nhiều bậc cha mẹ đã cho con mình xỏ lỗ tai hoặc cắt bao quy đầu để bảo vệ tính mạng cho chúng.

Gia đình của ông Balluonzima Christ, bố của bé Ayala xấu số, lại đang bảo vệ 3 đứa con còn lại theo cách khác. Chúng không còn tự mình đến trường mà luôn có cha mẹ đi kèm. Tuy nhiên, đây không phải là biện pháp bảo vệ lâu dài. Trẻ em hay đi lung tung, và ở xứ sở còn tồn tại hủ tục giết người làm vật hiến tế, mối nguy với chúng vẫn rình rập.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.