Ông ‘khùng’ ở làng Thượng

15/09/2015 10:02 GMT+7

Khi gà ở làng Thượng chưa kịp cất tiếng gáy, ông Hà Xuân Định đã lọc cọc đạp xe lên đường đi tìm trẻ khuyết tật. Ông đến từng nhà vận động bố mẹ các cháu, cho con em đi học nghề.

Khi gà ở làng Thượng chưa kịp cất tiếng gáy, ông Hà Xuân Định đã lọc cọc đạp xe lên đường đi tìm trẻ khuyết tật. Ông đến từng nhà vận động bố mẹ các cháu, cho con em đi học nghề. 

Ông Định đọc thư của những đứa trẻ khuyết tật đã trưởng thành, gửi về thăm ông Ông Định đọc thư của những đứa trẻ khuyết tật đã trưởng thành, gửi về thăm ông - Ảnh: Chí An
Suốt 15 năm nay, ông Hà Xuân Định (85 tuổi), làng Thượng, xã Vân Từ, H.Phú Xuyên, Hà Nội đã đi khắp các vùng miền, tìm hơn 2.500 trẻ khuyết tật về học nghề tại hợp tác xã (HTX) sơn khảm Ngọ Hạ (xã Chuyên Mỹ, H.Phú Xuyên, HN).
Năm 2000, dân làng Thượng xôn xao vì có một đoàn người nước ngoài, thuộc tổ chức phi chính phủ Maryknoll (Mỹ) về làng, tìm tình nguyện viên “gom” trẻ khuyết tật vào học nghề ở HTX sơn khảm Ngọ Hạ. Ngày đầu tiên khi nghe họ trình bày kế hoạch, ông Định đã xin được đi làm tình nguyện. Nhưng họ bảo, ông Định đã 70 tuổi, sức khỏe yếu, không thể đảm đương công việc. Vài ngày sau, ông Định đạp xe đến HTX Ngọ Hạ một lần nữa.
Ông bảo: “Tôi nhìn già nua, gầy gò thế này nhưng sức khỏe còn tốt. Tôi vẫn có thể đạp xe, đi bộ khắp làng. Tôi tin mình có thể làm được việc”. Đến giờ, ông cũng không biết mình thuyết phục tốt, hay vì người xã Vân Từ không ai chịu làm tình nguyện, mà ông được nhận.
HTX sơn khảm Ngọ Hạ được thành lập năm 1960 cùng với một số HTX sản xuất khác trong huyện Phú Xuyên. HTX chuyên sản xuất các sản phẩm làng nghề truyền thống khảm trai của xã Chuyên Mỹ. Năm 2000, được tổ chức phi chính phủ Maryknoll của Mỹ và chính quyền địa phương hỗ trợ, HTX đã mở rộng quy mô đào tạo nghề khảm trai cho trẻ em nghèo, khuyết tật.
Người làng Thượng nghe tin ông Định đi làm tình nguyện ngạc nhiên lắm. “Biết tôi làm không công, nhiều người bảo: Bị khùng điên nên không được đồng nào cũng lang thang ngoài đường cả tháng. Đi thế, có ngày chết ngoài đường không ai biết!”, ông Định chia sẻ.
Những ngày đầu, chỉ có vợ ông, bà Nguyễn Thị Bòng ủng hộ chồng. Bà bán gà trong chuồng, bán rau ngoài vườn, góp được mấy trăm nghìn làm lộ phí cho chồng đi làm... tình nguyện.
Giúp 2.500 trẻ được học nghề
Ông Định kể, 13 tuổi, ông đã mồ côi cha. Mặc dù lam lũ, quần quật ngoài đồng suốt ngày nhưng đói nghèo vẫn theo mẹ con ông đến nửa đời người.
“Chịu khổ từ bé nên thấy cháu nào mồ côi, khuyết tật tôi cứ thấy thương. Tôi thấy nhiều cháu bị tật, nhưng tay vẫn linh hoạt, mắt vẫn tinh nếu được học nghề nhất định sẽ làm được”, ông Định lý giải cho những chuyến đi “khùng” của mình.
Nói về những ngày đầu “vào nghề”, ông Định kể: “Chuyến đi đầu tiên của tôi về huyện Chương Mỹ (Hà Tây cũ). Tôi hỏi thăm đến nhà nào có trẻ khuyết tật, cũng bị đuổi từ ngoài cổng. Họ bảo tôi đi cái xe đạp cùn, ăn mặc như lão nhà quê mà đòi kiếm việc cho con họ”.
Hỏi thăm đến nhà cán bộ thôn, xã, người ta không chịu chỉ cho ông. Ngày đầu tiên “đi làm”, ông Định phải nhịn đói. Đêm ấy, ông tìm một góc đình ngủ tạm. Sáng mai, ông lại dắt xe đi tiếp.
Về sau, rút kinh nghiệm, ông tìm đến thôn, xã, trình bày công việc của mình để được giúp đỡ. Lâu dần, khi hàng trăm đứa trẻ khuyết tật ở các huyện: Phú Xuyên, Chương Mỹ, Ba Vì,... đi học nghề và có việc làm, mọi người nhìn ông trìu mến hơn. Cánh lái xe ở các bến xe biết ông đi tình nguyện, họ chẳng bao giờ lấy tiền vé. Nhiều người còn giới thiệu anh em, bạn bè bị khuyết tật cho ông Định đến “tuyển”.
Năm 2012, khi đang đạp xe ra bến xe, chuẩn bị cho chuyến hành trình mới, ông Định bị đụng xe, phải khâu 3 mũi. Nửa tháng sau, ông bắt đầu lại công việc. Lúc này, vợ con ông Định can không cho ông đi nữa. Nhưng ông bảo: “Cứu một người phúc đẳng hà sa. Bà với các con cứ để tôi đi!”
Những năm đầu, ông chỉ tìm trẻ khuyết tật ở các huyện Chương Mỹ, Phú Xuyên thuộc Hà Tây (cũ). Đến bây giờ, hàng chục tỉnh thành, nơi nào có trẻ khuyết tật, nơi ấy có dấu chân ông. Sau 15 năm làm tình nguyện, hơn 2.500 đứa trẻ khuyết tật do ông Định tìm kiếm, giới thiệu học nghề đã có công việc ổn định.
Nguyễn Công Dự (24 tuổi, Yên Sơn, Tuyên Quang), bị khuyết tật 2 chân từ năm lên 3 tuổi. Sau khi nghe có người mách ông Định chuyên đi tìm người khuyết tật cho đi học nghề, đã viết thư cho ông, xin đi học. Sau khóa học tại HTX Ngọ Hạ, Dự đã tìm được việc làm ổn định tại quê nhà.
Dự xúc động nói: “Ông Định là người rất tốt bụng. Tôi lúc nào cũng mong ông khỏe mạnh để tiếp tục giúp đỡ mọi người”.
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Vui, chủ nhiệm HTX Ngọ Hạ chia sẻ: “Các cháu biết và tìm đến HTX xin học nghề phần lớn đều nhờ ông Định đi tìm kiếm giúp. Ông thật sự rất tốt bụng. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông vẫn rất nhiệt tình”…
Với những đóng góp thầm lặng của mình, năm 2012, ông Định được chủ tịch UBND TP.Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”. Tháng 7 vừa qua, ông cũng được Chủ tịch UBND H.Phú Xuyên - TP.Hà Nội tặng danh hiệu này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.