Bi hùng Hoàng Sa

29/04/2010 02:41 GMT+7

Hôm nay 29.4, 13 tộc họ ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) long trọng tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Lễ hội này là một phần máu thịt của người dân đất đảo được lưu truyền và bảo tồn từ hàng trăm năm nay để tri ân các bậc tiền nhân đã hy sinh vì lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc nơi Hoàng Sa.

Giong buồm đi mở cõi

Theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở VH-TH-DL Quảng Ngãi - chưa có một lễ hội nào ở nước ta lại mang tính đặc biệt vừa bi tráng nhưng cũng rất đỗi thành kính thiêng liêng như lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa ở Lý Sơn. Qua lễ hội này, mọi người sẽ gặp lại một Hoàng Sa oanh liệt và kiêu hùng từ hàng trăm năm trước. Trên những chiếc thuyền nan mỏng manh, những hùng binh Hoàng Sa đã giong buồm vượt trùng dương mở mang bờ cõi.

"Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là một lễ hội mang ý nghĩa hết sức đặc biệt của người dân Lý Sơn - cái nôi của đội hùng binh Hoàng Sa trong việc khai thác, thực thi chủ quyền vùng biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Lễ Khao lề không chỉ tri ân các tiền nhân mà còn khơi dậy lòng tự hào dân tộc đối với các thế hệ người VN, góp phần giữ gìn vùng biển đảo của Tổ quốc và phát triển kinh tế biển. Do vậy cần nâng lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa thành lễ hội của quốc gia
Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã - Ủy viên Ban chấp hành Hội Khoa học lịch sử VN

Ngay từ đầu thời Chúa Nguyễn, tại vùng cửa biển Sa Kỳ thuộc các xã An Vĩnh, An Kỳ (huyện Sơn Tịnh) và An Hải, nay là xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) và đảo Lý Sơn hằng năm có 70 binh phu được tuyển chọn đi Hoàng Sa tìm kiếm hải vật, sản vật để về dâng nộp cho triều đình và tuần phòng trên biển Đông. Đội Hoàng Sa cũng đã hoạt động liên tiếp sang đến thời Tây Sơn, với những cai đội nổi tiếng như Phú Nhuận hầu Võ Văn Phú, Hội Nghĩa hầu Võ Văn Khiết. Sang thời nhà Nguyễn cũng đã cho lập các đội thủy quân để cùng với Đội Hoàng Sa và Đội Quế Hương đi Hoàng Sa, Trường Sa cắm mốc, dựng bia chủ quyền, lập miếu, đo đạc thủy trình, lập bản đồ, bảo vệ lãnh hải của Tổ quốc.

Hành trang mà những binh phu đi Hoàng Sa thời ấy, ngoài lương thảo, họ còn mang theo 7 sợi dây mây, 7 nẹp tre, một đôi chiếu và một tấm thẻ bài được khắc tên họ, bản quán của người lính nếu chẳng may người lính nào hy sinh trên biển, họ sẽ được đồng đội bó xác lại và thả trôi xuống biển cả mênh mông với hy vọng khi dạt vào đất liền, người dân sẽ biết tung tích họ để đưa về bản quán. Song qua hình ảnh những ngôi mộ gió hiện hữu trên Lý Sơn, người đời sau đã kịp nhận ra không mấy chiếc thẻ tre quay về làng cũ.

“Hoàng Sa trời nước mênh mông
Người đi thì có mà không thấy về
Hoàng Sa mây nước bốn bề
Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa”. 

Câu ca trên đã xuyên qua mấy thế kỷ để song hành cùng hai vạn dân trên đảo, dù mỗi lần đọc lên là một lần nghe quặn lòng. Câu ca đã hàm chứa một sự hy sinh cao cả của nhiều thế hệ cư dân trên hòn đảo này, để Tổ quốc có một dải-cát-vàng-Hoàng-Sa từ hàng trăm năm trước.

Tri ân các bậc tiền nhân

Không phải đến lễ Khao lề thế lính lần này, người dân Lý Sơn mới có cơ hội “gặp lại Hoàng Sa”, mà từ rất lâu rồi, Hoàng Sa luôn thức ngủ trong lòng hai vạn dân Lý Sơn mỗi dịp “khao lề” vào tháng hai, tháng ba âm lịch. Lễ hội này không chỉ mang ý nghĩa giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, ghi nhớ công ơn của tiền nhân đã hy sinh vì lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, niềm tự hào về một vùng đất giàu truyền thống văn hóa mà còn có giá trị lịch sử đặc biệt trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước hôm nay và mai sau.

Hôm nay, những người mẹ, người bà trên đảo Lý Sơn không có một chút ký ức nào về những lần tiễn con ra trận nơi Hoàng Sa, song những thứ lương khô mà tổ tiên họ đã từng chuẩn bị cho con em ra trận từ mấy trăm năm trước vẫn được truyền đời, chúng đã hiện hữu trên từng mâm cỗ trong ngày giỗ lính Hoàng Sa này. Đó là một sự tiếp biến văn hóa mang tính tâm linh từ trong máu huyết mà không cần bất cứ một sự “dạy dỗ” nào. Phải có một tình yêu thật thẳm sâu về sự hy sinh lớn lao của tiền nhân thì hậu thế mới “giữ lửa” được đến như vậy. Nhìn vào mâm cỗ cúng là có thể gặp lại không khí của những cuộc tiễn đưa mà cha ông ta đã từng can dự mỗi lần ra trận nơi Hoàng Sa. 

Suốt mấy mươi năm chiến tranh và cũng từng ấy năm sống trong hòa bình nhưng nghèo khó, người dân Lý Sơn có một nỗi khao khát cháy lòng, đó là việc phục dựng lại đình An Vĩnh. Ngôi đình đã từng chứng kiến hàng trăm cuộc tiễn đưa của lính Hoàng Sa bị thực dân Pháp xóa sổ vào năm 1946. Đến nay, ngành văn hóa đã phục dựng lại nguyên hiện trạng ngôi đình trên chính nền đất cũ. Một lễ rước linh vị những hùng binh Hoàng Sa từ m Linh Tự về nhập điện ngôi đình này được cử hành trang nghiêm trong ngày “tế lính”. Cụ Võ Hiển Đạt, 78 tuổi, người “trông giữ” m Linh Tự từ hàng chục năm qua, bộc bạch: “Bắt đầu từ hôm nay, linh hồn của những người lính Hoàng Sa từng gửi thân xác giữa biển cả sẽ có chỗ để đi-về. Như thế dân Lý Sơn toại nguyện lắm rồi”.

Cột mốc biên cương

Cầu siêu cho các binh phu đã ngã xuống vì Tổ quốc

Lễ cầu siêu do các tăng ni phật tử trong huyện đứng ra tổ chức hôm qua không chỉ tri ân mà còn ngợi ca tinh thần hy sinh của những binh phu đã ngã xuống để mở cõi, bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc với một bài văn tế chiến sĩ Hoàng Sa đầy xúc động: "Biết mấy phen thề non hẹn biển, quyết một lòng chiến đấu đến cùng, xót thương thay những chiến sĩ tuân mệnh triều đình bảo vệ lãnh hải trên quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa đã xả thân vì Tổ quốc, son sắt một lòng, ngang dọc chí nam nhi, phong ba vùi dập, tuyết sương chẳng quản, mưa gió chẳng sờn, thề quyết bảo vệ biên cương bờ cõi...".

Lễ khao lề với những nghi thức đặc thù của văn hóa dân gian biển đảo, lại được tưới tắm bởi tinh thần “cưỡi sóng đạp phong ba” của những hùng binh Hoàng Sa, là dịp du khách hình dung về nỗi gian truân mà binh phu Lý Sơn đã ra đi trên những chiếc thuyền nan mỏng manh như thế nào để đặt chân lên Hoàng Sa suốt mấy trăm năm không một lần ngừng nghỉ. Đó là lễ hoa đăng với hàng ngàn ngọn nến tượng trưng cho những người lính đã hy sinh để bảo vệ Hoàng Sa cùng với lễ thả thuyền thế lính Hoàng Sa với 5 chiếc thuyền câu tượng trưng, cùng những hình nhân thế mạng được các nghệ nhân gọt giũa hết sức công phu, khắc họa những binh phu đang kéo neo, tát nước, buông buồm vượt sóng gió ra khơi được thả xuống biển - ngay tại địa điểm mà từ hàng trăm năm trước các hùng binh đã đi ra Hoàng Sa. 

Ông Trương Bình ở thôn Đông, xã An Hải - nghệ nhân gọt giũa hình nhân - giải thích: “Theo quan niệm của ngư dân đất đảo, những hình nhân ấy sau khi được thầy cúng "yểm" vào, những người sắp ra Hoàng Sa làm quân vụ biên phòng đã có kẻ thế mạng mình nên yên tâm lên đường. Cùng với đình làng An Vĩnh - nơi lưu giữ dấu tích của Đội Hoàng Sa, mọi người còn “gặp lại Hoàng Sa” với nhiều hình ảnh và hiện vật liên quan đến chủ quyền quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa của VN qua cụm tượng đài “Hùng binh Hoàng Sa”, gồm 3 nhân vật đều cao 4,5m, nặng 40 tấn. Người đứng giữa là cai đội, mặc trang phục triều đình, tay chĩa thẳng phía trước, tay kia đặt lên cột mốc khắc dòng chữ “Vạn lý Hoàng Sa”. Hai nhân vật còn lại, một ở trần vác lưới, một người mặc áo chùng. Sau lưng tượng đài khắc dòng chữ “Bản quốc hải cương Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu”, nghĩa là “Quần đảo Hoàng Sa là vị trí cực kỳ hiểm yếu nơi biên giới quốc gia”.

Bước vào nhà trưng bày những hiện vật, hình ảnh về Hoàng Sa-Trường Sa tại xã An Vĩnh, thế hệ trẻ cũng sẽ hình dung được khúc ca bi tráng của những hùng binh Hoàng Sa năm xưa đã ra đi bảo vệ bờ cõi biên cương của Tổ quốc như thế nào với chiếc thuyền câu vừa được nghệ nhân Võ Hiển Đạt phục dựng cùng các hiện vật như chiếu cói, dây mây, đòn tre, thẻ bài, dụng cụ sinh hoạt của người lính... Đặc biệt, một tờ lệnh quý được ban hành ngày 15 tháng 4 năm Minh Mạng thứ 15 (Giáp Ngọ - 1834) liên quan đến chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của VN còn nguyên vẹn nhất từ trước đến nay được gia tộc họ Đặng ở huyện đảo Lý Sơn gìn giữ ngót gần 200 năm qua hiến tặng cho Nhà nước, như là một bằng chứng khẳng định rõ ràng chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN. Ông Đặng Lên - người thay mặt tộc họ Đặng đã hiến tặng tờ lệnh cho Nhà nước - thổ lộ: “Nhắc đến Hoàng Sa, người dân đất đảo Lý Sơn luôn tự hào vì đó là vùng đất mà cha ông chúng tôi đã khai phá. Và, hôm nay Hoàng Sa là máu thịt, là nhà của ngư dân đất đảo”. 

Quần thể di tích còn có mộ gió của các thủ lĩnh nổi tiếng được vua trực tiếp giao việc ra Hoàng Sa đo đạc hải trình và cắm mốc chủ quyền quốc gia như khu mộ gió của cai đội Phạm Quang Ảnh, cai đội Võ Văn Khiết, Nguyễn Quang Tám. Đất Lý Sơn như là một bảo tàng với nhiều bằng chứng về chủ quyền của VN nơi Hoàng Sa cả văn hóa phi vật thể và vật thể. Tất cả những bằng chứng ấy đã hóa thành cột mốc biên cương của Tổ quốc ở nơi trùng khơi, lưu giữ mãi trong lòng triệu triệu người dân luôn ghi nhớ công ơn các bậc tiền nhân.

Hiển Cừ - Trà Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.