Vì sao đập chắn nước thải bị thủng?

08/11/2010 00:29 GMT+7

Sự cố vỡ đập khu khai khoáng tại Cao Bằng làm “bùn đỏ” tràn ngập khu dân cư đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Bộ Tài nguyên - Môi trường và lực lượng Cảnh sát môi trường đã vào cuộc điều tra.

18 giờ ngày 7.11, hai ngày kể từ khi cơn lũ bùn đi qua, ngoài suối lượng bùn đã rút đi 50 cm, nhà chị Mã Thị Bạch vẫn ngập ngụa bùn. Chị đang cố gắng dùng xẻng làm gậy chống để lội vào nhà vớt vát tìm kiếm bộ quần áo để mặc, nhưng bùn ngập quá sâu, không thể vào được.

 
Máy xúc đang khẩn trương gạt bùn thông đường cho dân - Ãnh: Cao Bắc

Tại con đường vào mỏ, công nhân và máy xúc vẫn khẩn trương cố gắng khai thông con đường cho người dân đi lại. Tuy nhiên, lượng bùn quá lớn vẫn tràn về, khó lòng vớt được hết. Cố lội qua dòng bùn, chúng tôi tiếp cận nơi xảy ra sự cố bục chân đập chắn. Mỏ quặng là khu đất rộng hơn 60 ha nằm trên đồi cao. Người ta dùng máy xúc, máy ủi bóc gỡ lớp đất mặt rồi xúc đất quặng đổ vào nơi tuyển rửa. Đất quặng này được dùng vòi phun nước lớn phun vào, rửa sạch lớp đất và giữ lại quặng. Phía dưới khu tuyển rửa, nước chảy xuống những hồ lớn. Và bùn đọng lại trên 4 hồ đập rộng mênh mông.

Theo một cán bộ đã từng làm việc tại mỏ, lượng bùn tại các hồ chứa có thể lên đến gần 1 triệu m3. Nếu đập bị vỡ tất cả các nhà dân sinh sống ven suối có thể bị ngập sâu bùn.

Nước thải vượt tiêu chuẩn từ 2 - 5 lần

Tiếp xúc với phóng viên trong buổi làm việc sáng qua, ông Đoàn Ngọc Báu, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Cao Bằng cho biết, Sở TN-MT tỉnh đã tổ chức cuộc họp xác định nguyên nhân vụ việc. Trong cuộc họp, Công ty khoáng sản luyện kim Cao Bằng đã thừa nhận, quá trình xây dựng đập không có lu lèn, chỉ đổ đất lấp xuống khe đồi chắn nước lại thành đập. Công ty đã thừa nhận sai phạm và hứa sẽ tổ chức khắc phục hậu quả, đền bù thiệt hại cho dân.

 
 Ông Nguyễn Văn Túc đang cố gắng nạo vét bùn ra khỏi giếng nước - Ảnh: Cao Bắc

Đáng chú ý, năm 2008, chi cục đã kiểm tra mỏ và kết luận lượng nước thải của mỏ vượt quá mức cho phép từ 2 lần đến dưới 5 lần; vi phạm nhiều quy định về bảo vệ môi trường. Hiện tại chi cục chưa phân tích đánh giá tác hại của chất bùn thải công nghiệp này, nhưng bùn có vụn sắt, ion sắt, có thể có lưu huỳnh gây hại cho cây trồng. Chưa đánh giá được ảnh hưởng của bùn đến sức khỏe con người. 

Ít nhất 50 hộ dân bị thiệt hại
Thống kê sơ bộ có 12 hộ dân bị lũ bùn ngập vào nhà và công trình phụ, 50 hộ bị thiệt hại do lũ bùn phủ ngập đất canh tác. Chính quyền địa phương đã yêu cầu công ty khẩn trương giúp dân khắc phục hậu quả, đền bù thỏa đáng cho dân, đồng thời dùng máy hút, máy xúc dọn sạch bùn cho dân, không để chảy ra sông.

Ông Lê Hồng Hải, Chánh thanh tra Sở TN-MT Cao Bằng cho biết, đập xây dựng từ năm 2005 theo phương pháp lấn đất từ bờ trái sang bờ bên phải, không được lu lèn cẩn thận, không có hồ sơ thiết kế và báo cáo tác động môi trường. Trong khi đó, theo quy định, đập cần có hồ sơ thiết kế và báo cáo tác động môi trường. Khi xây dựng đập, Thanh tra Sở đã yêu cầu công ty sớm lập hồ sơ thiết kế, làm báo cáo tác động môi trường. Nhưng sau nhiều lần hứa hẹn, đến nay, công ty vẫn chưa có hồ sơ thiết kế và báo cáo tác động môi trường. Vì không được xây dựng đúng quy cách nên đập kém chất lượng và có nguy cơ bị rò rỉ.

Mặt khác, công ty đã nhiều lần lợi dụng mưa lũ để xả trộm bùn thải ra suối. Thanh tra Sở và Cảnh sát môi trường Cao Bằng đã nhiều lần xử phạt, yêu cầu công ty chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Lãnh đạo công ty đã hứa hẹn nhiều lần sẽ nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa chấp hành. 

Bộ Tài nguyên - Môi trường yêu cầu TKV lưu ý

TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN cho biết, chất thải và bùn thải của khu khai thác quặng sắt chắc chắn là chứa các chất gây ô nhiễm và không có lợi cho sức khỏe của con người. Tuy nhiên, ông nói, khi chưa phân tích mẫu cụ thể thì khó có thể khẳng định mức độ gây hại.

Ông Nguyễn Đức Hưng, Trưởng phòng Quan trắc và khắc phục sự cố môi trường (Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường) cũng cho rằng, phải tiếp cận hồ sơ khai thác để biết họ tổ chức khai thác quặng sắt theo phương pháp nào và sử dụng hóa chất gì trong quá trình rửa tuyển quặng, sau đó lấy mẫu phân tích thành phần nước thải, bùn thải và nồng độ các chất gây ô nhiễm sẽ đánh giá chính xác mức độ nghiêm trọng của sự cố.

Hiện nay, lực lượng Cảnh sát môi trường tỉnh Cao Bằng đã vào cuộc điều tra tìm hiểu rõ nguyên nhân sự việc. Dư luận đang hết sức bức xúc vì sao, một mỏ quặng được khai thác quy mô như vậy lại không chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường? Một khối bùn khổng lồ treo trên đầu những người dân xã Duyệt Trung, nếu vỡ đập thì hậu quả sẽ ra sao?

Trả lời Thanh Niên, Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên cho biết đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường kiểm tra sự việc và yêu cầu các bên liên quan xử lý triệt để sự cố. Thứ trưởng Bộ TN-MT Bùi Cách Tuyến cũng cho biết, sau sự cố này, Bộ sẽ có văn bản yêu cầu TKV lưu ý trong vấn đề xử lý chất thải khai thác khoáng sản bằng công nghệ hiện đại, không ảnh hưởng đến môi trường, tuyệt đối tránh những sự cố đáng tiếc như đã xảy ra tại Cao Bằng.

Ông Tuyến nói rõ, bùn thải tràn vào khu dân cư ở Cao Bằng không giống như bùn đỏ bauxite. Hai loại bùn này hoàn toàn khác nhau về tính chất và mức độ ảnh hưởng môi trường.

C.B - Q.D

Cao Bắc –  Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.