Mánh lừa đoạt tiền qua điện thoại: Thông tin thuê bao bị rò rỉ?

19/01/2014 09:15 GMT+7

Đó là nghi vấn của nhiều nạn nhân sau khi đọc bài Mánh lừa đoạt tiền qua điện thoại đăng trên Báo Thanh Niên ngày 17.1. Thậm chí có khách hàng đã phát đơn khiếu nại nhà mạng.

Đó là nghi vấn của nhiều nạn nhân sau khi đọc bài Mánh lừa đoạt tiền qua điện thoại đăng trên Báo Thanh Niên ngày 17.1. Thậm chí có khách hàng đã phát đơn khiếu nại nhà mạng.

Mánh lừa đoạt tiền qua điện thoại: Thông tin thuê bao bị rò rỉ ? 

Bà H.T (ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM) kể, ngày 14.1, bà nhận cuộc điện thoại (ĐT) xưng là người của tổng đài VNPT thông báo bà nợ cước 8,93 triệu đồng, nếu muốn biết chính xác thì bấm số 0 để biết chi tiết. Lúc bà T. bấm số 0 thì được giải thích: vào ngày 10.12.2013 tên và số CMND của bà đã được dùng để đăng ký số ĐT 06637163... tại Tây Ninh. Người này cho đây là sự giả mạo và yêu cầu bà T. báo cho công an; rồi chuyển máy cho công an. Người đàn ông đầu dây bên kia tự xưng là điều tra viên Lê Quốc Anh, số ĐTDĐ: 0983732... tiếp chuyện và yêu cầu bà khai báo trung thực về tài sản và yêu cầu chuyển tiền gấp nếu không sẽ bị bắt.

“Chúng đọc họ tên, số CMND của chồng tôi”

Bà T. nghi ngờ VNPT quản lý lỏng lẻo, làm rò rỉ thông tin cá nhân của chủ thuê bao để bọn xấu sử dụng đi lừa chính khách hàng của VNPT. Quá bức xúc, sáng 15.1, ông P.N.A (chồng bà T., người đứng tên chủ thuê bao) khiếu nại VNPT qua thư điện tử. Trong thư trả lời chiều cùng ngày, VNPT cho biết đã xác định thuê bao của ông A. thanh toán hết cước tháng 12.2013 và thuê bao 06637163... ở Tây Ninh thực tế không tồn tại trên mạng lưới.

Tuy vậy, bà T. thắc mắc: “Tôi nghi chắc chắn do VNPT làm rò rỉ thông tin cá nhân của chủ thuê bao. Bởi vì bọn lừa đảo gọi ĐT đến gặp tôi hù dọa. Lúc đó tôi là con mồi tại sao không đọc họ tên, số CMND của tôi, sẽ khiến tôi tin hơn, sợ hơn, mà đọc họ tên, số CMND của chồng tôi. Rõ ràng chúng không biết họ tên, số CMND của tôi vì tôi không phải là người đứng chủ thuê bao mà là chồng tôi. Thêm vào đó, chúng chỉ biết thông tin cá nhân của chồng tôi sử dụng để đăng ký thuê bao, ngoài ra chẳng biết gì thêm. Có người nói chúng gọi 1080 hỏi sẽ biết thông tin cá nhân đó nhưng tôi hỏi 1080 chỉ có thể cung cấp họ tên, địa chỉ của chủ thuê bao ĐT bàn, chứ không biết số CMND”.

Tương tự, bà N.T.L.H (74 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận) cũng nói sẽ khiếu nại VNPT. Chiều 3.1.2014, bà H. đã bị kẻ lạ gọi ĐT đến dọa tài khoản của bà đang bị dính đến vụ án ngân hàng, đang bị điều tra và yêu cầu bà chuyển hết tiền trong tài khoản cho chúng. “Bọn chúng còn dặn tôi không được tiết lộ vụ việc với ai. Do sợ quá, trong 1 tuần tôi cũng không dám nói với ai dù các con tôi làm công an, công tác ở ngành tư pháp. Tôi nghi ngờ VNPT đã làm rò rỉ thông tin cá nhân của tôi, từ đó bọn này sử dụng đe dọa khiến tôi càng tin đó là sự thật”, bà H. bức xúc.

Suýt mất hàng trăm triệu đồng

Trong khi đó, sáng 17.1, bà V.T.H (62 tuổi, ngụ Q.1, TP.HCM) gọi đến đường dây nóng Báo Thanh Niên phản ánh: “Cách đây 10 ngày, lúc đó khoảng 8 giờ, có người nói là làm ở công ty viễn thông gọi điện nói tôi bị nợ tiền cước ĐTDĐ 8,93 triệu đồng. Nếu tôi không tin thì bấm số 9 gặp tổng đài VNPT để xác minh. Sau đó lại có người gọi nói tôi nợ tiền ngân hàng, phải chuyển tiền gấp để lưu giữ phục vụ điều tra án nếu không chuyển sẽ bị bỏ tù. Bọn họ làm tôi sợ lắm, đang chuẩn bị chuyển 300 triệu đồng trong tài khoản ở ngân hàng theo yêu cầu của họ thì con trai tôi đi làm về. Nghe tôi kể lại thì nó ngăn cản chứ nếu không đã chuyển tiền cho bọn chúng hết rồi”, bà H. nói.

Còn ông P.T.T (ngụ Q.3) thì nói rằng ông “may mắn thoát nạn nhờ sáng sớm ngày 17.1 đã đọc được bài Mánh lừa đoạt tiền qua điện thoại đăng trên Báo Thanh Niên”. Ông kể, lúc đó khoảng 8 giờ, ông loay hoay phụ vợ dọn hàng bán tết thì chuông điện thoại bàn đổ liên hồi. Ông nhấc máy thì đầu dây bên kia tự xưng là nhân viên của tổng đài VNPT thông báo thuê bao ĐTDĐ 0914567... của ông đang nợ tiền cước 8,93 triệu đồng. Ông T. chưa kịp hiểu chuyện gì thì người này gợi ý là “nếu không tin cứ bấm số 9 để gặp tổng đài VNPT xác minh”. Rồi tiếp đến người này cũng nói ông đang liên quan đến vụ án ngân hàng, yêu cầu chuyển tiền để lưu giữ phục vụ công an điều tra án, nếu không chuyển sẽ bị tù tội...

“Rất may, từ sáng sớm tôi đã đọc bài đăng trên báo, tôi gặng hỏi ngược lại một lúc thì bọn chúng sợ quá tắt máy luôn”, ông T. chia sẻ.

VNPT nói gì ?

Trước những khiếu nại và nghi ngờ của khách hàng về việc VNPT để lộ thông tin cá nhân, ngày 18.1, bà Trương Thị Xuân Thúy - Trưởng phòng Kinh doanh VNPT TP.HCM giãi bày: “Chúng tôi khẳng định luôn bảo vệ khách hàng của mình và không để lộ thông tin nhạy cảm ra bên ngoài. Số tiền nợ cước mà những kẻ lừa đảo thông báo với các nạn nhân đều là số tiền không có cơ sở, không chính xác. Với những trường hợp mạo danh VNPT để lừa gạt, tống tiền khách hàng, chúng tôi đã phối hợp với cơ quan công an để điều tra và sắp có kết quả. Chúng tôi cũng đã có những khuyến cáo trên một số phương tiện truyền thông để cảnh báo về vấn đề này. Hiện nay VNPT và một số nhà mạng khác đã có hệ thống tổng đài nhắn tin để biết số tiền nợ cước, vì vậy khách hàng hoàn toàn có thể chủ động kiểm tra để không sập bẫy những kẻ lừa đảo”.

Q.Thuần

Đàm Huy

>> Mánh lừa đoạt tiền qua điện thoại

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.