Phận đời sau tiếng rao ở TP.HCM: Chạy đua khắc khoải với tử thần

15/03/2023 13:29 GMT+7

Trên con đường nhỏ dẫn vào ngôi nhà sâu trong hẻm 300 Nguyễn Văn Linh, P.Bình Thuận, Q.7 (TP.HCM), có một gia đình 8 người đang gồng gánh sống qua ngày nhờ xe bán trái cây dạo.

Chiếc loa nhỏ được khởi động để đi bán từ 5 giờ sáng: "Cam quýt cóc ổi bán đê. Cam 15 nghìn một cân, một cân 15 nghìn anh chị ơi"... Chiếc xe đầy ắp trái cây cùng tiếng loa rao túc tắc từ sáng sớm đến tối mịt, với một ngày đã đi qua bao con phố.

Sau khi Thanh Niên đăng tải bài báo này, nhiều bạn đọc hỏi thăm kết nối cụ thể để liên hệ. Được sự đồng ý của nhân vật trong bài viết, chúng tôi cập nhật địa chỉ và số điện thoại: Anh Nguyễn Hồng Đông; địa chỉ: 300/34/8/12 đường Nguyễn Văn Linh, P.Bình Thuận, Q.7, TP.HCM; SĐT: 0931462661.

Không có tiền chữa bệnh

Đó là tiếng rao của xe trái cây đầu hẻm 300 Nguyễn Văn Linh từ mấy năm nay, do anh Đông (37 tuổi) và anh Nam (34 tuổi) là 2 anh em ruột bán.

Độ này, tôi không thấy chiếc xe ở đầu hẻm nữa. Hỏi ra mới biết anh Đông phải nhập viện cấp cứu, anh Nam vì vậy nên đã đẩy xe đi bán khắp nơi, mong muốn kiếm thêm thu nhập.

Căn nhà ngổn ngang ve chai, giấy vụn

Tôi muốn mua trái cây ủng hộ nhưng tìm khắp nơi không thấy anh Nam, nên đã tìm đến nhà. Giữa thành phố phồn hoa có một căn nhà xây theo kiểu cũ, xuống cấp, nước sơn xanh phai màu từ lâu. Xung quanh nhà ngổn ngang ve chai, giấy vụn.

Chỉ có anh Đông và mẹ ở nhà. Cô Mai (mẹ anh Đông) năm nay 66 tuổi, dìu anh từng bước nặng nề, khập khiễng đi ra.

Tôi ái ngại nhìn người đàn ông trước mặt. Mái tóc dài lõa xõa che hết mắt, người gầy trơ, chân tay teo lại, loang lổ sẹo và đầy bông băng.

Trước đây anh Đông thường xuyên đau ốm, nhưng vẫn còn chút sức khỏe để bán trái cây. Thế mà chỉ vỏn vẹn vài tháng thôi, nhiều bệnh dồn dập tàn phá cơ thể anh khủng khiếp: suy thận, tiểu đường, huyết áp.

Phận đời sau tiếng rao: Chạy đua với tử thần - Ảnh 2.

Anh Đông hiện nay chỉ đi bộ được vài chục mét là người mệt lả, không còn sức

PHAN THU HOÀI

Cô Mai lấy chổi quét nhà, kêu tôi ngồi xuống: "Nhà không có bàn ghế gì, cô ngồi tạm uống nước". Cô Mai cũng nhiều bệnh: suy tim, tiểu đường, huyết áp cao nhưng không có tiền chữa trị.

Cả gia đình hiện chỉ trông chờ vào xe bán trái cây là nguồn thu nhập chính. Trên anh Đông có 1 anh trai và 2 chị gái, anh Nam là em út. Chị gái anh Đông, 1 người vừa cùng chồng con ra ở riêng, người còn lại đi vặt lông gà thuê, thu nhập chưa đến 100.000 đồng/ngày. Cách đây mấy năm, anh trai của anh Đông bị rút gân ngón tay, không thể lao động.

Cô Mai kể với tôi, mùng 6 tết năm nay, cả gia đình phải "rồng rắn" đưa nhau vào bệnh viện. Con dâu cô bị bệnh phụ nữ nhiễm trùng nặng, đưa đi bệnh viện mổ xong phải chuyển lên nằm Bệnh viện Nhân dân 115 chăm sóc tiếp, nhưng nhà không có tiền.

"Tôi bảo thôi đưa đứa con dâu về nhà tôi chăm, không qua khỏi thì đành chịu. Thằng Đông cũng phát bệnh nặng, nằm viện được 20 ngày rồi không có tiền nên cũng lại xin về", cô Mai ngậm ngùi.

Phận đời sau tiếng rao: Chạy đua với tử thần - Ảnh 3.

Cô Mai ở nhà chăm sóc con trai bệnh nặng, thỉnh thoảng đi nhặt ve chai

PHAN THU HOÀI

Hiện nay, mỗi ngày anh Nam bán được từ 200.000 - 300.000 đồng, đủ tiền sinh hoạt, hôm nào bán được hơn thì có thêm tiền mua thuốc cho những người thân đau ốm trong gia đình.

Mỗi lọ thuốc chữa bệnh cho anh Đông dao động từ 800.000 - 900.000 đồng, một lọ thuốc rửa vết thương cũng có giá 400.000 đồng. Vì không có tiền mua thuốc, anh đành chỉ mua một vài hộp rồi uống giãn ra, không theo liều lượng để sử dụng được lâu dài.

Còn cô Mai vì để dành tiền chữa bệnh cho con trai mà không điều trị bệnh ở bệnh viện, lúc nào quá mệt thì đi lấy thuốc uống cầm cự cho qua ngày.

Phận đời sau tiếng rao: Chạy đua với tử thần - Ảnh 5.

Căn nhà bao trùm nỗi lo bệnh tật

PHAN THU HOÀI

Gánh hàng hy vọng

Tôi ngỏ ý muốn gặp những thành viên còn lại trong gia đình. Tuy nhiên, chị gái anh Đông đang đi nhổ lông gà, còn gia đình người anh trai đang ở quê vợ Đắk Nông.

Cô Mai kể, con dâu muốn đến bệnh viện cắt chỉ vết mổ cần có thẻ căn cước công dân gắn chip nên con trai đưa vợ con về quê làm giấy tờ, đến nay hơn 20 ngày rồi chưa trở lại TP.HCM.

"Ở quê vợ cũng khổ lắm cô ơi, gia đình nhà ngoại không có gạo ăn, ăn cơm chùa không à, chắc nó không có tiền lên", cô Mai kể.

Tôi ngồi nói chuyện và đợi anh Nam đến hơn 8 giờ tối nhưng mãi chưa thấy anh về. Anh Đông kể, từ ngày chị dâu bệnh, gia đình cạn kiệt tài chính, anh Nam đi làm gấp 2, gấp 3 bình thường, có những ngày tận 11 - 12 giờ đêm mới về.

Bản thân anh Nam cũng có bệnh về phổi, không được làm việc quá sức. Nhưng gia đình anh hiện nay chị dâu vẫn phải điều trị lâu dài, bệnh của mẹ cần thuốc điều trị, anh Đông chuẩn bị phải chạy thận, và còn tiền ăn cho các cháu.

Đôi chân anh Đông chằng chịt sẹo do căn bệnh tiểu đường

PHAN THU HOÀI

Hằng ngày, chiếc xe 3 bánh cùng anh Nam đi khắp hang cùng ngõ hẻm, chạy đua với tử thần duy trì sự sống cho mẹ và anh Đông... May mắn thay, bà con khu phố tốt bụng, hay cho gạo và tiền để anh Đông mua thuốc uống. Hiện nay, P.Bình Thuận tổ chức quyên góp, phát gạo và mì tôm hỗ trợ gia đình.

Cô Mai bật khóc vì thương anh Nam phải gồng gánh cả gia đình. Cô nhớ mãi câu nói của con trai lúc đưa anh Đông nhập viện: "Em sẽ cố gắng để nuôi gia đình và cứu sống anh".

Bỏ học đi lượm ve chai

Cô Mai có tổng cộng 6 người cháu, được cho đi học trường tình thương, không mất học phí.

Cô cười khổ, tâm sự: "Tôi muốn cho các cháu đi học, kiếm con chữ nhưng đứa nào cũng muốn bỏ học kiếm tiền, tréo ngoe vậy đó. Gần đây có đứa 13 tuổi bỏ học đòi đi lượm ve chai, tôi mắng mà cháu không nghe. Vừa buồn vừa thương hết sức".

Cô Mai có một đứa cháu, con của người con gái đầu, ham học nhưng mắc bệnh tâm lý, phải điều trị lâu dài. Cô suy nghĩ mãi, nếu cháu lên đại học cũng không có tiền đóng học phí nên đành cho cháu nghỉ.

Cô ngậm ngùi: "Rất tiếc, nó là đứa duy nhất đòi đi học. Tôi không cho, tiền ở đâu mà vừa trị bệnh vừa học đại học. Nên tôi cho nghỉ ngang, nó tiếc lắm cô".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.