Philippines và Indonesia ký thỏa thuận biển lịch sử

24/05/2014 03:00 GMT+7

Philippines và Indonesia vừa ký hiệp ước phân định ranh giới các vùng đặc quyền kinh tế của hai bên, kết thúc 20 năm đàm phán.

 
Ông Aquino (đứng, phải) cùng ông Yudhoyono chứng kiến lễ ký hiệp ước biên giới biển ngày 23.5 - Ảnh: AFP

Ngày 23.5, tại thủ đô Manila của Philippines, Ngoại trưởng nước chủ nhà Albert del Rosario và người đồng cấp Indonesia Marty Natalegawa đã ký hiệp ước phân định ranh giới các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của hai nước ở biển Celebes, biển Mindanao và biển Philippines, theo Đài ABS-CBN News. Bản đồ phân định EEZ của hai nước cho thấy đó là một đường kéo dài từ biển Mindanao và biển Celebes, phía nam của Philippines, đến biển Philippines nằm phía nam Thái Bình Dương. Đây là kết quả của cuộc đàm phán kéo dài trong suốt 20 năm qua nhằm phân định các EEZ chồng lấn của hai bên và cũng là hiệp ước biên giới biển đầu tiên của Philippines.

Chứng kiến lễ ký kết hiệp ước có Tổng thống Philippines Aquino III và người đồng cấp Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono. Phát biểu sau lễ ký kết, ông Aquino III nhấn mạnh thỏa thuận “mang tính bước ngoặt” được dựa trên nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) và là “bằng chứng cho thấy Philippines cam kết giải quyết tranh chấp biển không dùng bạo lực”.

Tổng thống Yudhoyono cũng khẳng định đây là bằng chứng cho thấy “bất kỳ tranh chấp liên quan đến căng thẳng biên giới biển có thể được giải quyết hòa bình, không cần dùng sức mạnh quân sự”, theo AFP. Ông Yudhoyono cũng lên tiếng cảnh báo về tình hình căng thẳng ở biển Đông theo sau vụ Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) phi pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Ông kêu gọi Trung Quốc và các nước Đông Nam Á “trở lại tinh thần” của Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở biển Đông (DOC), trong đó các bên tuyên bố sẽ không tiến hành bất kỳ hành động nào dẫn đến gia tăng căng thẳng ở những khu vực tranh chấp. Ông nhấn mạnh tranh chấp ở biển Đông nên được giải quyết hòa bình, không phải bằng sức mạnh quân sự, để duy trì an toàn và ổn định trong khu vực, đồng thời kêu gọi sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), theo báo The Philippine Star.

Cùng ngày, Reuters dẫn lời một quan chức ngoại giao Malaysia nhận định chính Trung Quốc đã cố tình làm chậm quá trình đàm phán COC.

Văn Khoa

>> Philippines, Indonesia ký hiệp ước kết thúc tranh chấp biển
>> Ngoại trưởng Indonesia: tình hình biển Đông sẽ tồi tệ thêm nếu chỉ nói mà không làm
>> Indonesia trước hiểm họa đường lưỡi bò
>> Chiến lược phát triển vũ khí nội địa của Indonesia
>> Đảng đối lập dẫn đầu kết quả bầu cử Indonesia

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.